Bên cạnh việc gia tăng đàn áp tín đồ Kitô giáo Trung Quốc, các quan chức địa phương trên khắp nước này đang tổ chức nhiều sự kiện vào dịp cuối tuần và các ngày lễ tôn giáo trọng đại, đồng thời sử dụng nhiều biện pháp từ cưỡng ép cho tới dụ dỗ bằng tiền, nhằm khiến các tín đồ Kitô giáo không còn để tâm đến việc cầu nguyện tại nhà thờ nữa.

Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin, chính quyền các địa phương hiện đang sử dụng các loại hình giải trí với tên gọi “Ngày Chủ nhật vui vẻ” để cưỡng ép và dụ dỗ các tín đồ Kitô giáo Trung Quốc không tới nhà thờ cầu nguyện.

“Chủ nhật vui vẻ” thay cho “Chúa nhật”

Chủ nhật hay Chúa nhật là một từ mang đậm tính tôn giáo, bởi đây chính là ngày mà các tín đồ Kitô giáo tập trung cầu nguyện tại nhà thờ. Tuy nhiên với khẩu hiệu “chiến thắng tôn giáo trên mặt trận tư tưởng”, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đang cố gắng tạo ra các hoạt động vào ngày cuối tuần nhằm “giúp mọi người không cảm thấy hụt hẫng trong cuộc sống và tìm tới tín ngưỡng”.

Một tài liệu được chính quyền Hà Nam, Trung Quốc ban hành đầu năm nay có tựa đề “Ứng phó với các vấn đề tín ngưỡng nghiêm trọng hiện nay” đã yêu cầu các địa phương phải khẩn cấp ngăn chặn “sự lan truyền của Kitô giáo tại các vùng ngoại ô” thông qua việc “tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng; tập trung xây dựng các sự kiện ‘Chủ nhật vui vẻ’ để thúc đẩy phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật, sức khỏe tại các vùng ngoại ô”, đặc biệt “tổ chức các hoạt động văn hóa vào dịp lễ và ngày Chủ nhật để xóa bỏ ảnh hưởng của tôn giáo”.

tín đồ Kitô giáo Trung Quốc
Trích tài liệu “Ứng phó với các vấn đề tín ngưỡng nghiêm trọng hiện nay”.

Đi xem phim sẽ được thưởng

Nhà thờ Hoa Điền, một nhà thờ nhà nước hợp pháp tại trấn Châu San, Tân Dư, Giang Tây, là nơi cộng đồng Kitô giáo tại địa phương hội họp và cầu nguyện mỗi thứ Ba và Chủ nhật. Tháng 5/2019, các quan chức địa phương đã đi gõ cửa từng nhà và yêu cầu các cư dân phải tới thính đường của trấn để xem phim hoặc học tập các bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào những ngày trên.

Nhằm dụ dỗ người dân tham gia, giới chức địa phương còn cho ra mắt một loại thẻ tích điểm thưởng. Với mỗi tiếng xem phim vào ngày đặc biệt (thứ Ba và Chủ nhật) thì người dân sẽ được 1 điểm, tương đương 1 Nhân dân tệ. Các điểm thưởng này sau đó có thể dùng để trao đổi lấy dầu ăn, xà phòng, nước rửa bát, v.v..

Các phim được trình chiếu là các loại phim “Đỏ”, phim yêu nước ca ngợi ĐCSTQ, phim về cuộc chiến Trung Nhật và về cuộc nội chiến, v.v.. “Đừng đi cầu nguyện. Đi xem phim còn có thể tích điểm nhận đồ miễn phí. Hãy tới xem phim và học hỏi điều hay”, một quan chức địa phương quảng cáo.

Tổ chức hí kịch ngay cạnh nhà thờ

Nhà thờ Nam Giả Trang, thôn Giả Trang, trấn Quan Âm Tự, Tân Trịnh, Hà Nam, là một trong những nhà thờ nhà nước thoát khỏi đợt càn quét và đóng cửa trước đó. Tuy nhiên từ 6 tháng nay, mỗi khi đến buổi cầu nguyện, thì hí kịch lại được tổ chức cách nhà thờ khoảng 300m.

“Khi hí kịch được biểu diễn, thì loa được vặn rất to. Đây không phải là hí kịch. Chính quyền đang cố gắng giành lấy những người tin theo Chúa”, một người dân địa phương nói.

Dan ap Kito giao 02

“Những tín đồ thích xem kịch không thể tập trung trong buổi cầu nguyện. Bài hát trong nhà thờ cũng trở nên rối loạn”, một tín đồ Kitô giáo cho hay.

Cũng theo người dân địa phương, mỗi buổi diễn có giá 1.000 Nhân dân tệ, và trong suốt 6 tháng nay, họ chỉ dừng diễn 3 buổi vì thời tiết quá nóng. “Cứ mỗi Chủ nhật, chính quyền địa phương lại thúc giục đoàn diễn tới càng sớm càng tốt”, một người biểu diễn cho biết.

Tìm mọi cách để lôi kéo tín đồ Kitô giáo

Tại Tân An, Lạc Dương, Hà Nam, nhân viên các thôn đã đi phát viên canxi, phát giấy khuyến mại, thậm chí phát tiền để dụ dỗ mọi người tới các hoạt động giải trí được tổ chức vào “Chủ nhật vui vẻ”. Thậm chí khi thấy số người tham gia quá ít, một số viên chức còn lái xe tới các hộ để chở thêm người tới.

“Chính sách quốc gia quy định rằng từng thôn đều phải tổ chức ‘Chủ nhật vui vẻ’. Nếu chúng tôi không làm, chúng tôi sẽ bị phạt”, một viên chức địa phương nói. Theo đó, chính quyền địa phương yêu cầu tất cả phụ nữ phải tới để tập múa và hát các bài hát dân gian.

Cùng với đó, người dân còn phải múa hát trong tiếng nhạc tuyên truyền của bài “Không có Đảng Cộng sản, không có Trung Quốc mới”. Các viên chức địa phương phải chụp ảnh để gửi cho cấp trên.

Cư dân tại một số nơi khác như Bộc Dương, Hứa Xương,… thuộc Hà Nam đều báo tin về việc chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động tương tự.

“Chúng tôi không thể nghỉ, bắt buộc phải có mặt”, một viên chức địa phương tại Bộc Dương nói, “Chủ nhật là dịp nghỉ ngơi. Giờ đây tôi thậm chí không có thời gian cho con cái hay đi thăm bố mẹ.”

Tín đồ Kitô giáo Trung Quốc chỉ là một trong những nạn nhân

Sự phát triển của các tôn giáo tại Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ, đặc biệt là sự phát triển của Kitô giáo tại các vùng ngoại ô Trung Quốc. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ĐCSTQ phát động các chiến dịch chèn ép hoặc đàn áp tín đồ Kitô giáo nhắm vào vùng nông thôn và các thị trấn nhỏ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tài liệu số 1, tài liệu đầu tiên mà Ủy ban trung ương ĐCSTQ 2018 ban hành là “Ý kiến về việc triển khai chiến thuật tiếp sức cho vùng ngoại ô”, trong đó có đề cập rằng nhiệm vụ chính của chính quyền địa phương là chèn ép và cấm các “hoạt động tín ngưỡng phi pháp” và “thế lực nước ngoài” tại các vùng ngoại ô.

Theo sau sự chỉ đạo này, một loạt các đền chùa và nhà thờ đã bị chèn ép; tượng Thần, Phật, Thánh giá bị phá dỡ; các sư trụ trì, cha xứ phải học tập tư tưởng chính trị và tư tưởng yêu nước, yêu Đảng; các tuyên truyền về học thuyết vô thần, chủ nghĩa duy vật tràn ngập trong nhà thờ; người tới cầu nguyện phải hát bài ca cách mạng; v.v..

Các tín đồ Kitô giáo Trung Quốc chỉ là một trong những nạn nhân của chiến dịch đàn áp tôn giáo trên diện rộng này.

Theo BitterWinter
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: