Dịch viêm phổi Vũ Hán đang lây lan nhanh, chính quyền Trung Quốc cho biết đã có hơn 20.000 người ở Trung Quốc được chẩn đoán bị lây nhiễm, tuy nhiên con số thực tế vẫn không biết rõ là bao nhiêu. Để phòng và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thành phố Hàng Châu và Nhạc Thanh (tỉnh Chiết Giang), thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), thành phố Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông), thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) và thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) tuyên bố thực hiện “quản lý theo mô hình khép kín”, thực chất là phong tỏa thành phố. Tính đến nay, tính cả khu đại dịch Hồ Bắc, đã có 24 thành phố thực thi hạn chế người ra ngoài và hạn chế giao thông. 

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán
Từ khi có thông tin nhiều nơi phong tỏa thành phố, có người dân đã ở nơi khác không trở về nhà nữa (Ảnh: CNA)

Thành phố Nam Kinh là “cố đô 6 triều đại”, có lịch sử hơn 2.500 năm dựng thành và lịch sử gần 500 năm dựng đô. Tối ngày 4/2, chính quyền thành phố Nam Kinh phát đi thông cáo cho biết, ngay trong ngày sẽ thực hiện “quản lý khép kín tiểu khu” toàn diện. Trong thời gian quản lý khép kín, tiểu khu chỉ để một lối ra vào, bất kỳ ai ra vào đều phải đăng ký cả người lẫn xe, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, việc thực hiện biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh theo mô hình quản lý khép kín do tổ chuyên môn được thành lập bởi các cán bộ khu dân cư, cư dân và người tình nguyện tiến hành.

Ngoài ra, thông cáo còn nhấn mạnh, người có lịch sử du lịch ở các tỉnh khác hoặc khu vực bùng phát dịch trong 14 ngày qua, trước tiên cần phải chủ động thông báo, sau đó tiếp tục thực thi cách ly tại nhà.  

Thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang và thành phố Nhạc Thanh cũng bắt đầu thực thi “quản lý khép kín” từ ngày 4/2, người ra vào thành phố nhất loạt đều phải kiểm tra thân nhiệt, trình ra chứng minh thân phận còn hiệu lực, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt người và xe cộ từ nơi khác vào. Mỗi hộ gia đình trong 2 ngày chỉ được cử 1 người ra ngoài mua đồ dùng; khi có người xuất hiện triệu chứng sốt, ho, ngoài việc đi khám và báo cáo ra, sẽ dựa vào tình hình để tiến hành “cách ly cứng” đối với khu cộng đồng và khu dân cư, doanh nghiệp nào chưa được phê chuẩn thì chưa được phép làm việc từ ngày 9/2. 

Theo tìm hiểu, việc thành phố Hàng Châu, nơi có trụ sở chính của ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, tuyên bố phong tỏa thành phố sẽ ảnh hưởng đến 12.000 nhân khẩu; thành phố này cách Thượng Hải chỉ 175 km. 

Thành phố Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh Hà Nam) và thành phố Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông) cũng tuyên bố tiến hành “quản lý kiểu khép kín” hôm 4/2, biện pháp phòng dịch không khác biệt nhiều so với Hàng Châu, bao gồm quản chế nghiêm ngặt người ra vào thành phố, kiểm tra đối chiếu danh tính, kiểm tra thân nhiệt, doanh nghiệp không được hoạt động nếu chưa được phê chuẩn. 

Theo Hãng tin Tin tức Trung Quốc (China News Service), nhiều quận huyện của thành phố Hàng Châu cũng đưa ra “lệnh cấm nghiêm ngặt nhất”. Trong đó, quận Củng Thự phát đi thông cáo với nội dung chính “thực hiện nhất loạt 12 điều”, theo đó tất cả  các tiểu khu trong quận (gồm cả chung cư khách sạn) đều thực hiện quản lý kiểu khép kín; cư dân trong các tiểu khu nhất loạt đều kiểm tra thân nhiệt, và ra vào phải có giấy chứng minh thân phận; người ngoài và xe cộ đều không được phép vào bên trong tiểu khu, trường hợp đặc biệt sẽ do người quản lý ghi chép vào hồ sơ; người bên ngoài Hàng Châu trở về quận Củng Thự, nhất loạt phải chủ động báo cáo cho quản lý cư trú. 

Bên cạnh đó, còn có các thành phố như Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang), Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến), Từ Châu (tỉnh Giang Tô) và Trú Mã Điếm (tỉnh Hà Nam) cũng thực thi “kiểm soát quản lý xuất hành”. Trong đó nơi kiểm soát nghiêm ngặt nhất là Trú Mã Điếm, thông báo của thành phố này cho biết: Từ ngày 4/2, cư dân trong tiểu khu chỉ bảo lưu một lối ra vào, mỗi hộ gia đình trong 5 ngày chỉ được cử 1 người ra ngoài mua đồ dùng sinh hoạt.

Huệ Anh

Xem thêm: