Bệnh dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19) bùng phát đã thực sự đe dọa đến quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà quan sát tin rằng dịch bệnh này là thách thức lớn nhất mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt kể từ khi nhậm chức, cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với ĐCSTQ kể từ khi cầm quyền. Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh thậm chí có khả năng vượt quá sự kiện Lục Tứ tại Thiên An Môn năm 1989. Nhưng một khi nguy cơ của ĐCSTQ được giải quyết, Tập Cận Bình sẽ không tiến hành bất cứ thay đổi gì.

Tập Cận Bình
(Ảnh: Shutterstock)

Tập Cận Bình đang tìm kiếm “con dê tế Thần”?

Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi cuộc chiến chống virus corona là “chiến tranh nhân dân” và Tân Hoa Xã thậm chí còn đưa tin nhấn mạnh chủ tịch Tập Cận Bình chính là ‘‘tư lệnh của cuộc chiến tranh nhân dân chống lại dịch bệnh”. Nhưng trên thực tế, chính quyền vẫn luôn che giấu dịch bệnh và đặt an ninh chính trị lên cao hơn tính mạng của người dân. Dịch bệnh bắt đầu từ tháng 12/2019, nhưng mãi cho đến ngày 20/1 khi ông Tập Cận Bình chính thức ra chỉ thị, chính quyền và các cơ quan phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ mới bắt đầu lên tiếng. Điều này đã dẫn tới vô số lời chỉ trích về bản chất dối trá của ĐCSTQ.

Mặc dù số lượng các trường hợp nhiễm bệnh được chính quyền thống kê gần đây đã tăng mạnh, nhưng người ta vẫn không khỏi nghi ngờ và đặt câu hỏi về việc che giấu con số thực tế nhằm đảm bảo cái gọi là duy trì ổn định xã hội”. Bắc Kinh gần đây cũng đã thay thế một số nhà lãnh đạo ở các khu vực bị thiệt hại nặng nhất tại Hồ Bắc và Vũ Hán nhằm phần nào xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng trước phản ứng yếu kém của chính quyền đối với dịch bệnh. Nhưng động thái này chỉ càng khiến người ta tin rằng chính quyền trung ương đang cố gắng tìm “con dê thế tội”.

Ông Dương Đại Lực, giáo sư Chính trị học tại Đại học Chicago cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian, đây hiển nhiên là động thái của ông Tập Cận Bình. Bởi vì vấn đề này rất quan trọng, ông Tập cần có thời gian để tìm ra “ứng cử viên” phù hợp nhằm vãn hồi cục diện ở Hồ Bắc và Vũ Hán.

VOA News hôm 15/2 cũng dẫn lời chuyên gia về Trung Quốc Elizabeth Economy cho biết, việc chính quyền ĐCSTQ tìm “con dê thế tội” liệu có làm chuyển hướng sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc đối với Tập Cận Bình và các lãnh đạo cao cấp khác hay không, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu. Khi số người chết ngày càng tăng lên và cái giá phải trả ngày càng lớn hơn, chính quyền sẽ khó lòng đổ lỗi cho người khác, mà điều này rất có thể sẽ gây tổn lại đến uy tín của Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Bà Elizabeth còn nhận định, danh tiếng của Tập Cận Bình trong suốt cuộc khủng hoảng này vẫn luôn bảo trì ở mức độ khiêm tốn, điều này hẳn không phải ngẫu nhiên.

Sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng, “người thổi còi” cho dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ qua đời vì nhiễm bệnh, rất nhiều cư dân Trung Quốc đã thể hiện thái độ bất mãn và phẫn nộ với chính quyền trên các mạng xã hội, cho dù hầu hết các bài viết này sau đó đều bị kiểm duyệt và xóa bỏ. Ông Hứa Chương Nhuận, một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa thậm chí còn xuất bản một bài báo dài với tiêu đề “Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi”, đả kích dịch bệnh lan tràn là vì một chế độ vô năng, đặc biệt là bại hoại về đạo đức, sẵn sàng hy sinh hàng triệu người dân để bảo vệ quyền lực của mình. Một trí thức Trung Quốc khác, ông Hứa Chí Vĩnh cũng viết một bức thư yêu cầu Tập Cận Bình thoái vị.

Ngay cả những người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ cũng có suy nghĩ tương tự. Ngày 4/2, trong khi đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đang phát biểu tại Đại học California ở San Diego, một người đàn ông Trung Quốc đã đứng dậy và hét lên: “Tập Cận Bình! Hãy hạ đài đi!” Người đàn ông này lập tức bị nhân viên an ninh đưa ra khỏi hội trường.

Lâm Hòa Lập: Tập Cận Bình phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2012 đến nay

Ông Lâm Hòa Lập, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Khoa Lịch sử Đại học Hồng Kông, đã viết trên trang web của Viện Jamestown Foundation (Mỹ) rằng Bắc Kinh lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với kinh tế Trung Quốc, nhưng điều khiến các nhà lãnh đạo ĐCSTQ càng lo lắng hơn chính là tính bền vững của quyền lực quốc gia và khả năng duy trì ổn định xã hội. Họ có thể làm được điều này hay không phụ thuộc rất lớn vào biểu hiện của Tập Cận Bình. Nhưng thất bại của chính quyền Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã cho thấy rõ ông Tập đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nhậm chức vào năm 2012.

Ông Lâm tin rằng việc virus corona lây lan sang gần 30 quốc gia và khu vực trên thế giới là đòn giáng mạnh nhất vào “quyền lực mềm” của Trung Quốc kể từ hơn 40 năm sau khi cải cách và mở cửa.

Lâm Hòa Lập cũng viết trong bài báo, cuộc khủng hoảng mà virus corona đưa đến đã khiến bóng ma của “Hiểm họa da vàng” (Yellow Peril) và “Trung Quốc uy hiếp luận” (The China Threat Theory) sống dậy, gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sự đình trệ trong việc hợp tác kinh doanh của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, cũng như việc tạm dừng các dự án nghiên cứu cấp cao và nhiều hạng mục nghiên cứu khác với các quốc gia chủ chốt của phương Tây trong ngắn hạn, sẽ có ảnh hưởng đến “quyền lực cứng” của Trung Quốc.

Richard Haass: Trung Quốc có thể xuất hiện bất ổn chính trị

Ngày 11/2, Richard Haas, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ đã đăng bài trên tờ Washington Post với tựa đề “Vì sao virus corona sẽ thay đổi cách nhìn của chúng ta với Trung Quốc”, bài viết chỉ ra rằng, dịch bệnh đã đưa Trung Quốc vào tình trạng bế tắc, ngoài thảm kịch dẫn đến vô số người tử vong, virus corona còn khiến kinh tế Trung Quốc lao đao, và nếu kéo dài thêm nữa thì cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với chính trị Trung Quốc.

Ông viết trong bài báo: “Tính hợp pháp của chính trị Trung Quốc đương đại phụ thuộc rất lớn vào biểu hiện kinh tế. Người Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận bị hạn chế về tự do cá nhân và tự do chính trị, để đổi lấy một cơ hội có thể nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước khi dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, điều đó có nghĩa là cái lý tưởng vốn chẳng ra sao đó của người Trung Quốc cũng đang có chuyển biến xấu đi.”

Haas chỉ ra rằng các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc không dám nhận trách nhiệm khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, mà phải chờ chỉ thị từ chính quyền trung ương. Do đó, họ đã bỏ lỡ thời gian tốt nhất để ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, ông tin rằng biểu hiện này của các quan chức địa phương chính là hậu quả mà chính sách tập quyền của Tập Cận Bình đưa đến. Ông nói: “Sự tê liệt này là hệ quả việc củng cố quyền lực của Tập Cận Bình, khiến các quan chức cấp tỉnh không thể hoặc không muốn ra mặt nếu không có sự chấp thuận của lãnh đạo trung ương.”

Theo quan điểm của Haas, dịch bệnh virus corona không chỉ là thách thức lớn nhất của Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức, mà còn là thách thức lớn nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt kể từ sự kiện Lục Tứ năm 1989 nếu như chính quyền không thể nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và thay đổi cục diện cũng như khôi phục tăng trưởng kinh tế. “Vấn đề hiện tại không chỉ đơn thuần là hàng chục ngàn học sinh sinh viên yêu cầu cải cách, mà là hàng triệu người dân yêu cầu quan chức phải có năng lực làm việc cơ bản,” ông nói. “Khi mọi người cảm thấy tuyệt vọng, họ làm những điều tuyệt vọng.”

Haas tin rằng, hiện chưa nói trước được điều gì về tình hình dịch bệnh, nhưng chắc chắn tai nạn này sẽ có thể khiến Trung Quốc thay đổi từ căn bản, hoặc ít nhất là thay đổi quan điểm của chúng ta về Trung Quốc, bao gồm cả cách thế giới bên ngoài nhìn nhận về Trung Quốc.

Theo ông, Trung Quốc có thể xuất hiện nguy cơ bất ổn chính trị, vì Trung Quốc vốn dĩ là một thể chế mong manh. Chính phủ Hoa Kỳ cần lên sẵn kế hoạch đề phòng cho bất cứ sự cố nào phát sinh.

Kevin Rudd: Một khi nguy cơ được giải quyết, Tập Cận Bình sẽ không thay đổi phương thức cai trị

VOA dẫn lời cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd nói rằng dịch bệnh hiện nay chính là thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình, nhân vật có quyền lực chính trị gần như tuyệt đối, trở thành Tổng bí thư của ĐCSTQ vào năm 2012.

Kevin Rudd nói: “Chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho chúng ta xem các biện pháp này rốt cuộc có hiệu quả hay không, nhưng chắc chắn rằng một khi nguy cơ này được giải quyết, phương thức cai trị Trung Quốc trong tương lai sẽ không thay đổi.”

Ông tin rằng Tập Cận Bình vẫn sẽ chiểu theo thế giới quan của ông ta và nghị trình phát triển quốc gia để cai trị Trung Quốc. Bất cứ phương diện nào khác, bao gồm cả việc xử lý khủng hoảng trong nước, đều phải tuân theo tình hình chung này.

Kevin Rudd cũng nhấn mạnh rằng, cần phải chú ý đến xem trước thềm Đại hội 20 diễn ra trong năm 2022, ĐCSTQ sẽ đưa ra quyết định gì về việc kéo dài nhiệm kỳ cho ông Tập Cận Bình.

Minh Ngọc