Từng có kênh truyền thông tại Trung Quốc Đại lục công bố bài viết về hiện tượng diễn ra phổ biến là nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc thuê côn đồ làm nhiệm vụ bạo lực, ví dụ như cưỡng chế giải tỏa đất đai, ngăn chặn người kêu oan và đe dọa người bất đồng chính kiến… Đây là những công việc nhạy cảm mà nhân viên nhà nước không muốn  trực tiếp làm.

Embed from Getty Images

Hình ảnh ngày 07/5/2010 tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc: Những kẻ không rõ thân phận cầm gậy đi phá hủy nhà người dân bị kết tội “xây dựng trái phép” (Ảnh: Getty Images) 

Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin hôm 31/10/2018, mới đây trang “Phong cách Trung Quốc” (Chinoiresie) chuyên nghiên cứu vấn đề Trung Quốc đã công bố một bài viết chỉ ra, bất kể phong trào ô dù Hồng Kông năm 2014 hay chuyện luật sư mù Trần Quang thành (Chen Guangcheng) ở thôn cổ Đông Sư (Dongshigu) thành phố Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông bị giam lỏng tại nhà năm 2012, đều có các kênh truyền thông đưa tin về việc chính quyền địa phương thuê côn đồ làm thay nhiệm vụ.

Bài viết chỉ ra nhiều cơ quan thực thi pháp luật của chính quyền Trung Quốc tại các địa phương đã thuê côn đồ để thực hiện một số “nhiệm vụ bất hợp pháp hoặc tàn ác”, chẳng hạn như tra tấn ép cung, cưỡng ép giải tỏa đất đai, đe dọa người biểu tình và bất đồng chính kiến, hoặc ngăn chặn người đi kiện, và kiểm soát dân chúng. Vì những công việc này quá đặc biệt, nếu để cán bộ nhà nước trực tiếp làm sẽ làm xấu hình ảnh của cảnh sát và chính quyền, khiến tính hợp pháp của chính quyền trở thành vấn đề, vì thế mà cơ quan chức năng địa phương đã thuê những kẻ du côn làm những “công việc bẩn thỉu” này.

>> Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ Pháp Luân Công?

Bài viết cho rằng có nhiều lý do khiến chính quyền các địa phương áp dụng thủ đoạn bất thường này khi thực thi thực thi pháp luật:

Thứ nhất, để chính quyền thoái thác trách nhiệm sử dụng bạo lực với người dân nên họ chuyển “nhiệm vụ bạo lực” khó coi này cho bên thứ ba thực hiện, đồng thời khiến những kẻ côn đồ này giữ khoảng cách nhất định với chính quyền. Một khi thủ đoạn bạo lực gây ra hậu quả chết người hoặc thương tích trầm trọng, giới quan chức có thể dễ dàng trốn tránh trách nhiệm.

Thứ hai, côn đồ được thuê có thể bị xem là nhân viên hợp đồng, bất cứ lúc nào cũng có thể kết thúc quan hệ lao động, không phải chi ra số tiền phúc lợi lớn như các nhân viên chính thức, điều này đối với chính quyền địa phương thường không dồi dào tài chính là “cách tiết kiệm chi phí” trong hoạt động đàn áp người dân.

Thứ ba, những tên du côn đi làm việc thông qua con đường phi chính thức này có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu mà các quan chức cầm quyền mong muốn, trong khi nếu làm theo cách thông thường thì không thể đạt được.

Bài viết cũng chỉ ra, cách làm “thầu khoán” nhiệm vụ bạo lực bên ngoài của chính quyền địa phương này thường khó kiểm soát, dễ xảy ra nhiều vấn nạn. Ví dụ, khi những kẻ du côn “thực thi pháp luật” thường dùng bạo lực quá độ dẫn đến thương vong.

Cũng vì chính quyền địa phương quá ỷ vào thế lực du côn này để “thực thi pháp luật”, khiến những kẻ này dần hình thành bang phái và hoạt động cờ bạc và mại dâm bất hợp pháp…

Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương trong quá trình cưỡng chế giải tỏa đất hoặc phá hủy nhà ở của dân, để hoàn thành lệnh “bên trên” đúng thời hạn và không muốn xảy ra chuyện người dân tập trung biểu tình phản đối, đã cố gắng dựa vào người “băng đảng trung gian” để giúp giải quyết vấn đề. Những “băng đảng trung gian” sẽ sắp xếp cho nhân viên nhà nước và chủ những ngôi nhà khu vực giải tỏa gặp nhau đàm phán phi chính thức, thông qua “giao dịch ngầm” để giải quyết.

Cuối cùng bài viết cho biết, hiện nay rất khó để ước tính mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, nhưng có một điều chắc chắn là tình trạng này đã nghiêm trọng đến mức buộc chính quyền ông Tập Cận Bình phải phát động một chiến dịch dẹp loạn côn đồ quy mô lớn.

Huệ Anh

Xem thêm: