Năm 2017 là năm Trung Quốc bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo mới, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình có cơ hội thông qua bố cục nhân sự để cài cắm thân tín vào những vị trí trọng yếu kể từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

Giới truyền thông bên ngoài Trung Quốc đại lục có nhận định, trọng tâm biến động chính trị của Trung Quốc năm 2017 là sẽ thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo tối cao, về đại thể bộ khung cơ bản đã được định hình.

Ngày 7/1 vừa qua, đài VOA (Mỹ) đưa tin, năm 2017, lần đầu tiên sau 5 năm ĐCSTQ sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu tại Bắc Kinh, hội nghị lần này sẽ có biến động chính trị quan trọng liên quan đến thay đổi bộ máy nhân sự tối cao, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình có cơ hội thông qua bố cục nhân sự để đưa thân tín vào những vị trí quan trọng.

Nếu theo quy định bất thành văn “7 lên 8 xuống” của ĐCSTQ (nghĩa là những Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào đến 68 tuổi phải nghỉ hưu) thì chỉ còn lại 2 người trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, vì ngoài ông Tập Cận Bình (64 tuổi) và Lý Khắc Cường (62 tuổi), những người khác đều đã 68 tuổi.

Ngày 1/11/2015, Nhật báo Tinh Đảo đã từng dẫn ý kiến của ông Đặng Mậu Sinh (Deng Maosheng), Phó ban Điều tra nghiên cứu Văn phòng Trung ương và thành viên Ban Khởi thảo Văn kiện Hội nghị toàn thể Trung ương 6 ĐCSTQ khóa 18, theo đó quan chức này cho biết, cái gọi là quy tắc “7 lên 8 xuống” trong ban lãnh đạo trung ương tối cao chỉ là tin đồn trong dân gian chứ không thể đảm bảo chắc chắn, thực tế không có chuyện giới hạn độ tuổi nghiêm ngặt mà luôn phải xử lý linh hoạt.

Đài VOA dẫn phân tích của ông Scott Kennedy, Phó Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington cho rằng, nếu quy định bất thành văn này bị phá bỏ thì thân tín quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình là ông Vương Kỳ Sơn sẽ được giữ lại.

Ông Scott Kennedy cho biết, vì sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đến nay đã có nhiều cách làm hoàn toàn khác với những lãnh đạo tiền nhiệm, tiêu biểu như “chống tham nhũng” và đích thân giám sát chỉ đạo các công việc. Vì thế việc biến động nhân sự Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong nhiệm kỳ mới năm nay không có hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ tuân thủ thông lệ như trước đây.

Ông Scott Kennedy nói: “Số Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị có thể tăng lên đến 9 người, nhưng cũng có thể giảm còn 5 người, hoặc bị xóa bỏ hoàn toàn. Chúng ta không thể biết chắc chắn được”.

Còn chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Timothy Heath của công ty tư vấn chiến lược Rand lại có nhận định khác về vấn đề nhân sự nhiệm kỳ mới sắp tới, chuyên gia này cho rằng ông Tập Cận Bình không thể đi quá xa so với thông lệ. Nếu theo thông lệ trong Đảng, ông Tập Cận Bình sẽ có cơ hội đề bạt đồng minh chính trị còn trẻ tuổi ủng hộ những chủ trương chính sách của ông ấy.

Trong thời gian cầm quyền 4 năm qua, cho dù ông Tập Cận Bình đã xử lý cả triệu Đảng viên thông qua phong trào “chống tham nhũng”, tuy nhiên hai chuyên gia Scott Kennedy và Timothy Heath cho rằng ông Tập Cận Bình vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “chống tham nhũng”.

Theo ông Scott Kennedy, tâm điểm “chống tham nhũng” sắp tới của ông Tập Cận Bình ngoài nhấn mạnh xử lý kỷ luật nội bộ Đảng còn có sự phân công nhiệm vụ giữa Cơ quan Giám sát Quốc gia và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Đồng quan điểm, ông Timothy Heath cho rằng, ông Tập Cận Bình vẫn sẽ lợi dụng “chống tham nhũng” để loại bỏ những thành phần gây trở ngại.

Về vấn đề người kế nhiệm, hai chuyên gia này nhận định, không loại trừ khả năng ông Tập Cận Bình sẽ cho công bố người kế nhiệm khác. Ông Timothy Heath cho biết, cho dù ông Tập Cận Bình chậm trễ trong việc tuyên bố người kế nhiệm nhưng không có nghĩa ông ấy muốn phá bỏ giới hạn nắm quyền lực hai nhiệm kỳ.

Còn ông Scott Kennedy thì có ý kiến khác: “Vì những thách thức về kinh tế mà Trung Quốc phải đối diện, ngoài ra còn tình hình quốc tế diễn biến quá phức tạp…, chúng ta không thể chắc chắn được bất cứ chuyện gì”.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: