Các hệ thống camera giám sát “made-in-China” đã được lắp đặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Kenya và thậm chí cả ở Đức, Pháp, Ý.

Công nghệ camera giám sát người dân của Trung Quốc
Hệ thống camera theo dõi có mặt ở khắp mọi nơi. (Ảnh: Shutterstock)

Trung Quốc ‘giúp’ Serbia giám sát công dân

Ở Serbia, một dự án giám sát quy mô lớn đang được triển khai. Khi hàng trăm máy quay có khả năng nhận dạng và theo dõi cá nhân bắt đầu xuất hiện trên đường phố thủ đô Belgrade (của Serbia), một số người thậm chí đã nghĩ đến việc tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Không ai xa lạ, hệ thống giám sát này do tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tạo ra. Chính quyền Serbia khẳng định rằng hệ thống sẽ giúp giảm tỷ lệ tội phạm ở thành phố có khoảng 2 triệu dân này. Những người chỉ trích cho biết điều này đã làm hạn chế các quyền tự do cá nhân, khiến phe đối lập dễ bị trả đũa, thậm chí còn để lộ thông tin của công dân nước này cho chính phủ Trung Quốc.

Các camera được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang xuất hiện tràn lan tại hàng trăm thành phố trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo có hồ sơ nhân quyền yếu kém và bị Trung Quốc thao túng thông qua các thỏa thuận kinh doanh lớn.

Việc Mỹ tuyên bố rằng các cơ quan nhà nước Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu của Huawei đã gây ra mối lo ngại về quyền riêng tư của hàng triệu người ở những quốc gia không có vị thế lớn như Trung Quốc.

“Hệ thống này có thể được sử dụng để theo dõi các đối thủ chính trị, người chỉ trích chính quyền bất cứ lúc nào. Điều này hoàn toàn trái với quy định pháp luật,” trích lời ông Rodoljub Sabic, cựu lãnh đạo của ủy ban Serbia về bảo mật dữ liệu cá nhân.

Các nhóm phản đối Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia cho biết cảnh sát đã để lộ đoạn video về các cuộc biểu tình với đơn vị truyền thông thân chính phủ, cùng với danh tính của những người tham gia. Chính ông Vucic cũng từng huênh hoang rằng cảnh sát có khả năng biết được “từng khuôn mặt” trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Trong một cuộc mít-tinh gần đây, những người biểu tình đã trèo lên một cây cột và che ống kính máy ảnh bằng băng dính với dòng chữ “bị kiểm duyệt”.

>> Phía sau dự án Skynet của Trung Quốc với hơn 600 triệu camera giám sát

“Tuân thủ tất cả các quy định pháp luật hiện hành”

Cảnh sát Serbia đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng hệ thống camera giám sát. Theo kế hoạch, chính quyền Serbia sẽ lắp đặt 1000 chiếc camera tại 800 địa điểm trên khắp thủ đô Belgrade. Huawei cho biết họ “tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành” ở Serbia cũng như tại bất cứ quốc gia nào họ kinh doanh.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được áp dụng ở nhiều quốc gia, làm dấy lên cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa quyền riêng tư và an toàn. Hệ thống Huawei đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi đã có những cáo buộc cho rằng các công ty Trung Quốc hỗ trợ công tác tình báo quốc gia và cho phép chính phủ truy cập vào dữ liệu của họ.

Vậy nên, một số quốc gia đang xem xét lại việc sử dụng công nghệ của Huawei, đặc biệt là các mạng 5G siêu tốc dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2019.

Dù vậy, Huawei đã phủ nhận cáo buộc đối với bất kỳ sự kiểm soát nào đến từ phía chính phủ Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ này vẫn không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các khách hàng mong muốn cài đặt cái gọi là công nghệ Thành phố An toàn (Safe Cities technology), đặc biệt là cho các quốc gia thân cận với Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao và kinh tế.

Ngoài Serbia, danh sách các quốc gia lắp đặt hệ thống camera giám sát còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine, Azerbaijan, Angola, Lào, Kazakhstan, Kenya và Uganda, cũng như một số nền dân chủ tự do như Đức, Pháp và Ý. Hệ thống này được sử dụng ở khoảng 230 thành phố và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của hàng chục triệu người.

Trong một tài liệu quảng cáo, Huawei cho biết công nghệ giám sát qua video của họ có thể quét với khoảng cách rộng, đủ để phát hiện các “hành vi bất thường” như lảng vảng, theo dõi chuyển động của ô tô và con người, tính toán số người trong đám đông và gửi cảnh báo đến trung tâm chỉ huy nếu phát hiện điều đáng ngờ. Chính quyền địa phương sau đó có thể hành động dựa trên thông tin mà họ nhận được.

>> Trung Quốc đang tiến vào thế giới đại đồng trong kinh điển ‘1984’ của Orwell

Trong một trường hợp được quảng cáo trên trang web của mình, công ty Huawei cho biết một nghi phạm trong một vụ “đụng xe rồi bỏ chạy” ở Belgrade sau đó đã được phía Trung Quốc phát hiện nhờ dữ liệu nhận dạng khuôn mặt được cảnh sát Serbia chia sẻ với cảnh sát Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Serbia, một thành viên Liên minh châu Âu được Bắc Kinh ví như “cửa ngõ” vào “lục địa già”, đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây thông qua các dự án đầu tư Vành đai và Con đường.

Nền dân chủ ở Serbia vẫn rất mong manh. Chính quyền dân túy nơi đây vốn vẫn muốn làm thân với Bắc Kinh, cho phép lợi ích kinh tế của Trung Quốc lớn mạnh mà không phải trả lời quá nhiều câu hỏi về nhân quyền, tiêu chuẩn môi trường hay tính minh bạch.

Cụ thể, ngân hàng đầu tư nhà nước Trung Quốc đã cấp hàng tỷ USD cho những khoản vay dễ dãi nhằm xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, đường bộ, đường sắt và xây cầu. Các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc thậm chí còn giúp tuần tra trên đường phố Belgrade, theo chính quyền giải thích là nhằm hỗ trợ số lượng ngày một tăng các du khách Trung Quốc đến thăm thành phố này.

Công nghệ camera giám sát người dân của Trung Quốc
Huawei cho biết họ “tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành” ở Serbia cũng như tại bất cứ quốc gia nào mà họ đặt mối hệ hợp tác kinh doanh. (Ảnh: Shutterstock)

Những vấn đề tương tự cũng đang xảy ra ở Uganda, nơi Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và đập thủy điện trên sông Nile. Khi Tổng thống Yoweri Museveni khởi động dự án lắp đặt hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Huawei trị giá 127 triệu USD một năm trước, ông nói rằng các camera này là “tai mắt” để giảm thiểu tội phạm đang tràn lan trên đường phố ở thủ đô Kampala. Các nhà hoạt động đối lập cho biết mục tiêu thực sự là ngăn chặn những người biểu tình trên đường phố chống lại một chính phủ ngày càng không được lòng dân.

Ở nước láng giềng Kenya, chính phủ cũng tập trung hơn vào an toàn công cộng sau hàng loạt các cuộc tấn công cực đoan. Quốc gia này đã tiến hành sử dụng công nghệ nhận diện DNA, mống mắt và dữ liệu khuôn mặt. Để làm được điều này, Kenya phải nhờ đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, quốc gia đã giúp tài trợ cho việc lắp đặt camera giám sát ở Kenya từ tận những năm 2012.

50 quốc gia

Theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, có ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc để theo dõi công dân. Cụ thể, có ít nhất 75 quốc gia đang sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như nhận dạng khuôn mặt để giám sát – và 50 quốc gia trong số đó đã sử dụng các sản phẩm của Huawei, vượt xa đối thủ cạnh tranh khác như NEC (trụ sở tại Nhật Bản) và IBM (trụ sở tại Mỹ).

“Chúng tôi không muốn sống trong một xã hội [bị giám sát] như thế”, nhà hoạt động nhân quyền người Serbia – Ivana Markulic cho biết. “Chúng tôi đang tự hỏi: Những chiếc máy quay đang được giấu ở những đâu, chúng tôi đã trả bao nhiêu tiền và điều gì sẽ xảy ra với thông tin mà họ thu thập được?”

Theo CBC,
Phan Anh