Trong bối cảnh chiến dịch biểu tình của người Hồng Kông chống dự luật dẫn độ đang nóng lên và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ không ngừng căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Dương Khiết Trì đã gặp nhau tại New York gợi nhiều suy đoán liên quan đến tình hình Hồng Kông.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (Ảnh: Getty Images)

Hôm 13/8 trang tin của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố ngắn gọn cho biết Ngoại trưởng Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương ĐCSTQ Dương Khiết Trì đã gặp nhau trao đổi quan điểm về quan hệ Mỹ – Trung.

Sau đó, ngày 14/8, Đài VOA Mỹ đưa tin, vào ngày 13/8 ông Dương Khiết Trì bất ngờ xuất hiện tại New York để hội đàm với ông Pompeo. Sau hội đàm, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tin tức nhưng không tiết lộ nội dung và chi tiết liên quan của hội đàm.

Trong bản tin của Tân Hoa xã Trung Quốc cũng chỉ cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ Trung – Mỹ.

Đài VOA Mỹ dẫn bình luận bên ngoài cho biết, cùng với mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng do các xung đột gia tăng gần đây, nội dung đàm phán giữa Ngoại trưởng Pompeo và ông Dương Khiết Trì bao gồm cả chiến dịch biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông. Cùng ngày diễn ra hội đàm, phía Mỹ có thông tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã từ chối cho hai tàu hải quân Mỹ đến thăm Hồng Kông vào tháng 9 tới.

Về chuyến thăm bất ngờ của ông Dương Khiết Trì tới Mỹ, nhà bình luận chính trị Vương Hạo định cư tại Đài Loan chỉ ra tình hình hiện nay rất giống cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Cả chia sẻ trên Twitter của Tổng thống Trump cùng cuộc gặp của Pompeo và Dương Khiết Trì đều nhằm cảnh báo ĐCSTQ không được cho quân đội đàn áp phong trào biểu tình ở Hồng Kông. Nếu ĐCSTQ nổ súng và đàn áp, cả thế giới sẽ trừng phạt ĐCSTQ. Đồng thời, “Liên minh tình báo Five Eyes” (Úc, Canada, New Zealand, Anh Quốc và Mỹ) cùng Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố kêu gọi ĐCSTQ không đưa quân đội đàn áp người biểu tình Hồng Kông.

Ông Vương Hạo còn cho biết, Hồng Kông có 6,9 triệu người mang dòng máu người Hoa, trong đó hơn 4 triệu người có hai quốc tịch, khoảng 3,5 triệu người có quốc tịch Anh, khoảng 300.000 người có quốc tịch Canada. Các quốc tịch phổ biến khác bao gồm Mỹ, Singapore, New Zealand và Úc, cũng như Đài Loan. Do đó hành vi đàn áp quân sự là rất nguy hiểm, vì rất nhiều khả năng một người Hồng Kông có hai quốc tịch bị bắn chết hoặc bị thương, dẫn đến sự cố ngoại giao quốc tế nghiêm trọng. Do đó, khi quân đội ĐCSTQ cho quân đội vào đàn áp thì các nước có công dân của mình cũng có thể đưa quân đến Hồng Kông để giúp người dân mình.

Để đối phó với tình hình mới nhất của chiến dịch biểu tình tại Hồng Kông, vào cuối tuần trước (12/8) Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao của ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp báo tạm thời, khi đó người phát ngôn Dương Quang đã tuyên bố cứng rắn rằng người biểu tình Hồng Kông hiện đang bắt đầu có dấu hiệu khủng bố.

Trước buổi họp báo của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao, giới truyền thông của ĐCSTQ đã tiết lộ video cho thấy cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ diễn tập tại Thâm Quyến. Động thái này được nhiều nhà quan sát dự đoán rằng chính quyền Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị cho quân đội vào Hồng Kông để đàn áp.

Hôm 13/8, Tổng thống Mỹ Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng Chính phủ Mỹ có được thông tin tình báo cho biết quân đội Trung Quốc đang di chuyển đến biên giới Hồng Kông.

Lãnh đạo đảng chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ McConnell và Chủ tịch Hạ viện Pelosi (đảng Dân chủ) đều đã cảnh báo ĐCSTQ không nên được dùng vũ lực đàn áp người Hồng Kông biểu tình.

Trong một chia sẻ trên Twitter, ông McConnell cảnh báo mọi thủ đoạn đàn áp vũ lực của ĐCSTQ với người biểu tình Hồng Kông đều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông cho biết hiện nay cả thế giới đang dõi theo phát triển của chiến dịch biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của Hồng Kông.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi cũng chia sẻ trên Twitter lên án cảnh sát Hồng Kông đàn áp bạo lực những người ủng hộ phản đối dự luật dẫn độ.

Tuyết Mai

Xem thêm: