Trong một bài viết đăng trên tạp chí Forbes mới đây, giáo sư kinh tế Panos Mourdoukoutas tại Phân hiệu Post của Đại học Long Island ở New York đã chỉ ra rằng, khi giới tinh anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định tham gia cuộc chiến thương mại với Mỹ là đã phạm một sai lầm nghiêm trọng: tự cho rằng Trung Quốc đã có “sức mạnh tương đương” với Mỹ.

Embed from Getty Images

Ngày 7/9 vừa qua, giáo sư kinh tế Panos Mourdoukoutas có công bố một bài báo trên Tạp chí Forbes, trong đó chỉ ra, một bài báo ra số tháng 9 Tạp chí Lịch sử đương đại của Mỹ đã phân tích rằng, sự “phụ thuộc lẫn nhau” ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã mang lại cho chính quyền Bắc Kinh “ấn tượng sai lầm”, tưởng rằng sức mạnh của Trung Quốc đã đạt đến mức tương đương với Mỹ. Điều này khiến giới quan chức ĐCSTQ tự tin bành trướng, cho rằng họ có thể đạt được thỏa thuận “cùng thắng” với Washington.

Bài viết đăng trên Tạp chí Lịch sử đương đại là của trợ lý giáo sư Dương Hướng Phong thuộc Học viện Quốc tế Đông Á của Đại học Yonsei Hàn Quốc. Ông phân tích rằng, “Theo những phân tích điển hình về giới chức ĐCSTQ, mối quan hệ kiểu mỏ neo giữa Trung Quốc và Mỹ là mối liên kết kinh tế mạnh mẽ giữa hai bên, được phản ánh trong thương mại và đầu tư hai chiều hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Điều này hình thành liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia khác biệt về văn hóa và hệ thống chính trị, khiến cho ‘cặp vợ chồng’ suốt ngày tranh cãi mà không thể ly hôn. Đây là một phép ẩn dụ mà nhiều quan chức ĐCSTQ thường sử dụng.”

Nhưng giáo sư Panos Mourdoukoutas nhận định, đây là một lầm lẫn nghiêm trọng của Bắc Kinh. Muốn dựa vào xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu công nghệ để thúc đẩy mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế đã phát triển bậc cao, nhưng thực tế cho thấy muốn hai bên có thể đạt được sức mạnh ngang nhau thì vẫn còn một chặng đường rất dài. “Nếu giữa hai nước ‘ly hôn’ sẽ gây một số tác động nhất định đối với Mỹ, nhưng đối với Bắc Kinh đó sẽ là một thảm họa,” ông nhận định.

Trong bài viết, tác giả Dương Hướng Phong chỉ ra, thực trạng “phụ thuộc lẫn nhau” về kinh tế đã khiến nhiều quan chức ĐCSTQ có ấn tượng sai lầm rằng Trung Quốc đã thực sự đạt được “sức mạnh ngang bằng” với Mỹ, điều này khiến họ ngày càng kiêu ngạo và đơn phương làm hỏng mối quan hệ “hai bên cùng có lợi”, tương đương với phá vỡ sự hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế; khiến chính quyền Bắc Kinh quá tin tưởng rằng Washington sẽ không dám hành động thái quá. Vì thế tác giả khẳng định: “Có thể đa số quan chức và chuyên gia phân tích của ĐCSTQ chưa thể ngờ được sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại như hiện nay, nói gì đến việc chuẩn bị cho cuộc chiến này.”

Ông Dương Hướng Phong bi quan về mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trong tương lai: “Tranh chấp này không chỉ thúc đẩy tình trạng chia tách kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn đẩy toàn bộ mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.” Ông bổ sung thêm rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận thương mại thì “đây vẫn sẽ là một cuộc chiến kinh tế kéo dài, bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ là hòa hoãn tạm thời”.

Chia sẻ quan điểm của Dương Hướng Phong, giáo sư Panos Mourdoukoutas cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ phát triển thành cuộc chiến khoa học công nghệ và chiến tranh tiền tệ. Điều này có nghĩa là trừ khi chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng thừa nhận rằng sức mạnh của họ hiện nay chưa thể tương xứng với Mỹ, nếu không xung đột sẽ còn kéo dài.

Huệ Anh

Xem thêm: