Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ, nhưng sự phản đối của người Hồng Kông liên tiếp trong nhiều ngày qua vẫn không hề dừng lại. Mới đây, Chủ tịch đảng Công dân Hồng Kông Lương Gia Kiệt tiếp tục kêu gọi người biểu tình chớ rơi vào bẫy của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Lương Gia Kiệt, Alan Leong Kah-kit
Chủ tịch Đảng Công dân Hồng Kông Lương Gia Kiệt (Alan Leong Kah-kit) nghi ngờ việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật dẫn độ là có ‘có ý đồ xấu’. (Ảnh cắt từ video)

Phong trào phản đối dự luật dẫn độ đến nay đã kéo dài 3 tháng liên tiếp, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ, nhưng nhiều người cho rằng hành động này của bà Lâm là “quá muộn và quá ít”. Trong 3 tháng qua, đã có hơn 1000 người bị bắt, hơn 100 người bị truy tố, trong đó có ít nhất 70 người bị cáo buộc tội bạo loạn, gồm nhiều người ở các ngành nghề khác nhau như công nhân, nhân viên văn phòng, giáo viên, phi công, nhân viên bán hàng, học sinh 16 tuổi, cũng có cả những nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tình nguyện trợ giúp nạn nhân tại hiện trường. Tội danh bạo loạn có thể sẽ phải đối mặt với mức phạt cao nhất là 10 năm tù. 

Chủ tịch Đảng Công dân Lương Gia Kiệt (Alan Leong Kah-kit) cho rằng, việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đột nhiên tuyên bố rút lại dự luật tà ác này là có 3 nguyên nhân. 

Thứ nhất, trước đó Reuters có được băng ghi âm cuộc nói chuyện kín giữa bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các doanh nhân, trong đó bà Lâm tiết lộ nếu có lựa chọn, bà đã sớm từ chức. Động thái này là đẩy ĐCSTQ lên phía trước, đối với ĐCSTQ mà nói là “đại nghịch bất đạo”: “Có thể là do ĐCSTQ gây áp lực cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, muốn bà ấy làm một số việc, biểu đạt thái độ với thế giới là Hồng Kông vẫn còn 2 chế độ, bà vẫn có quyền tự chủ.” Do đó bà Lâm mới lựa chọn việc dễ làm nhất, đó chính là rút lại dự luật. 

Một nguyên nhân nữa đó là, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga muốn phân hoá người biểu tình “hoà bình, lý tính, phi bạo lực” và người ủng hộ “hoà bình, lý tính, phi bạo lực”, bởi vì trong đó có thể có một số người cho rằng có thể chấp nhận việc rút lại dự luật, do đó cũng sẽ giảm bớt được số người đứng ra đấu tranh. 

Nguyên nhân thứ 3, có thể là vì để lấy cớ dùng đến “Luật tình trạng khẩn cấp”, để trải đường cho điều động quân đội ĐCSTQ trú tại Hồng Kông. Ông nói: “Tôi nghĩ bà ấy rất muốn vẽ ra một bức tranh, chính là cuối tuần toàn bộ con đường đều là bom xăng, lại có rất nhiều hành vi bạo lực”, “Chúng ta đang hiểu ra rằng họ ‘đặt bẫy’ như thế nào, và chúng ta càng cần phải cẩn thận để không rơi vào trong cái bẫy đó.”

Tuy nhiên, ông Lương Gia Kiệt tin rằng tính toán của bà Lâm chưa hẳn sẽ thành công. Bởi vì lẽ ra nên rút lại dự luật từ ngày 9/6, nhưng kéo dài đến hiện nay mới rút lại thì đã vô tác dụng, bởi trong khoảng thời gian phản đối dự luật này, nhiều người biểu tình bị đánh đến trọng thương, những gì mà người Hồng Kông trải qua không khác gì bị tấn công khủng bố, nhất là sự kiện cảnh sát đánh người ở ga Prince Edward hôm 31/8. Nhìn thấy lực lượng cảnh sát coi thường kỷ cương pháp luật, khiến người ta liên tưởng đến sự sụp đổ của chế độ bởi vì đã không thể bảo vệ người dân.

Ông nhấn mạnh, người Hồng Kông sẽ không vì rút lại dự luật mà quên đi những đau thương mất mát mà họ đã trải qua. Cộng thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế, hình thế hiện nay cũng không có lợi đối với chính phủ Hồng Kông, trong đó có việc Quốc hội Mỹ sẽ xem xét lại “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”; bên cạnh đó, tuyên bố bế mạc của Hội nghị thượng định G7, cũng nhấn mạnh sự tồn tại và tầm quan trọng của “Tuyên bố chung Trung – Anh”, cũng như ủng hộ Hồng Kông duy trì tự trị. 

Ông Lương Gia Kiệt chỉ ra, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga uỷ nhiệm “hai người nhà” bao gồm người từng đứng đầu cơ quan Giáo dục Hồng Kông Dư Lê Thanh Bình và luật sư kỳ cựu Lâm Định Quốc tham gia vào vào Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập, rồi lại nói rằng muốn đối thoại với người dân, nhưng không hề nghĩ đến rằng việc này liệu có dẫn đến cục diện hỗn loạn hay không, rồi tiếp đó lại muốn mời lãnh tụ các đảng phái, chuyên gia, học giả, đề xuất kiến nghị với chính phủ Hồng Kông.

Ông nói thẳng rằng, phát biểu dài khoảng 8 phút của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga về việc rút lại dự luật dẫn độ không phải là đang dập lửa cứu hoả. “Những thủ đoạn mà ĐCSTQ và Lâm Trịnh Nguyệt Nga sử dụng hiện nay, chính là đang cố gắng khiến cho phong trào chính trị yêu Hồng Kông, bảo vệ tự do nhân quyền ‘hoà bình, lý tính, phi bạo lực’ tại Hồng Kông giảm bớt lại.”

Ông hy vọng người Hồng Kông không nên rơi vào bẫy của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Bắc Kinh, cần suy nghĩ làm thế nào đoàn kết những người ‘hoà bình, lý tính, phi bạo lực’ và những người anh dũng, để cho người Hồng Kông đoàn kết và tiếp tục phong trào chính trị bảo vệ tự do nhân quyền mà trước nay chưa từng có.

Trí Đạt

Xem thêm: