Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quản lý Internet vô cùng chặt chẽ, dùng tường lửa hạn chế người dân tiếp cận thông tin ngoài biên giới Đại Lục, do đó nhiều cư dân mạng Đại Lục phải truy cập các trang web nước ngoài thông qua VPN. Gần đây có thông tin cho biết, đầu tháng 3 năm nay Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh đã nộp đơn xin cấp bản quyền phát minh công nghệ nhận diện VPN, thông tin khiến đông đảo cộng đồng mạng phẫn nộ.

VPN
(Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Hồi tháng 7, Cục Quyền sở hữu trí tuệ Trung Quốc đã công bố thông tin về một nhóm sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh nộp đơn xin cấp bản quyền phát minh công nghệ nhận diện VPN (mạng riêng ảo). Bằng sáng chế có tên “Phương pháp nhận dạng lưu lượng V2ray dựa trên mạng bộ nhớ dài hạn và ngắn hạn”, thời gian nộp đơn là ngày 25/3 năm nay.

Những người liên quan cho biết có thể sử dụng công nghệ này để chặn người dùng sử dụng VPN, đồng thời theo dõi địa chỉ IP của VPN và thậm chí theo dõi các nhà phát triển VPN. Những người liên quan khẳng định rằng công nghệ xác định VPN không khó khăn, nhưng vì những người trong nghề hiểu rõ về tầm quan trọng của VPN nên không ai muốn chạm vào công nghệ này.

Đông đảo người Đại Lục thường xuyên truy cập internet bên ngoài Trung Quốc phải thông qua phần mềm vượt tường lửa đã chỉ trích “phát minh” này là loại công nghệ của phường lưu manh, vô lại.

Tuy nhiên nhiều cư dân mạng là chuyên gia về công nghệ chỉ ra rằng thông qua hồ sơ cho thấy loại sáng chế này quá “lỏng lẻo”, vì nhiều kỹ thuật nòng cốt mơ hồ, họ suy đoán hành động để lừa gạt lấy kinh phí.

Tờ Nhật báo Apple Hồng Kông chia sẻ nhận định của ông Diệp Húc Huy, chủ tịch Mạng cung cấp dịch vụ Internet Hồng Kông chỉ ra rằng VPN biến hóa dao động rất mạnh nên không thể kiểm soát được. Ông giải thích rằng bản chất thực sự của VPN là công nghệ mã hóa, vượt qua các giới hạn của mạng internet; VPN kiểu cũ cung cấp kết nối cố định cho người dùng, thế hệ thứ hai sử dụng kết nối thông thường như một vỏ bọc, chẳng hạn như kết nối trang web của ngân hàng là “443”, “https”; còn VPN thế hệ thứ ba là dạng luôn thay đổi, đồng thời VPN cũng không ngừng phát triển tiến bộ, vì vậy khó có thể kiểm soát được VPN.

Về vấn đề vượt tường lửa này, bản thân ông Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc cũng đã từng phàn nàn trên Weibo rằng, “Vào mạng nước ngoài quá khó khăn cũng gây ảnh hưởng đến công việc của Thời báo Hoàn Cầu”, kiến nghị Chính phủ “Cần để lại một số kẽ hở giữa xã hội chúng ta (Đại Lục) và mạng Internet bên ngoài.” Nhưng chia sẻ này đã nhanh chóng “biến mất” trên Weibo.

Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) có chỉ ra rằng, tại một nước bình thường mục đích chính của VPN là thiết lập kênh riêng và bảo mật giữa một số điểm trên mạng công cộng; các công ty đa quốc gia cần dịch vụ VPN để đảm bảo hiệu quả bảo mật thông tin trong liên lạc giữa các chi nhánh và trụ sở chính.

Nhưng đối với Trung Quốc Đại Lục, nhiều người sử dụng các dịch vụ VPN để “vượt tường lửa”, để truy cập các trang web ở nước ngoài bị chính phủ Trung Quốc ngăn chặn; tiêu biểu như các kênh truyền thông quốc tế: Đài Tiếng nói nước Mỹ (VOA), Đài Tân Đường Nhân (NTDTV), Thời báo New York (New York Times), Tiếng nói nước Đức (DW), Quan sát Trung Quốc (Vision Times), Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times).

Đặc biệt là kể từ tháng Sáu năm nay, sau khi nổ ra chiến dịch phản đối Dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, người dân Đại Lục muốn tìm hiểu thông tin từ các trang web ở nước ngoài càng phải “tích cực” vượt tường lửa. Những vấn đề này cũng khiến nhà cầm quyền ĐCSTQ lo sợ và bất an, ngày càng muốn đẩy mạnh phong tỏa việc người dân tiếp cận thông tin từ bên ngoài.

Tuyết Mai

Xem thêm: