“Cách mạng Văn hóa” là phong trào chính trị do cố lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng “Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương” khởi xướng và lãnh đạo kéo dài cả thập kỷ (từ 5/1966 – 10/1976). Giới sử học xem đây là “mười năm hỗn loạn” hay “mười năm thảm họa” của Trung Quốc.

Cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng trả lời phỏng vấn: “Số người chết thật sự trong Cách mạng Văn hóa e rằng là con số thiên văn, mãi mãi không thể tính ra được”.
Cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng trả lời phỏng vấn: “Số người chết thật sự trong “Cách mạng Văn hóa” e là chữ số thiên văn, mãi mãi không thể tính ra được”.

Nhà văn Trung Quốc Tần Mục (1919 – 1992) từng viết: “Đây là thảm họa vô tiền khoáng hậu, làm hàng triệu người bị khốn đốn, hàng triệu người ôm hận đến cuối đời, vô số gia đình phải ly tán, trẻ em bị biến thành côn đồ lưu manh, không biết bao nhiêu sách vở bị thiêu đốt, di tích bị phá hoại, mộ tiên hiền bị đào lên, đã gây ra vô số tội ác dưới danh nghĩa cách mạng!”.

Cuối cùng thì “Cách mạng Văn hóa” giết chết bao nhiêu người? Những số liệu nghiên cứu đều cho thấy có nhiều triệu người bị chết trong phong trào chính trị này. Trong một hội nghị, nguyên lão Trung Quốc Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) từng chỉ ra, “Cách mạng Văn hóa” đã chỉnh đốn cả trăm triệu người, khoảng hai triệu người bị hại chết. Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận với phóng viên nước ngoài, “số người chết trong “Cách mạng Văn hóa” phải tính bằng con số thiên văn…”.

Nghiên cứu của học giả nước ngoài

Trong tác phẩm «Trung Quốc: Lịch sử mới» của giáo sư Phi Chính Thanh (Fei Zhengqing) thuộc Đại học Harvard của Mỹ đã đưa ra con số một triệu người bị hại chết.

Giáo sư Đinh Trữ (Ding Shu) về lịch sử đương đại Trung Quốc là học giả sống tại nước ngoài chỉ ra, “Cách mạng Văn hóa” làm khoảng hai triệu người Trung Quốc chết bất thường. Ông phân tích: Năm 1966 giết chết 100.000 người, thời đầu “Cách mạng Văn hóa” giết chết khoảng 200.000 người, thời võ đấu (1966 – 1969) giết chết từ 300.000 – 500.000 người, hơn 500.000 người chết vì Đội Thanh, phong trào “nhất đả tam phản” và “thanh tra đội phản cách mạng 516” đã hại chết khoảng 200.000 người.

Giáo sư Tô Dương (Su Yang) thuộc phân hiệu Irvine Đại học California thống kê theo số liệu từ 1.520 cuốn Huyện Chí đã ước tính ở nông thôn có ít nhất 750.000 – 1,5 triệu người bị bức hại đến chết; một số người tương đương bị tra tấn tàn tật; ít nhất 36 triệu người bị bức hại chính trị dưới các hình thức khác nhau. Con số này chưa kể nạn nhân tại các thành phố lớn.

Trong chuyên khảo, ông thừa nhận: Vì tất cả các cuốn Huyện Chí thường che giấu sự thật theo những mức độ khác nhau nên tính toán số người tử vong của ông có thể vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Còn Giáo sư r. J. Rummel viết trong sách «Thế kỷ thảm khốc của Trung Quốc» có khoảng 7,73 triệu người thiệt mạng trong “Cách mạng Văn hóa”.

Cach mang van hoa

Số liệu của chính quyền Trung Quốc

Theo trong “Suy nghĩ của tôi về Cách mạng Văn hóa”, cựu Tổng Biên tập «Hoàng Đàm Xuân Thu» Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) cho biết, theo ông Diệp Kiếm Anh báo cáo tại Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị Trung ương (sau Hội nghị toàn thể TW1 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 12) thì số người chết như sau: (1) Phong trào võ đấu làm chết khoảng 123.700 người; (2) 2,5 triệu cán bộ bị đấu tố, hơn 302.700 cán bộ bị bỏ tù, hơn 115.500 cán bộ bị chết bất thường; (3) Khoảng 4,8 triệu nhân sĩ các giới tại các đô thị bị quy các tội như học giả phản động, phần tử chủ nghĩa tu chính, phần tử khác giai cấp, chống cách mạng…, trong đó khoảng 638.000 người chết bất thường; (4) Hơn 5,2 triệu địa chủ và phú nông ở nông thôn bị bức hại, khoảng 1,2 triệu người chết bất thường; (5) Có khoảng 113 triệu người bị đàn áp chính trị với mức độ khác nhau, trong đó hơn 557.000 người mất tích.

Còn «Những phong trào chính trị trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc» do Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc biên soạn ghi lại: Sau 2 năm 7 tháng điều tra, số liệu thống kê mới vào tháng 5/1984 về “Cách mạng Văn hóa” là: hơn 21,44 triệu người bị thẩm tra, tấn công; 125 triệu người bị liên lụy, ảnh hưởng; 4,2 triệu người bị bỏ tù; 17,28 triệu người chết bất thường; 135.000 người bị kết án tử hình vì tội phản cách mạng; 237.000 người chết trong võ đấu, 7,03 triệu người bị đánh tàn tạ, hơn 70.000 gia đình bị ly tán.

Cho dù số liệu không thống nhất nhưng đều thừa nhận có hơn hai triệu người chết bất thường trong thời “Cách mạng Văn hóa”.

Chuyên gia Tống Vĩnh Nghị (Song Yongyi), giáo sư Đại học Tiểu bang California chuyên nghiên cứu về thời kỳ này chỉ ra mâu thuẫn trong số liệu thống kê của phía nhà chức trách Trung Quốc. Ví dụ trong sách «Quảng Tây của Trung Quốc đương đại» xuất bản năm 1992 thừa nhận số người chết bất thường trong thời “Cách mạng Văn hóa” khoảng 83.000 người, nhưng trong tài liệu mật «Ký sự Cách mạng Văn hóa Quảng Tây, 1968» ghi lại, sau khi Ủy ban Cách mạng Văn hóa Quảng Tây thành lập đã giết chết ít nhất 100.000 người “phe tạo phản 422”. Hay ví dụ như số người chết tại Nội Mông Cổ trong phong trào diệt phản động “đảng Cách mạng Nhân dân Nội Mông Cổ” công bố vào năm 1980 là 12.222 người, nhưng trong «Lịch sử Khu tự trị Nội Mông Cổ» xuất bản năm 2004 thì cho biết, trong 10 năm “Cách mạng Văn hóa” có tổng số hơn 27.900 người bị hại chết. Hay như tại tỉnh Vân Nam, theo số liệu của chính quyền đưa ra vào năm 1982 thì số người tại đây bị hại chết là 17.000 người, nhưng trong «Báo cáo Cách mạng Văn hóa tỉnh Vân Nam» hoàn thành năm 2005 thì con số là 23.000 người chết.

Cuối cùng thì có bao nhiêu người chết? Tống Vĩnh Nghi cho rằng, có lẽ chỉ khi nào chính quyền Trung Quốc cho công bố hồ sơ mật thì mới hy vọng xác định được.

Diệp Kiếm Anh nói chuyện trong nội bộ

Ngày 24/9/2014, báo Tân Kinh của Trung Quốc đăng bài viết «Bàn về số liệu “Cách mạng Văn hóa” với Khổng Khánh Đông» của người lấy bút danh “Tây Pha”, tác giả chất vấn việc giáo sư Khổng Khánh Đông của Đại học Bắc Kinh so sánh số người bị hại chết trong “Cách mạng Văn hóa” với số người bị chết vì súng ống của Mỹ. Theo bài biết, nguy hại của “Cách mạng Văn hóa” không chỉ là vấn đề số người bị hại mà còn là trở ngại nghiêm trọng và kéo dài đối với phát triển quốc gia.

Bài viết còn chỉ ra, ngày 13/12/1978, trong lúc bế mạc một Hội nghị Công tác Trung Quốc, ông Diệp Kiếm Anh nói: số người bị hại và liên lụy trong thời “Cách mạng Văn hóa” lên đến hơn một trăm triệu người, chiếm 1/9 dân số Trung Quốc.

Trong suốn sách mang tên «Rửa oan: Sửa lại những án oan sai» do Nhà xuất bản Nhân dân An Huy xuất bản năm 1997, hai tác giả gồm Phó Chủ nhiệm Lịch sử Đảng tỉnh Sơn Đông Đinh Long Gia (Ding Longjia) và Phó Giáo sư  Đại học Sơn Đông Đổng Bảo Huấn (Dong Baoxun) đã dẫn ý kiến phát biểu ngày 13/12/1978 của Phó Chủ tịch Trung ương Diệp Kiếm Anh: Qua 2 năm 7 tháng điều tra toàn diện trung ương đã xác định có 20 triệu người chết trong “Cách mạng Văn hóa”, số người bị bức hại chính trị là hơn 100 triệu người, chiếm 1/9 dân số Trung Quốc, tiêu tốn 800 tỷ RMB (nhân dân tệ).  

Kỳ lạ là bài phát biểu của Diệp Kiếm Anh trong nghi thức bế mạc Hội nghị Công tác Trung Quốc lại không được ghi âm lại, nhưng lại có trong «Tuyển tập Diệp Kiếm Anh» xuất bản tháng 3/1996. Trong tác phẩm này, tác giả cho biết: “Bài học quan trọng mà Cách mạng Văn hóa để lại cho chúng ta là Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương đã lợi dụng quyền lực giành được để thực hiện hành vi phát xít, trên xử cán bộ, dưới xử dân chúng, gây ra vô số án oan sai, án giả tạo… Số người bị hại và liên lụy trong trận bức hại thảm khốc này lên đến hơn trăm triệu người, chiếm 1/9 dân số cả nước. Một bài học vô cùng đau đớn”.

Trong phát biểu được xuất bản công khai này không nhắc đến con số cụ thể hai triệu người chết.

Ngày 19/12/2008, cô con gái của ông Diệp Kiếm Anh là Diệp Hướng Chân cho biết, tác phẩm «Diệp Kiếm Anh nói chuyện tại Hội nghị Công tác Trung ương» do chủ nhiệm văn phòng của Diệp Kiếm Anh là Vương Thủ Giang (Wang Shoujiang) cùng thư ký quân sự Vương Văn Lý (Wang Wenli) soạn đã được đăng 227 kỳ trên tạp chí Tài Chính. Theo lời kể, bản thảo sau này được tóm gọn và sửa chữa lại nhiều. Những chi tiết liên quan đến Hoa Quốc Phong và Tập Trọng Huân (cha của ông Tập Cận Bình) đã bị loại bỏ. Ví dụ đoạn: “Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hoa Quốc Phong công khai thẳng thắn phê bình tôi trước toàn Đảng khiến tôi vô cùng cảm động. Về mặt này Chủ tịch là tấm gương cho tôi”.

Những chi tiết bị cắt bỏ cùng việc không cho ghi âm lại lời phát biểu của Diệp Kiếm Anh cho thấy có nhiều điểm nhạy cảm trong bài nói chuyện này.

Đặng Tiểu Bình: Số người chết e rằng là… con số thiên văn

Theo «Văn tuyển Đặng Tiểu Bình», từ ngày 21 – 23/8/1980, tại Đại lễ đường Nhân dân, ông Đặng Tiểu Bình hai lần trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên người Ý nổi tiếng thế giới Fallaci.

Phóng viên Fallaci là người đã phỏng vấn hơn 200 nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Fallaci đặt câu hỏi đầu tiên: “Có nên tiếp tục treo bức ảnh chân dung Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn không?” Câu hỏi thứ hai: “Người Trung Quốc thường cho rằng Cách mạng Văn hóa là do Tứ nhân bang gây ra, thế nhưng khi nói Tứ nhân bang thì lại giơ ra 5 ngón tay là sao?

Sau đó Fallaci tiếp tục hỏi: “Cuối thì có bao nhiêu người chết trong đại Cách mạng Văn hóa?”

Đặng Tiểu Bình trả lời: “Con số người chết thật sự trong Cách mạng Văn hóa e rằng là con số thiên văn, mãi mãi không thể tính ra được”.

Ngoài ra, Đặng Tiểu Bình còn nêu ví dụ một vụ án oan kinh điển: Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Triệu Kiện Dân (Zhao Jianmin) bị Khang Sinh cho là phản đồ, đặc vụ Quốc dân đảng. Vì thế đã hạ lệnh Bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị (Xie Fuzhi) bắt giam. Chỉ riêng vụ án này đã có hơn 1,38 triệu người liên lụy, trong đó hơn 17.000 người bị đánh chết, hơn 6.000 người bị đánh tàn tạ. Chỉ riêng khu vực Côn Minh số người bị đánh chết đã là 1.493 người, bị thương tích tàn tạ là 9.661 người.

Thiên Kỳ

Xem thêm: