Dịch viêm phổi Vũ Hán (hay còn gọi là viêm phổi virus corona chủng mới) vẫn liên tục lan mạnh. Ông Lương Trác Vĩ, một thành viên của Đoàn chuyên gia cố vấn phòng ngừa dịch của chính phủ Hồng Kông, kiêm Viện trưởng Học viện Y – Đại học Hồng Kông, chỉ ra rằng virus corona chủng mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, khi chưa có triệu chứng rõ ràng đã có thể truyền nhiễm, khiến việc phòng dịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, dịch bệnh chưa hẳn đã có thể kiểm soát vào mùa hè.

Ông còn hình dung biện pháp ngừa dịch hiện nay là “câu giờ” tìm phương pháp trị liệu, dù cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin cũng phải mất 6 đến 9 tháng.

viem phoi
Lương Trác Vĩ, Viện trưởng Học viện Y – Đại học Hồng Kông, chỉ ra rằng virus corona mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, khi chưa có triệu chứng rõ ràng đã có thể truyền nhiễm, khiến việc phòng dịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, dịch bệnh chưa hẳn đã có thể kiểm soát vào mùa hè. (Ảnh: Vision Times)

Thời báo Tự do (Liberty Times) tại Đài Loan tổng hợp thông tin cho biết, dịch SARS năm 2003 (Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính nặng) khiến người nghe mặt phải biến sắc. Nhưng ngày nay tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát toàn diện còn lan nhanh và mạnh hơn cả dịch SARS.

Vào ngày 7/2, ông Lương Trác Vĩ, Viện trưởng Học viện Y – Đại học Hồng Kông, kiêm Giám đốc điều hành và là người sáng lập Trung tâm hợp tác của WHO về dịch tễ và kiểm soát dịch tễ bệnh truyền nhiễm, khi tham gia chương trình của Đài phát thanh thương mại Hồng Kông, đã giải thích rằng, virus corona mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay khi có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí người không có triệu chứng bệnh cũng đã có thể lây nhiễm cho người khác, “rất có thể vào thời kỳ ủ bệnh, thậm chí những triệu chứng dường như rất nhẹ, cũng khiến số lượng virus lây lan khá nhiều”.

Virus SARS thông thường từ 7-10 ngày mới bắt đầu nâng cao tỷ lệ lây lan. Nhưng ông Lương Trác Vĩ chỉ ra rằng tốc độ lây lan của bệnh viêm phổi Vũ Hán lại nhanh hơn: “Tuyệt đối không phải là 7 ngày. Một số người đang nghiên cứu thậm chí hoàn toàn không có triệu chứng của bệnh, thì ‘bệnh nhân tàng hình’ này cũng đang lây truyền virus.” Điều này càng tăng thêm khó khăn cho việc cá nhân và xã hội áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Ông còn hình dung rằng những biện pháp ngừa dịch hiện nay chỉ là đang “câu giờ” để giới y học tìm được phương pháp trị liệu mới. Hiện giờ có nhà máy dược phẩm của Mỹ đang tiến hành thử nghiệm tại Vũ Hán. Nhưng dẫu đợi được đến khi vắc-xin ra đời, cũng cần 6-9 tháng.

Đối với làn sóng dịch viêm phổi Vũ Hán, Keiji Fukuda, một thành viên khác trong Đoàn chuyên gia, cố vấn ngừa dịch của chính phủ Hồng Kông, kiêm Viện trưởng, Giáo sư lâm sàng Học viện Y tế Công cộng – Đại học Hồng Kông, khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông Hồng Kông đã chia sẻ, ông tin rằng dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, chưa hẳn đã có thể kiểm soát được trong mùa hè năm nay. Ông Lương Trác Vĩ cũng tán đồng với quan điểm này. Ông nói, không có số liệu khoa học chứng minh rằng dịch viêm phổi Vũ Hán có thể được kìm hãm trong môi trường ẩm thấp hoặc nhiệt độ cao. Ví như tại Singapore và Thái Lan, hai nước có thời tiết rất nóng, vẫn sẽ xuất hiện trường hợp lây lan tại khu vực này. Do vậy chỉ dựa vào sách lược phòng dịch nhờ thời tiết, chỉ là “xem trời bốc quẻ”, vừa không khoa học, vừa không thực tế.

Số người lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Hồng Kông đã tăng lên 25 trường hợp, trong đó bao gồm nhiều ca lây nhiễm tại địa phương. Ông Lương Trác Vĩ chỉ ra rằng, Hồng Kông đã xuất hiện việc bùng phát dịch bệnh trong khu dân cư “là một thực tế chắc chắn, không cần sự kháng cự đặc biệt nào, đều phải tiếp nhận”. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc dịch bệnh sẽ tiếp tục hoặc lan rộng. Nhiệm vụ cấp bách hiện giờ của Hồng Kông là lập tức cách ly, kiểm dịch tất cả những chuỗi truyền nhiễm và những người có thể bị lây nhiễm. Về số người truyền nhiễm liệu tăng cao lên tới cấp mấy, ông Lương vẫn chưa trả lời một cách trực diện, nhưng lại chỉ ra rằng số người lây nhiễm trong các khu vực khác tại các thành phố bên ngoài Vũ Hán đã lên tới 3 con số, “hy vọng Hồng Kông của chúng ta thực sự có thể trụ vững được trước quan ải này.”

Từ sáng ngày 8/2, tất cả người nhập cảnh vào Hồng Kông từ Đại Lục phải được cưỡng chế cách ly 14 ngày. Nhưng ông Lương Trác Vĩ cho biết, phải loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong các trường hợp đầu vào, cần thực thi bế quan toàn diện. “Tất cả các cửa khẩu đều phải đóng cửa toàn diện. Hơn nữa đối tượng bị phong tỏa là tất cả những địa phương đã xuất hiện chuỗi truyền nhiễm, không chỉ là Vũ Hán hoặc tỉnh Hồ Bắc. Phải giảm hoàn toàn nguy cơ này xuống con số 0, chỉ còn cách này.” Còn về biện pháp cách ly người bệnh, thì lựa chọn hàng đầu là thiết lập trại cách ly, trưng dụng khách sạn cũng không phải là nơi cách ly lý tưởng. Bởi vì khách sạn thường sử dụng hệ thống máy lạnh tổng, cửa sổ cũng không thể mở.

Minh Tú

Xem thêm: