Dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán đang lan nhanh, tính đến tối ngày 20/1 số ca bệnh viêm phổi do virus corona loại mới ở Trung Quốc Đại Lục đã tăng lên 218 trường hợp, trong đó Quảng Đông liền kề với Hồng Kông bị 14 trường hợp, nghiêm trọng là dịch bệnh này khả năng cao lây bệnh từ người qua người. Trong họp báo ngày 20/1, Chính phủ Hồng Kông đã công bố thực hiện ba biện pháp mới để đối phó với dịch bệnh. Các chuyên gia từ Đại học Hồng Kông đã chỉ ra rằng loại bệnh viêm phổi mới này rất giống SARS, có thể loại virus này đã lan vào Hồng Kông.

Chuyên gia Hồng Kông cảnh báo dịch bệnh viêm phổi do virus corona loại mới lây lan nhanh trong kỳ xuân vận
Ngày 20/1, Cục Y tế và Thực phẩm Hồng Kông đã tổ chức họp báo để công bố ba biện pháp mới của Chính phủ Hồng Kông nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Ảnh: Chụp màn hình video)

Thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc Đại Lục cho thấy đến ngày 20/1, số trường hợp được xác nhận trên toàn Trung Quốc Đại Lục đã tăng lên 218, trong đó 198 ở Vũ Hán, 5 ở Bắc Kinh, và cũng xác nhận trường hợp đầu tiên ở Thượng Hải. Số trường hợp được xác nhận tại Quảng Đông tăng lên 14 trường hợp, trong đó 9 trường hợp ở Thâm Quyến, 3 ở Chu Hải, ở Trạm Giang và Huệ Châu mỗi nơi 1 trường hợp. Ngoài ra có 7 trường hợp nghi ngờ khác trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố. Số người chết vì dịch bệnh đã tăng lên là 3 người.

Tại Hồng Kông, trong vòng 24 giờ tính đến trưa ngày 20, các bệnh viện công đã tiếp nhận tổng cộng 7 trường hợp nghi ngờ, độ tuổi các trường hợp là từ 1 đến 67. Trong số 106 trường hợp được báo cáo có 20 người vẫn đang nằm viện để cách ly, 18 người trong tình trạng ổn định, 1 người trong tình trạng nguy kịch và 1 người trong tình trạng nghiêm trọng.

Phát hiện dịch bệnh lây từ người sang người tại Quảng Đông, Hồng Kông đưa ra 3 biện pháp ứng phó

Bệnh viêm phổi ở Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc đã lây lan đến nhiều tỉnh và thành phố tại Trung Quốc. Vào tối ngày 20/1, truyền thông Đại Lục dẫn lời ông Trung Nam Sơn (Zhong Nanshan), giám đốc Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia Trung Quốc về bệnh hô hấp, cho biết có 2 trường hợp mới ở Quảng Đông, người bệnh không đến Vũ Hán, nhưng có thành viên trong gia đình đã nhiễm bệnh viêm phổi virus corona mới sau khi đến Vũ Hán, qua đó khẳng định có hiện tượng lây bệnh từ  người sang người.

Ngày 20/1, Chính phủ Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp liên ngành để thảo luận về việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh virus corona mới. Bộ trưởng Bộ Thực phẩm và Sức khỏe Hồng Kông cho biết đã có nghi ngờ trường hợp nhiễm bệnh tại Hồng Kông, vì vậy phải chuẩn bị phòng ngừa nghiêm ngặt.

Chính phủ Hồng Kông đã đưa ra ba biện pháp mới để đối phó với dịch bệnh:

Thứ nhất,  từ sáng sớm ngày 21/1, Bộ Y tế Hồng Kông đã mở rộng phạm vi giám sát từ Vũ Hán đến tất cả mọi người đã đến tỉnh Hồ Bắc hoặc  bệnh viện Trung Quốc Đại Lục.

Thứ hai, những người đi máy bay từ Vũ Hán đến Hồng Kông phải điền vào tờ khai sức khỏe, điền các triệu chứng và phương thức liên lạc, nếu không hợp tác có thể bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ và bị phạt tù 6 tháng. Về việc lý giải hai chuyến tàu cao tốc hàng ngày từ Vũ Hán đến Hồng Kông lại không cần phải điền thông tin nêu trên, chính quyền giải thích rằng không phải tất cả hành khách đi tàu đều đến từ Vũ Hán.

Thứ ba, các bệnh viện công cũng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm. Nếu có trường hợp viêm phổi nặng mà vài ngày điều trị vẫn không phục hồi sức khỏe, hoặc nhân viên y tế bị ảnh hưởng, phải được xét nghiệm kiểm tra khả năng nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Nhiều chuyên gia Hồng Kông cho rằng việc Hồng Kông bị dịch bệnh tràn vào chỉ là vấn đề thời gian,  thậm chí không loại trừ virus đã xâm nhập vào Hồng Kông.

>>Dịch viêm phổi mất kiểm soát, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường lên tiếng

Tương tự như dịch SARS

Tờ Caixin tại Đại Lục đã phỏng vấn ông Quản Dật (Guan Yi) chuyên gia virus học, hiện là Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm trọng điểm về bệnh truyền nhiễm mới kiêm Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu dịch cúm của Đại học Hồng Kông. Ông chỉ ra rằng theo dữ liệu chính thức, bùng phát viêm phổi mới đầu tiên ở Vũ Hán xảy ra vào ngày 12/12/2019, nhưng trường hợp khởi phát sớm trên thực tế có thể tiến triển khoảng nửa tháng đến một tháng trước đó, tức là vào giữa tháng 11 năm ngoái.

Ông chỉ ra dịch SARS trước đây thì trường hợp phát bệnh đầu tiên vào ngày 16/11/2002, cho đến cuối tháng Một năm sau thì dịch bệnh tăng tốc lan truyền. Còn với dịch bệnh này, thời điểm hiện nay cũng vào khoảng giữa tháng Một, nhiều dấu hiệu về tình dịch phát bệnh và lây lan… của virus viêm phổi mới ở Vũ Hán tương tự như phát triển giai đoạn đầu của SARS.

Liên quan đến nguy cơ lây truyền virut từ người sang người, chuyên gia Guan Yi thẳng thắn cho biết việc tăng lên 136 trường hợp nhiễm bệnh là minh chứng  cho việc lây truyền từ người sang người. Cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm từ bài học dịch SARS để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trên toàn cầu như dịch SARS.

Guan Yi là một chuyên gia về virus học, ông được biết đến là người đã cùng các cộng sự điều tra và chẩn đoán mầm bệnh SARS ở Quảng Đông, đã đi tiên phong trong xác định virus corona của SARS,  chứng minh động vật hoang dã trên thị trường như cầy vòi mốc là nguồn trực tiếp của SARS.

Lo ngại về dòng du khách Đại Lục trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Hồng Kông, chuyên gia Ho Pak Leung – Chủ nhiệm Trung tâm Nhiễm trùng và Bệnh truyền nhiễm Đại học Hồng Kông cho biết, qua tình hình thực tế cho thấy khả năng lây truyền dịch bệnh từ người sang người là rất lớn. Với thời điểm nhạy cảm khi Đại Lục đang khởi đầu kỳ nghỉ mùa xuân nên khả năng virus xâm nhập vào Hồng Kông (cũng như các nơi khác) là rất cao.

Giáo sư Hứa Thụ Xương (Hui Shu Cheong) Chủ nhiệm khoa hô hấp tại Đại học Hồng Kông cũng có phân tích chỉ ra, trong số 41 trường hợp đầu tiên ở Vũ Hán thì có 30% trường hợp chưa từng đi qua khu chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán (nơi khởi đầu bùng phát bệnh viêm phổi Vũ Hán),  các trường hợp bệnh ở Thái Lan và Nhật Bản cũng không liên quan đến khu chợ này, vì thế ông cho rằng vi-rút từ thị trường Vũ Hán đã nhiễm sang nhiều khu vực khác, không loại trừ khả năng đã lan vào Hồng Kông.

Còn bác sĩ Quách Gia Kỳ (Kwok Ka-ki) nghị viên của Hội đồng Lập pháp thuộc đảng Công dân tại Hồng Kông thì yêu cầu việc điền vào các tờ khai sức khỏe không chỉ áp dụng đối với hành khách Đại Lục đi máy bay đến Hồng Kông, cũng phải áp dụng đối với hành khách Đại Lục đi bằng các tuyến giao thông khác. Ông lo lắng về lượng lớn khách du lịch Đại Lục đổ về Hồng Kông trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nếu thời gian này họ xuất hiện các triệu chứng mà không thể điều trị y tế kịp thời, thì sau năm mới nếu bùng phát số lượng lớn trường hợp khả nghi sẽ là vấn đề lớn đối với toàn hệ thống y tế.

Tuyết Mai