Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào ngày 5/5 bắt đầu chuyến công du châu Âu đầu tiên trong năm nay, chuyến đi kéo dài 6 ngày tới Pháp, Hungary và Serbia. Không giống như lãnh đạo các nước bình thường khác, mỗi khi ‘ông trùm’ ĐCSTQ đi thăm nước nào sẽ chứng kiến đông đảo người Hoa sống tại nước đó phản đối. Tuy nhiên các tổ chức của ĐCSTQ tại nước đó như lãnh sự quán, đại sứ quán… cũng sẽ chi tiền thuê mướn một số người đi cổ vũ và che đậy các khẩu hiệu biểu tình, thậm chí nhiều khi xảy ra xung đột với người biểu tình.

APEC
Trưa ngày 16/11/2023, giờ địa phương ở Mỹ, các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra giữa những người chống Cộng và những người ủng hộ ĐCSTQ trên phố ở San Francisco. Những người trong cuộc tiết lộ rằng vào thời điểm đó đã xảy ra 3 vụ đánh nhau và đều do những người thân Cộng ra tay trước. (Ảnh: Getty Images)

Hôm 5/5, ông Tập đến thăm châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa tin “người dân thuộc mọi tầng lớp đều nhiệt tình hưởng ứng…”, khiến công luận liên tưởng đến chuyến đi của ông Tập tới San Francisco để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái. Tại địa điểm ‘ông trùm’ ĐCSTQ ghé đến có thể chứng kiến cảnh “chào đón nồng nhiệt” theo kịch bản, trong đám đông chào đón đó thậm chí có không ít gái mại dâm (gái đứng đường) đến từ Flushing (quận Queens – New York), ngoài ra còn có những tên xã hội đen đến từ nơi khác được chu cấp chi phí đi lại, ăn ở và được thù lao mỗi người từ 100 – 400 USD. Khi đó các thành viên Đảng Dân chủ Trung Quốc cũng có những xung đột bạo lực với bọn xã hội đen, một số thành viên Đảng Dân chủ Trung Quốc đã bị đánh chảy máu đầu, có hai người Mỹ da trắng đi ngang qua chứng kiến đã cố gắng can ngăn ẩu đả, nhưng cuối cùng họ cũng bị đánh lây.

Trước thềm chuyến thăm của ông Tập đến châu Âu này đã có động thái cho thấy “cánh tay tài phán nối dài” của ĐCSTQ vươn tới Pháp. Tối ngày 2/5, kênh France 2 của Pháp đã phát sóng chuyên đề đặc biệt phanh phui người của ĐCSTQ thực thi chấp pháp ngay trên nước Pháp: Xua đuổi những người biểu tình thể hiện bất đồng chính kiến.

bieu tinh o Paris
Hàng ngàn người Tây Tạng từ nhiều nước châu Âu đã tập trung tại Place de la République (Quảng trường Cộng Hòa) ở Paris vào Chủ nhật (5/5), để phản đối chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Chụp màn hình video)

ĐCSTQ đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến thăm của ông Tập. Trong bản tin ngày 22/3, France 2 mô tả cảnh 7 người của ĐCSTQ (gồm cảnh sát mật, nhân viên đại sứ quán, đặc vụ, dư luận viên) bắt cóc nhà bất đồng chính kiến ​​​​26 tuổi người Trung Quốc Ling Huazhan, đưa anh đến Nhà ga số 1 của Sân bay Charles de Gaulle (Paris) để ép anh lên chuyến bay tới Quảng Châu. May mắn thay, phóng viên của hai cơ quan truyền thông Pháp đã phát hiện lên tiếng, cũng giúp anh Ling lấy lại hộ chiếu. Các nhân viên hải quan Pháp và cảnh sát biên giới biết tin đã đến hiện trường để ngăn chặn.

Sau khi được giải cứu, anh Ling Huazhan còn tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại quấy rối và hàng trăm tin nhắn đe dọa, yêu cầu anh trở về Trung Quốc đầu thú, nếu không người thân gia đình anh sẽ hứng chịu hậu quả. Các tin nhắn đe dọa bao gồm như, “Chúng tao sẽ cho người thân của mày ngồi trên ghế cọp”… Cơ quan chức năng Pháp gọi lại số điện thoại quấy rối thì phát hiện có người của một cơ quan công an ĐCSTQ nghe máy, đã từ chối giải thích lý do quấy rối anh Ling rằng: “không tiện công bố tình hình phạm tội của công dân Trung Quốc”.

Một diễn biến đáng chú ý khác xảy ra ở châu Âu nhưng trên đất Nga, và diễn biến này trước thềm chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 15 – 16/5 của ông Tổng thống Nga Putin, ngay khi ông Tập kết thúc chuyến công du châu Âu.

Ngày 3/5, cảnh sát Nga đã đột kích nơi ở của 5 học viên Pháp Luân Công địa phương và bắt giữ 4 người. Ngày 4/5, Tòa án quận Tushinsky ở Moscow đã ra lệnh bắt giữ cô Natalia Minenkova (46 tuổi) theo điều khoản pháp lý gây tranh cãi “cấm tham gia vào các hoạt động tổ chức không được chào đón”, theo đó cô bị giam giữ cho đến ngày 27/6. Cảnh sát Nga cho biết cô Minenkova đã tổ chức các hoạt động của Trung tâm Pháp Luân Đại Pháp một cách “bất hợp pháp”, trong khi đó trung tâm Pháp Luân Đại Pháp không nằm trong danh sách các tổ chức bất hợp pháp của Bộ Tư pháp Nga.

Nhà Trắng lên án vấn đề đàn áp tôn giáo này của Nga. Các quan chức như Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, hay như dân biểu Cộng hòa của Wisconsin là Tom Tiffany bày tỏ lo ngại: “Như chúng ta đều biết, một trong những chính sách chính mà ĐCSTQ xuất khẩu ra nước khác là đàn áp, điều này rất đáng lo ngại.”

Nga từng lên án ĐCSTQ khi cho hay các học viên Pháp Luân Công có quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Được biết, trong bối cảnh ngày nay, Nga ngày càng bị phụ thuộc ĐCSTQ, đây là lần đầu tiên một phán quyết như vậy được đưa ra; trong khi đó cộng đồng quốc tế không ngừng lên tiếng phản đối việc ĐCSTQ xuất khẩu bạo lực, dối trá và hủy hoại nhân quyền thông qua “những cánh tay nối dài” ở nước ngoài.

Tháng 2/2022, nhà cầm quyền Nga đã ký kết với ĐCSTQ “quan hệ đối tác không giới hạn”, kể từ đó hai bên đã thúc đẩy cái gọi là “hợp tác chiến lược” trong một loạt thỏa thuận. Có lẽ từ những lợi ích mà Putin nhận được từ ĐCSTQ, động thái nằm trong bố trí trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của ông diễn ra vào giữa tháng Năm, cũng cho thấy Nga đã bị ảnh hưởng nặng từ “văn hóa Đảng” của ĐCSTQ.

Trước thềm chuyến thăm Pháp của ông Tập Cận Bình vào ngày 5/5, tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Pháp Macron đặc biệt chú ý các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc kêu gọi ông Tập Cận Bình chấm dứt tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và bãi bỏ luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông…

Trong một tuyên bố, Quyền giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc là bà Maya Wang đã kêu gọi: “Tổng thống Macron nên nói rõ với Tập Cận Bình rằng, những tội ác chống lại loài người do Bắc Kinh gây ra sẽ gây ra hậu quả cho quan hệ Trung-Pháp. Người Pháp mà làm ngơ về vấn đề này sẽ chỉ khiến chính quyền Trung Quốc cảm thấy rằng không có cái giá phải trả trong những vi phạm nhân quyền, dẫn đến việc nhà cầm quyền này càng gia tăng các hành động đàn áp trong và ngoài nước”.

Các nhóm người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp đã tổ chức họp báo vào ngày 3/5 và tuyên bố rằng việc Tổng thống Pháp Macron hoan nghênh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình giống như “cái tát” vào người Duy Ngô Nhĩ. Công dân Pháp Dilnur Reyhan, người sáng lập Viện Duy Ngô Nhĩ châu Âu, cho biết cô và những người Duy Ngô Nhĩ khác cảm thấy “tức giận” về chuyến thăm của Tập Cận Bình. Cô Reyhan mô tả Tập Cận Bình là “kẻ hành quyết người Duy Ngô Nhĩ”. Cô nói: “Đối với người Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, đây là một cái tát vào mặt Tổng thống Macron của chúng ta”.

Hoa Lai Tập,
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)