Cựu Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tăng Khánh Hồng là nhân vật số hai của phái Giang (cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân), có quyền lực vượt xa những nhân vật khác trong phái Giang. Nhưng sau khi Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng chọn Tập Cận Bình làm người kế nhiệm sau nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào, cũng đồng thời âm thầm có kế hoạch đối với Bạc Hy Lai để sau này thay thế Tập Cận Bình.

giang trạch dân
Theo truyền thông Nhật Bản, thời điểm Đại hội 17 ĐCSTQ khi ông Tăng Khánh Hồng giải nhiệm đã cùng ông Giang Trạch Dân bố trí cho ông Tập Cận Bình làm người kế nhiệm sau ông Hồ Cẩm Đào (Ảnh: NTDTV)

Có cơ quan truyền thông Nhật Bản đã chỉ ra về nước cờ chính trị căng thẳng của lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm Tập Cận Bình với phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân qua hơn 5 năm cầm quyền của ông Tập, về cơ bản thì đó là cuộc đấu với cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 sau khi chính quyền Tập Cận Bình thẳng tay thanh trừng Chu Vĩnh Khang, nhưng vấn đề xử lý Tăng Khánh Hồng thì luôn bị trì hoãn khó khăn. Nhưng cuộc đấu giữa Tập Cận Bình và phe cánh phái Giang vẫn đang tiếp diễn.

Thời gian Tăng Khánh Hồng làm phụ tá cho ông Giang Trạch Dân tại Trung Nam Hải dài đến 15 năm. Khi Tăng giải nhiệm tại Đại hội 17 ĐCSTQ đã bí mật xây dựng âm mưu cùng Giang, theo đó bố trí cho ông Tập Cận Bình làm người kế nhiệm sau ông Hồ Cẩm Đào, nhưng trong câu chuyện này phái Giang vẫn nung nấu những trò nham hiểm nhằm đưa Bạc Hy Lai lên đỉnh cao quyền lực.

Thời điểm Đại hội 17 khi ông Tăng Khánh Hồng giải nhiệm đã cùng ông Giang Trạch Dân chọn ông Tập Cận Bình làm người tiếp quản quyền lực sau nhiệm kỳ của ông Hồ Cẩm Đào, nhưng cùng lúc phái Giang lại âm thầm chọn Bạc Hy Lai thay thế ông Tập Cận Bình sau Đại hội 18, sự kiện này báo trước ngày quyết đấu giữa Tập và Tăng.

Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản từng chỉ ra, trước thềm Đại hội 17 ĐCSTQ, vào khoảng 03 chiều ngày 25/6/2007, hơn 400 quan chức ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu kín tại Bắc Kinh để xem xét khả năng của cán bộ dưới 63 tuổi trong tương lai có thể vào ban lãnh đạo tối cao trung ương ĐCSTQ.

Thông tin chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên ĐCSTQ áp dụng hình thức “dân chủ trong Đảng” kiểu này, và chính ông Hồ Cẩm Đào chủ trì hội nghị.

Dù kết quả bỏ phiếu đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng thông tin dẫn lời một người trong cuộc cho biết, cuộc bỏ phiếu khi đó đã gây ra bầu không khí vô cùng căng thẳng. Nguyên nhân vì Bộ trưởng Bộ Thương mại Bạc Hy Lai có số phiếu quá thấp, đặc biệt là đánh giá từ giới cán bộ trong quân đội, trong khi ông Tập Cận Bình ở vị trí đứng đầu.

Kết quả này khiến ông Giang Trạch Dân rất bối rối và cuối cùng đã phải chọn ông Tập Cận Bình để trở thành người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào.

Tại Đại hội 15 ĐCSTQ (1998), phái Giang đã dựa theo nguyên tắc “Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị 70 tuổi phải nghỉ hưu” để ép Kiều Thạch (người bảo trợ của Hồ Cẩm Đào) “thoái vị”, sau đó đến Đại hội 16 lại dùng nguyên tắc “67 tuổi phải nghỉ hưu” ép Lý Thụy Hoàn “thoái vị”. Tuy nhiên đến Đại hội 17, ông Tăng Khánh Hồng cũng bị ông Hồ Cẩm Đào ép phải nghỉ hưu vì đến tuổi 68.

Tuy nhiên, trong tuyên truyền bên ngoài thì phái Giang lại khoe khoang “Tăng Khánh Hồng chủ động rút lui để trao lại toàn quyền lực cho Tập Cận Bình”.

Vào tháng 04/2012, Giang và Tăng đã quá “tuyệt vọng” với Tập và đã đẩy mạnh “nhắc nhở” Tập trên truyền thông ĐCSTQ tại hải ngoại mà phái Giang kiểm soát rằng, việc Tăng Khánh Hồng, Trần Lương Vũ, thậm chí cả Bạc Hy Lai bị loại tại Đại hội 17 là “hy sinh lớn” của phái Giang nhằm đưa Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực!

Do ông Tập Cận Bình xử lý Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, và ủng hộ ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã khiến tàn dư phái Giang cảm thấy kinh ngạc.

Điều này trở thành lý do phái Giang lên kế hoạch đưa Bạc Hy Lai lên thay Tập Cận Bình.

Tại sao Giang và Tăng luôn có ý định thay thế Tập Cận Bình bằng Bạc Hy Lai? Lý do chính là thời điểm tháng 07/1999 khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, những Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khi đó như Chu Dung Cơ, Hồ Cẩm Đào, Lý Bằng phản đối chiến dịch đàn áp, thậm chí sau khi Giang thành công trong phát động chiến dịch bức hại thì đến những người kế nhiệm như ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng không ủng hộ chính sách này, khiến ông Giang Trạch Dân thấy bất an.

Sau khi một số lượng lớn người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tàn tật, thậm chí mất mạng và bị mổ cắp nội tạng, do sợ bị thanh trừng nên ông Giang Trạch Dân đã cố kiểm soát chặt chẽ hệ thống chính trị pháp luật để duy trì chính sách khủng bố áp lực cao đối với Pháp Luân Công, đưa Chu Vĩnh Khang phụ trách Ban Chính pháp và vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Nhưng sau Đại hội 18 ĐCSTQ, những nhân vật quan trọng phái Giang như Chu Vĩnh Khang, Lý Trường Xuân, Ngô Bang Quốc đều bị loại khỏi Bộ Chính trị, sau khi tâm phúc của ông Giang Trạch Dân là Trần Lương Vũ bị ông Hồ Cẩm Đào hạ bệ, Tăng và Giang đã nắm lấy nhân vật Bạc Hy Lai hưởng ứng bức hại Pháp Luân Công, kết quả là Bạc Hy Lai được Giang và Tăng chọn làm người tiếp quản quyền lực sau Đại hội 18.

Kế hoạch của ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là: dự kiến ​trong thời gian khoảng 2 năm sau Đại hội 18, cùng với tuyên dương trước toàn quốc về thành tựu “ca đỏ đánh đen” của “mô hình Trùng Khánh” do Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai phụ trách; cộng thêm dùng thế lực quân đội, Chính pháp và Vũ cảnh do Bạc Hy Lai kiểm soát và thế lực phái Giang trong quân đội để hạ bệ và thậm chí là bắt giam ông Tập Cận Bình, lúc đó Trung Quốc lại thuộc về ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Sau khi tâm phúc trong quân đội của Giang là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị “ngã ngựa”, giới truyền thông đã dẫn lại tuyên bố của Từ Tài Hậu trước một số thân tín trong quân đội rằng: “Cứ để ông ta (Tập Cận Bình) làm 5 năm rồi cuốn xéo!”, tuyên bố gián tiếp cho thấy kế hoạch đảo chính của phe Giang đối với ông Tập Cận Bình.

Nhưng đầu tháng 02/2012, cùng với sự kiện giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô khiến kế hoạch đảo chính bị bại lộ, liên lụy nhiều nhân vật chủ chốt phái Giang trong các lực lượng khác nhau, sự kiện trở thành “quả bom” lớn nhất trong Trung Nam Hải.

Cho đến nay những tác động của sự kiện gây sốc này vẫn chưa hết.

Theo truyền thông Mỹ, thời gian ông Tập Cận Bình đi thăm Mỹ ngày 14/2/2012, đã đến nhà riêng Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và được Biden cung cấp cho bằng chứng đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Sau khi ông Tập Cận Bình xử lý xong Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, nhiều nhận định cho rằng điều này đồng nghĩa Tập đã đoạn tuyệt triệt để với Giang và Tăng.

Nhiều nhận định cho rằng ông Tăng Khánh Hồng là nhân vật số hai đồng thời là quân sư của ông Giang Trạch Dân, về kinh tế Tăng Khánh Hồng đã vơ vét được nguồn tài sản khổng lồ, về chính trị là kẻ đại gian. Trong 5 năm qua, phái Giang đã đứng sau chỉ đạo gây sóng gió chính trị đối với ông Tập Cận Bình, tiêu biểu như lên các kế hoạch ám sát, dàn dựng sự kiện bạo lực khủng bố, làm sụp đổ thị trường chứng khoán…

Giới truyền thông cũng từng đưa tin, sau khi Chu Vĩnh Khang bị bắt đã khai báo về danh sách nhân sự vạch ra trong một cuộc họp bí mật cùng ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Mục đích của ông Tăng Khánh Hồng là bố trí cho Bạc Hy Lai vào Bắc Kinh để kiềm chế ông Tập Cận Bình và từng bước để sẵn sàng thay thế vị trí của ông Tập.

Nhà bình luận nổi tiếng Hạ Tiểu Cường (Xia Xiaoqiang) tại Hồng Kông từng chỉ ra, việc nhân vật cầm cờ tập hợp lực lượng là Tăng Khánh Hồng, là niềm hy vọng cuối cùng để phái Giang nổi dậy, tuy nhiên việc đến nay Tăng Khánh Hồng vẫn bình an là lý do chính giúp phái Giang tiếp tục hy vọng đảo chính giành lại quyền lực.

Có thể nói, ông Tăng Khánh Hồng là trở ngại lớn trên con đường “đả hổ” chống tham nhũng cũng như vấn đề ổn định vị thế quyền lực của ông Tập Cận Bình, là nhân vật tiêu biểu phạm tội ác của thế lực phái Giang, vì thế Tập và Tăng khó đội trời chung. Tăng Khánh Hồng hiện vẫn còn liên kết gắn bó chặt chẽ với vô số quan chức “hai mặt” thuộc các cấp khác nhau trong bộ máy quyền lực ĐCSTQ, kỳ vọng lớn nhất của người dân Trung Quốc đối với kế hoạch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình chính là đưa Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng ra trước vành móng ngựa.

Tuyết Mai

Xem thêm: