Vấn đề lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình có thực hiện “nhiệm kỳ suốt đời” hay không, từng là chủ đề nóng trước Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hiện nay vấn đề lại được khơi lại với một số thông tin mới.

Ông Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát và tái cơ cấu Quân đội
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: kremlin.ru)

Thông tin từ một số cơ quan truyền thông Trung Quốc ngoài kiểm soát của ĐCSTQ chỉ ra, sau khi ông Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiếp tục tranh cử tổng thống, Trung Nam Hải đã cử phái đoàn đến Nga để quan sát toàn bộ quá trình bầu cử tổng thống, qua đó cho rằng sự kiện có thể liên quan đến kế hoạch tái nhiệm của ông Tập Cận Bình.

Ngày 12/12, Đài Phát thanh Hy Vọng (SOH) dẫn ý kiến của “người trong cuộc tại Trung Nam Hải” cho biết, thông tin ông Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tham gia tranh cử tổng thống vào năm tới khiến ông Tập Cận Bình quan tâm, Trung Nam Hải đã cử quan sát viên đến Nga, bắt đầu từ bây giờ sẽ theo dõi mọi động thái của Putin cho tới khi cuộc bầu cử kết thúc vào năm tới.

Thông tin nhận định ông Putin luôn là đối tượng mà ông Tập Cận Bình ưa thích học theo. Mặc dù tại Đại hội 19 ông Tập Cận Bình đã phá vỡ “quy tắc ngầm người kế nhiệm cách khóa”, mục đích để mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba, nhưng làm thế nào để có thể tái cử thành công thì dường như ông Tập Cận Bình chưa tìm được giải pháp thích hợp.

Hiện chưa có nguồn tin chính thức nào của ĐCSTQ xác nhận vấn đề này.

Thuyết “nhiệm kỳ trọn đời” của ông Tập Cận Bình trở thành đề tài nóng gần năm nay, nhưng hiện có rất ít bằng chứng thuyết phục. Đa số suy đoán dựa trên chuyện ông Tập Cận Bình không làm theo thông lệ trong Đảng chọn người kế vị vào đầu nhiệm kỳ thứ hai.

Theo quy định không chính thức được xác lập từ thời ông Đặng Tiểu Bình thì chức tổng bí thư ĐCSTQ có thời hạn không quá 10 năm. Ứng viên kế nhiệm thường rõ ràng vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của lãnh đạo đương nhiệm. Nhưng trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài được xem là người kế nhiệm thế hệ thứ sáu của ĐCSTQ “ngã ngựa”, trong khi tại Đại hội 19 hai ứng cử viên kế nhiệm là Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ cũng không được vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhiều nhà quan sát tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình đang âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch làm lãnh đạo trọn đời.

Ngoài ra, ngày 21/10 Minh Báo (Hồng Kông) chỉ ra một thông báo nội bộ trong ĐCSTQ yêu cầu giới truyền thông nhà nước khi đề cập đến Tập Cận Bình, “tất cả thống nhất cách gọi Tập Cận Bình hoặc đồng chí Tập Cận Bình, không gọi là Tổng Bí thư Tập Cận Bình”, theo đó nhận định đây cũng là dấu hiệu có thể ông Tập Cận Bình muốn khôi phục lại chế độ Chủ tịch Đảng từ thời ông Mao Trạch Đông mà sau này bị ông Đặng Tiểu Bình phá bỏ. Tuy nhiên tại Đại hội 19 vấn đề này không có tín hiệu rõ ràng nào.

Hồi tháng Mười Một, trang “Bình luận xã hội Trung Quốc” (Trung bình xã) cho biết, ông Tạ Xuân Đào (Xie Chuntao) Chủ nhiệm Ban Giáo vụ Trường Đảng Trung ương Trung Quốc công khai tuyên bố, “Vấn đề nhậm chức trọn đời, bao gồm vấn đề Chủ tịch Đảng… Tôi e rằng là vấn đề tưởng tượng, tôi không biết những vấn đề này có hợp lý không.

Thông tin mới nhất có liên hệ đến vấn đề ông Tập Cận Bình tái nhiệm là bài viết dài đặc biệt miêu tả về ông Tập Cận Bình đăng trên Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 16/11. Bài viết liệt kê cho ông Tập Cận Bình tám danh hiệu, trong đó ngoài “người cầm lái”, “kiến trúc sư trưởng”, đặc biệt đề cập nhà lãnh đạo Trung Quốc này đưa ra “hai bước đi”, trong đó bước thứ nhất là về cơ bản hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035, sau đó còn nhận định “Tập Cận Bình sẽ dẫn Trung Quốc hoàn thành nền tảng hiện đại hóa trước thời hạn”.

Minh Báo cho rằng câu nhận định “Tập Cận Bình sẽ dẫn Trung Quốc hoàn thành nền tảng hiện đại hóa trước thời hạn” cho thấy khả năng cao ông Tập Cận Bình đang ấp ủ kéo dài nhiệm kỳ.

Tuyết Mai

Xem thêm: