Theo thông tin được chia sẻ trên mạng, cô Lý Khang Mộng (Li Kangmeng), nữ sinh Học viện Truyền thông Nam Kinh, người được mệnh danh là người đầu tiên trong “Phong trào Giấy trắng”, đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào ngày 30/11 vì cầm một tờ giấy trắng để phản đối chính sách phong tỏa. Hiện cô đã mất liên lạc.

phong trao giay trang 2
Lý Khang Mộng (Li Kangmeng), nữ sinh Học viện Truyền thông Nam Kinh, người được mệnh danh là người đầu tiên trong “phong trào biểu tình giấy trắng”, đã bị cảnh sát bắt giữ, hiện đang mất liên lạc. (Ảnh cắt từ video)

Vào ngày 2/12, một cư dân mạng trên “Tuimin Kuaibao” đã đăng một video có nội dung: “Sinh viên Học viện Truyền thông Nam Kinh, Lý Khang Mộng, người đầu tiên của phong trào biểu tình giấy trắng quy mô lớn nhất ở Trung Quốc sau vụ thảm sát ngày 4/6/1989, đã bị ĐCSTQ bắt giữ vào lúc 2:00 chiều ngày 30/11.”

Đoạn video cho thấy cô Lý Khang Mộng đang cầm một tờ giấy trắng bằng cả hai tay, khi có người lấy tờ giấy trắng trên tay cô, cô vẫn bất động và giữ nguyên tư thế cầm tờ giấy trắng, để bày tỏ sự phản đối trong im lặng. Một số cư dân mạng để lại bình luận bên dưới video:

“Trường này sẽ tự hào về cô ấy trong tương lai.”

“Cô ấy là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm của đất nước Trung Quốc.”

Vào ngày 1/12, “Gancheng Wang”, tự nhận là người quan sát các vấn đề thời sự, đã tweet: “Cô là người đầu tiên của cuộc cách mạng sách trắng. Cô ấy là một Trương Chí Tân khác (Zhang Zhixin, một nhà bất đồng chính kiến ​​trong Cách mạng Văn hóa) … cô ấy cũng dũng cảm như họ, nhưng quyết không thể để cô ấy hy sinh như họ! Mời anh em Nam Kinh tập trung tại Cục Công an thành phố Nam Kinh để đòi người! Yêu cầu họ (công an) thả Lý Khang Mộng ngay lập tức!”

Cô gái đầu tiên cầm tờ giấy trắng của Đại học Truyền thông Nam Kinh có sức mạnh “chấn động”

Trong nhóm “Posts” có một bài viết ký tên “Sức mạnh phụ nữ”, nói rằng việc các chị em trường Đại học Truyền thông Nam Kinh cầm tờ giấy trắng là quá sâu sắc và có sức mạnh! Đây là khoảnh khắc phải được ghi vào sử sách!

Theo như bài viết: “Sau khi sắp xếp lại dòng thời gian thì thấy lúc đầu cô gái áo đen đang đứng cầm tờ giấy, sau đó tờ giấy trên tay cô ấy không còn nữa, và cô ấy (giữ nguyên tư thế cầm giấy) giơ tay không. Sau đó có một người khác tham gia và đứng cùng cô ấy, về sau ngày càng có nhiều người tham gia. Một số người bắt đầu hô khẩu hiệu, đối thoại với giáo viên, hiệu trưởng, v.v. Điều khiến tôi chấn động nhất là cô ấy im lặng và rất kiên định, mặc dù không vỗ tay hoặc giải thích hành vi của mình, nhưng không nghi ngờ gì nữa, việc cô ấy kiên định đứng như thế đã và truyền cảm hứng cho mọi người. “

“Ban đầu, nhiều người chỉ nhìn cô với ánh mắt thờ ơ, tò mò hoặc buồn cười, nhưng vì cô ấy rất kiên định nên dù không nói lời nào, nhưng tất cả mọi người đều bị cô làm cảm động! Dù cô chỉ đứng một mình, hay sau đó là nhiều người đứng cùng cô, cô cũng không hề thay đổi, cô vẫn kiên định đứng đó, cho dù không có ngôn ngữ nào nhưng lại thắng được cả ngàn vạn lời nói, nên tôi chỉ có thể dùng từ ‘chấn động’ để miêu tả!”

Bài viết chỉ ra rằng: “Sau đó, cô gái đã bị giáo viên và hiệu trưởng đe dọa, mặc dù cuối cùng cô ấy đã rời đi nhưng thực sự rất chấn động, cô ấy chỉ đứng yên nhưng thể hiện sức mạnh kiên định. Mặc dù mọi người đều rất dũng cảm, nhưng tôi hy vọng mọi người có thể nhớ rằng người đầu tiên và người dũng cảm, kiên định và sâu sắc chính là cô gái này.”

Cảnh sát bắt giữ nhiều người những ngày gần đây

Theo trang “Quan sát Dân sinh” (Civil Rights and Livelihood Watch) đưa tin, vào ngày 26/11 tại đường Urumqi ở thành phố Thượng Hải, nhiều người đã tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn chung cư ở Tân Cương (hôm 24/11). Nhiều người hô lớn các khẩu hiệu như “Đảng Cộng sản hạ đài”, phong trào biểu tình sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi trên khắp Trung Quốc. Học viện Truyền thông Nam Kinh, trường đầu tiên hưởng ứng trong số các trường giáo dục bậc cao ở Trung Quốc, đã có sinh viên cầm tờ giấy trắng để phản đối, sau đó hơn 50 trường cao đẳng và đại học đã tham gia vào “Phong trào Giấy trắng”. Nhiều người bị đánh đập và bắt giữ tại hiện trường biểu tình.

Ngày 30/11, nữ sinh viên Lý Khang Mộng của Học viện Truyền thông Nam Kinh, người giơ giấy trắng để kháng nghị, đã bị bắt, hiện đang mất liên lạc. 

Tối 29/11, một sinh viên Đại học Nông lâm Phúc Kiến cầm tờ giấy trắng trên tay bị lãnh đạo và bảo vệ nhà trường đưa đi. 

Sau khi 4 sinh viên tham gia các hoạt động tưởng niệm ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang bị bắt đi, 1 sinh viên đã trở về và tình hình của 3 người còn lại vẫn chưa rõ.

Tần Siêu (Qin Chao), quê ở Lục An (Lu’an), tỉnh An Huy, bị cảnh sát bắt đi trên đường Urumqi, thành phố Thượng Hải, vào tối ngày 27/11 (mất liên lạc vào khoảng 10:00 cùng ngày), tính đến nay đã hơn 48 giờ.

Cảnh Tuyết Cầm (Jing Xueqin) đến từ Vũ Hán đã biến mất vì tham gia một biểu tình. Cô đã bị cảnh sát không rõ danh tính bắt đi vào lúc 11:30 tối ngày 28/11, hiện vẫn chưa có thông tin gì.

Trần Giai Lâm (Chen Jialin), một cô gái đến từ Thượng Hải, đã tham gia các hoạt động tưởng niệm trên đường Urumqi, và bị cảnh sát bắt giữ khi đang được giới truyền thông phỏng vấn.

Kim Gia Vĩ (Jin Jiawei), bị bắt vào tối ngày 27/11 trên đường Urumqi ở Thượng Hải. Hiện đã mất liên lạc hơn 24 giờ kể từ khi bị bắt, không có ảnh tại hiện trường.

Cư dân mạng có tài khoản WeChat “Linrimbaud”, khoảng giữa đêm khuya ngày 28 đến rạng sáng ngày 29/11, khi đang nói chuyện điện thoại với phóng viên trong nhà tại Thượng Hải thì bị cảnh sát ở ngoài cửa làm gián đoạn, yêu cầu kiểm tra điện thoại, sau đó người này bị mất liên lạc.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hiện đài này không thể xác nhận tính chính xác của các thông tin nói trên. Nhân viên của cơ quan tuyên truyền thành ủy Thượng Hải đã từ chối các câu hỏi của VOA qua điện thoại.

(Nội dung tweet: “Ngày 27/11, trên đường Urumqi ở Thượng Hải, sau khi người dân hô khẩu hiệu thì cảnh sát bắt đầu bắt người.”)

(Nội dung tweet: “Cảnh sát thường phục trà trộn vào trong hàng ngũ người biểu tình để bắt người.”)

(Nội dung tweet: “Video hiện trường đều là bằng chứng, lần lượt từng người một bị trừng trị giam giữ [vì tham gia biểu tình].”)

(Nội dung tweet: “Video hiện trường đều là bằng chứng, lần lượt từng người một bị trừng trị giam giữ [vì tham gia biểu tình].”)

(Nội dung tweet: “Một người phụ nữ kể về việc cảnh sát nửa đêm đến nhà bắt người.”)

Có thông tin chỉ ra, chính sách phong tỏa kiểm soát “zero COVID” dai dẳng của ĐCSTQ, bất chấp sinh kế của người dân, dẫn đến sự bùng nổ của “Phong trào Giấy trắng”. Phong trào này là một trong những thách thức lớn nhất mà ĐCSTQ đối mặt kể từ sau sự kiện Thảm sát Thiên An Môn (sự kiện Lục Tứ) ngày 4/6/1989.

Trí Đạt (t/h)