Đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không dừng lại ở biển Đông, ở mặt trận sở hữu trí tuệ hay thương mại, mà cuộc chiến tình báo giữa hai cường quốc này cũng hết sức căng thẳng.

beijing 1138743 640
(Ảnh: Pixabay)

Mới đây, tờ Politico đưa tin, hồi tháng 1/2016, một viên chức Lãnh sự quán Hoa Kỳ đã bị nhân viên an ninh mặc thường phục của Trung Quốc bắt cóc và tống vào một chiếc xe tải trên đường phố Thành Đô. An ninh Trung Quốc tin rằng viên chức này là điệp viên của CIA. Sau một đêm bị thẩm vấn, anh ta đã thú nhận toàn bộ sự thật. Ngày hôm sau, Washington đã cử người đến giải cứu nhân viên này và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trục xuất anh ta về nước.

Vụ việc này dù được cả giới chức Trung Quốc và Mỹ xác nhận, nhưng họ lại giữ im lặng trước truyền thông. Theo phân tích, Mỹ muốn tránh một sự cố gây chấn động quốc tế diễn ra trong những ngày đầu của chiến dịch tranh cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, phía sau hậu trường, các quan chức Mỹ cũng thể hiện thái độ kịch liệt phản đối vụ bắt cóc và tuyên bố sẽ đuổi hết điệp viên Trung Quốc ra khỏi đất Mỹ. Nhiều chuyên gia khẳng định, cuộc chiến tình báo giữa Trung Quốc và Mỹ không kém phần căng thẳng so với cuộc chiến tình báo Mỹ-Nga, chỉ có điều là diễn ra bí mật hơn.

Một số quan chức Hoa Kỳ và các chuyên gia Trung Quốc nhận định, nếu như các điệp viên Nga hoạt động một cách trắng trợn, thì điệp viên của ĐCSTQ lại có vẻ thầm lặng hơn. Nga chủ yếu tập trung vào cuộc bầu cử chính trị của Mỹ trong khi đó ĐCSTQ lại hướng tới việc đánh cắp bí mật thương mại. Mỹ luôn dồn hết nguồn lực để đối phó với các cuộc tấn công an ninh mạng đến từ Nga, nhưng với Bắc Kinh thì hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Lý do cho điều này dường như là bởi các tập đoàn Mỹ không quan tâm tới nền kinh tế của Nga, nhưng lại rất mong muốn đặt chân vào thị trường hơn 1 tỷ người tiêu dùng đầy tiềm năng của Trung Quốc.

Politico đã phỏng vấn 6 hoặc 7 viên chức đương nhiệm và cựu viên chức an ninh quốc gia về vấn đề chiến tranh tình báo giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và có vẻ như Trung Quốc đang thắng thế so với Mỹ.

Khoảng 10 năm trước, cơ quan an ninh mật của Trung Quốc bắt đầu theo dõi các công dân Mỹ có biểu hiện khác thường và có liên hệ với Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Hồi đầu năm, tờ New York Times tiết lộ hơn 10 điệp viên làm việc cho Washington bị thiệt mạng hoặc bị tống giam ở Trung Quốc từ năm 2010-2012.

Không những thế, hoạt động gián điệp của Trung Quốc so với Mỹ dường như thuận lợi hơn rất nhiều, gây ra không ít vụ bê bối cho Washington. Tiêu biểu là vụ việc cựu quan chức CIA Kevin Mallory và cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Candace Marie Claiborne cũng bị buộc tội cung cấp bí mật quốc gia cho Trung Quốc. Kevin Mallory bị cáo buộc đã gửi ba tài liệu bí mật của chính phủ Hoa Kỳ cho các viên chức tình báo Trung Quốc với giá 25.000 USD tiền mặt.

Một trường hợp khác là Marie Claiborne, cựu nhân viên 60 tuổi của Bộ Ngoại giao từng làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã nhận hàng chục ngàn đô la tiền mặt và quà tặng từ các quan chức Trung Quốc để trao cho cho tình báo Bắc Kinh các tài liệu quan trọng của Chính phủ Mỹ.

Năm 2015, Trung Quốc bị cáo buộc tấn công mạng vào Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) của Mỹ, thu được đầy đủ mọi thông tin, từ số an sinh xã hội cho đến từng chi tiết về mối quan hệ cá nhân của hàng triệu nhân viên liên bang và chuyển toàn bộ dữ liệu về các đơn vị tình báo của Bắc Kinh.

Một số quan chức Mỹ nói với Politico rằng khi họ đến Trung Quốc, thường có những đối tượng tình nghi là có liên quan đến ĐCSTQ tìm cách tiếp xúc và lôi kéo họ, thậm chí phòng ở hay đồ dùng cá nhân cũng bị lục soát. Vụ việc đánh cắp thông tin mạng OPM khiến cho giới chức Mỹ lo lắng ĐCSTQ sẽ vươn bàn tay rộng hơn nữa trong việc tuyển người cung cấp thông tin tình báo cho nó.

Trước đó, năm 2014, FBI đã phát hành video có tựa đề Game of Pawns: The Glenn Duffie Shriver Story (Ván cờ thí tốt: Câu chuyện của Glenn Duffie Shriver). Đây là một câu chuyện thật về một thanh niên Mỹ trở thành điệp viên Trung Quốc. Shriver đã được các điệp viên Trung Quốc tuyển mộ khi học tiếng quan thoại ở Thượng Hải sau khi học xong đại học năm 2004. Ban đầu, Shriver chỉ đơn thuần viết một bài nghiên cứu về quan hệ Mỹ – Trung, theo yêu cầu của một phụ nữ Trung Quốc tự nhận là Amanda. Sau đó, anh xin được công việc ở CIA và đến năm 2010 thì bị bắt vì tội “âm mưu cung cấp thông tin quốc phòng cho các tình báo của ĐCSTQ”. Trong hơn 5 năm làm việc cho các điệp viên Trung Quốc, Shriver nhận tổng cộng 70.000 USD. Shriver đã phải chấp hành bản án 4 năm tù giam.

Minh Ngọc

Xem thêm: