Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm 16/1 trả lời các câu hỏi tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Khi trả lời câu hỏi của nghị viên, bà Lâm nói bà tin rằng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ không thay đổi sau năm 2047, nhưng cũng cần có một số điều kiện. Bà còn nói, nếu mất đi “hai chế độ” thì là do thanh niên Hồng Kông “một tay gây ra”. Có nghị viên nói, trong việc xử lý phong trào dẫn độ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sai lầm nối tiếp sai lầm đã khiến cho “một quốc gia, hai chế độ” trở thành trò cười trên thế giới, cũng đặt vấn đề không biết bà “có biết xấu hổ hay không”. 

 

Embed from Getty Images

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời câu hỏi tại Hội đồng lập pháp Hồng Kông hôm 16/1/2020 (Ảnh: Getty Images)

Ngày 16/1, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tham dự đại hội và đã trả lời các câu hỏi của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Nghị viên Hội đồng Lập pháp thân Bắc Kinh, thuộc Liên minh Dân chủ vì sự tiến bộ của Hồng Kông là Tưởng Lệ Vân đã đặt câu hỏi cho bà Lâm rằng, thanh niên Hồng Kông lo lắng sau năm 2047 (thời hạn mà Bắc Kinh cam kết Hồng Kông không thay đổi trong 50 năm), Hồng Kông liệu có còn giữ “một quốc gia, một chế độ” hay không, và còn hỏi Trưởng Đặc khu làm thế nào để cho họ tin rằng sau năm 2047 Hồng Kông vẫn có “một quốc gia, hai chế độ”.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời, chỉ cần kiên trì phương châm “một quốc gia, hai chế độ”, đi sâu vào thực tiễn; đồng thời duy hộ “điều căn bản của một quốc gia” và tôn trọng sự khác biệt của “hai chế độ”, thì sẽ có đủ lý do để tin rằng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ có cơ hội được ổn định lâu dài, sau năm 2047 sẽ không thay đổi. 

Bà nói, đại bộ phận thanh niên đều là sinh ra sau khi chủ quyền Hồng Kông được chuyển giao, “một quốc gia, hai chế độ” khiến họ được giáo dục và làm việc trong môi trường tương đối phồn vinh và ổn định, cho nên mong mọi người trân quý “một quốc gia, hai chế độ”, không nên vì “hiểu lầm nhất thời” mà phá hoại phương châm này, nếu không tình huống mà hôm nay họ lo lắng, có thể sẽ do chính tay họ tạo thành. 

Trong quá khứ, Trưởng Đặc khu Hồng Kông ít khi nói về cách nhìn nhận của mình đối với việc liệu Hồng Kông có thể duy trì “một quốc gia, hai chế độ” sau năm 2047 hay không. Lần này, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga biểu đạt thái độ, đúng lúc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn – người kiên quyết nói không với “một quốc gia, hai chế độ” tái đắc cử với số phiếu bầu cao kỷ lục, phát biểu của bà Lâm cũng khiến dư luận có nhiều nghị luận. 

Nghị viên: “Một quốc gia, hai chế độ” đã trở thành trò cười quốc tế

Nghị viên Hội đồng Lập pháp thuộc đảng Công dân là ông Dương Nhạc Kiều đặt vấn đề, trong phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga dung túng lực lượng cảnh sát “lôi, còng tay, đánh” thanh niên Hồng Kông, dưới sự “hỗ trợ tấn công” của bà ta, bà Thái Anh Văn ở bờ bên kia eo biển đã tái đắc cử Tổng thống Đài Loan với số phiếu bầu cao kỷ lục. Còn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại sai lầm nối tiếp sai lầm, càng khiến cho “một quốc gia, hai chế độ” trở thành trò cười tại Đài Loan và trên thế giới. 

Ông nói, một mặt bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói cần xây dựng lại pháp trị, nhưng lại làm ngơ trước tình trạng lạm dụng bạo lực của cảnh sát; một mặt khác lại nói muốn xây dựng lại lòng tin với người Hồng Kông, nhưng lại cho phép lực lượng cảnh sát mua súng điện (một loại vũ khí có thể lấy mạng người khác). Ông nói: “Không biết bà Lâm có biết chữ ‘xấu hổ’ viết thế nào hay không?”

Nghị viên Hội đồng Lập pháp thuộc đảng Dân chủ là ông Quảng Tuấn Vũ cũng lên án bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, suốt cả nửa năm ngoái, bà Lâm đã khiến cho rất nhiều thanh niên Hồng Kông đổ máu, bị thương, bị bắt và mất mạng, nhưng lại đem trách nhiệm đẩy cho thanh niên. Ông thúc giục bà Lâm cần nhanh chóng hồi đáp yêu cầu thành lập hội đồng điều tra độc lập, sau đó từ chức. “Thành tích chính trị trong nhiệm kỳ của bà chính là kết nối toàn thế giới cùng ghét bà”.

Ông Thái Tử Cường – Giảng viên cao cấp khoa Chính trị và Hành chính thuộc Đại học Trung Văn phân tích với Đài Á châu Tự do rằng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục dùng những luận điệu tương đối cứng rắn để phủ nhận cảnh sát sử dụng bạo lực và phủ nhận việc mọi người mất niềm tin vào “một quốc gia, hai chế độ”. “Nút thắt trong lòng người dân và chính phủ Hồng Kông cùng chính phủ Trung ương Bắc Kinh không tháo gỡ được … điều này trước sau sẽ dẫn đến vấn đề lâu dài, bao gồm việc mọi người mất niềm tin với thể chế này, hoặc khi có mồi lửa khác, hoạt động quần chúng cỡ lớn, thậm chí là xung đột bạo lực có thể sẽ lại xuất hiện.”

Người dân chế giễu Hồng Kông đã thành “một chế độ”, bà Lâm còn có quyền quyết định?

Phát biểu của Lâm Trịnh Nguyệt Nga về việc bà tin rằng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ không thay đổi sau năm 2047, cũng làm dấy lên không ít tranh luận. Có cư dân mạng để lại bình luận nói, Hồng Kông của năm 2019 bị chìm vào trong “một chế độ”, “đương nhiên sẽ không thay đổi, hiện tại Hồng Kông đã là ‘một quốc gia, một chế độ’ rồi”. Cũng có người nói: “‘Một quốc gia, hai chế độ’ giống như hiện nay dù không muốn cũng đã xong rồi … Sự thực là, ‘một quốc gia, hai chế độ’ từ lâu đã bị Bắc Kinh giết chết rồi; hiện tại, người dân Hồng Kông và sức mạnh chính nghĩa toàn thế giới, đang trong cuộc đấu một mất một còn với ĐCSTQ.”

Có cư dân mạng nghi ngờ: “Phương châm quản trị Hồng Kông của chính quyền Trung Quốc Đại Lục sau năm 2047, liệu có phải do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga quyết định? Lúc nào mới đến lượt một Thị trưởng Hồng Kông nhỏ bé như bà lên tiếng?”, “Bà đã hỏi ông chủ Tập Cận Bình của bà chưa?”, “Bà có quyền quyết định? Chẳng phải ngay cả việc từ chức cũng không tự quyết được còn gì?”

Ngoài ra, trong ngày diễn ra buổi đại hội trả lời câu hỏi, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga còn liên tiếp gặp phải sự kháng nghị của các nghị viên, biểu đạt sự bất mãn đối với cách xử lý người biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ của chính phủ và lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Khi bà vừa mới vào hội trường, nghị viên phe dân chủ đã hô lớn các khẩu hiệu như “5 yêu cầu không thể thiếu một” và “Lâm Trịnh hạ đài”, v.v. sau đó liên tiếp có người ném biểu ngữ, và hô khẩu hiệu kháng nghị, cuối cùng có 13 nghị viên bị đuổi khỏi hội trường. 

Trong lúc diễn ra đại hội, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục từ chối hồi đáp “5 yêu cầu lớn” của người dân, từ chối từ chức, còn nói không chấp nhận cách nói Hồng Kông xuất hiện “bạo lực của cảnh sát”, bà còn chỉ trích có người “yêu ma hóa lực lượng cảnh sát”, còn nói “bản thân bà rất yêu mến thanh niên Hồng Kông”. 

Nghị viên phe dân chủ Doãn Đào Kiên tức giận nói bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga bi phạm cam kết bầu cử, bán đứng lương tri và bán đứng người Hồng Kông, không hồi đáp 5 yêu cầu lớn, nhìn thanh niên Hồng Kông bằng con mắt thù hằn, dung túng cảnh sát lạm dụng bạo lực. Ông cũng lớn tiếng chất vấn, là một tín đồ Thiên Chúa giáo, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga “Trong lòng có còn lương tri công bằng? Có phải bà đang xảo ngôn? Không sợ xuống địa ngục hay sao?” Ngay cả Cốc Hải Ân của Tân dân đảng thuộc phe thân Bắc Kinh cũng không chịu được và phải hỏi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga liệu có dẫn dắt đội ngũ của bà giảm lương, hoặc quan chức không có trách nhiệm từ chức, để xã hội hả giận.

Trí Đạt

Xem thêm: