Hôm 14/10 giới truyền thông Hồng Kông đưa tin rằng chính phủ Hồng Kông đã một lần nữa viện dẫn “Luật khẩn cấp”, hoặc Điều 40 của “Điều lệ Công an”, cho phép Trưởng Đặc khu tùy ý trao quyền cho Cục trưởng Cảnh sát bổ nhiệm bất cứ người tình nguyện nào sẵn sàng làm “Cảnh sát đặc nhiệm”.

Cảnh sát Hồng Kông
Có thông tin chỉ ra Chính phủ Hồng Kông lại áp dụng “Luật khẩn cấp” hoặc Điều 40 “Điều lệ Công an” để tuyển mộ bất cứ ai có nguyện vọng cũng được làm “Cảnh sát đặc nhiệm”, thậm chí còn kêu gọi mời cả “Quân cảnh Đại Lục đã nghỉ hưu”. (Ảnh: Shutterstock)

Kế hoạch dùng Luật khẩn cấp chiêu dụ “Cảnh sát đặc nhiệm”

Theo thông tin, mặc dù Lực lượng cảnh sát Hồng Kông có khoảng 30.000 người, nhưng thực tế chưa đến 10.000 người ra chiến tuyến để xử lý bạo loạn, trong đó họ lại còn phải làm việc theo ca luân phiên. Phía bên kia chiến tuyến, những người kháng nghị đã đấu tranh kéo dài hơn bốn tháng, gây áp lực rất lớn cho lực lượng cảnh sát.

Trước nhu cầu tuyển dụng và đào tạo người mới rất khó khăn trong đối phó với tình hình căng thẳng hiện nay, chính phủ Hồng Kông đang xem xét nhận những người tình nguyện viên từ các bộ phận như Cứu hỏa, Quản lý xuất nhập cảnh, Hải quan… để làm nhiệm vụ trong ngành cảnh sát với tư cách là “Cảnh sát đặc nhiệm”, phụ trách công việc không thuộc tuyến đầu, ví dụ như công tác áp giải người bị bắt.

Thông tin cho biết việc thực hiện ý tưởng trên có thể theo hai xu hướng, một là lại căn cứ theo “Luật khẩn cấp”, và hai là theo Điều 40 của “Điều lệ Công an”. Theo đó bất cứ lúc nào Trưởng Đặc khu cũng có thể trao quyền cho Cục trưởng Cảnh sát bổ nhiệm người tình nguyện làm “Cảnh sát đặc nhiệm” nếu có nhu cầu, thời hạn tham gia nhiệm vụ được nêu rõ trong chỉ lệnh của Đặc khu Trưởng.

Về quyền lợi, trong thời gian “Cảnh sát đặc nhiệm” được bổ nhiệm sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như cảnh sát chuyên nghiệp. Thông tin còn cho biết Chính phủ Hồng Kông thậm chí cũng nghĩ đến “mượn quân” của các ban ngành có kỷ luật chặt chẽ, vì đó là lực lượng đã được đào tạo, cũng có kinh nghiệm thực thi pháp luật, thậm chí có trang bị đầy đủ. Ví dụ, Cục Dịch vụ Cải tạo Huấn luyện có các đội chống bạo động, nhân viên của Cục Hải quan biết dùng súng, có khả năng hỗ trợ cảnh sát chống bạo loạn ngoài tiền tuyến.

Thông tin cũng cho biết, giới quản lý các bộ phận có kỷ luật chặt chẽ này rất thông cảm với lực lượng cảnh sát, nhưng vì các bộ phận này cũng có công việc riêng của họ nên cần xem xét các yếu tố và ảnh hưởng khác nhau, hiện đang chờ chính phủ cung cấp thêm tài liệu tham khảo và hướng dẫn nhưng trên cơ sở là “không ép buộc, người tham gia tình nguyện làm việc”.

Về vấn đề này, tại họp báo thường kỳ vào ngày 14/10 vừa qua, ông Đặng Bính Cường – Phó Cục trưởng Cảnh sát Hồng Kông nêu quan điểm rằng, trong những tháng qua chưa nghĩ đến cách này, nhưng bất kỳ biện pháp nào có thể giúp cảnh sát Hồng Kông thực thi luật pháp một cách hiệu quả đều nên được xem xét.

Thông tin này cũng khiến cộng đồng mạng chú ý, nhiều người chỉ trích như: “Lại sử dụng lại Luật khẩn cấp…”, “Chính phủ dường như muốn đẩy lòng thù hận của công chúng đối với cảnh sát đến cả giới nhân viên công chức khác, tâm địa Lâm Trịnh Nguyệt Nga độc ác”, “Số lần và cường độ trong xung đột giữa cảnh sát và người dân sẽ kinh khủng hơn. Lâm Trịnh Nguyệt Nga muốn đẩy Hồng Kông vào tình trạng hủy diệt không thể cứu vãn.”

Nghị sĩ Hà Quân Nghiêu thêm dầu vào lửa

Trong họp báo thường kỳ vào ngày 14/10, ông Hà Quân Nghiêu (Junius Ho) ủy viên Hội đồng lập pháp phe kiến chế Hồng Kông (thân Bắc Kinh) thậm chí còn nêu quan điểm, nếu hiện nay thiếu nhân lực cảnh sát Hồng Kông “ngăn chặn bạo loạn” thì Cục trưởng Cảnh sát có thể dựa theo “Điều lệnh Lực lượng Cảnh sát” để tạm thời giúp tăng số lượng sĩ quan cảnh sát, không hạn chế số lượng và quốc tịch, thậm chí không loại trừ trọng dụng cả lực lượng Quân cảnh đã nghỉ hưu của Đại Lục.

Ông Hà Quân Nghiêu nhấn mạnh, theo Điều 24 của “Điều lệ Lực lượng Cảnh sát”, Cục trưởng Cảnh sát có thể chiêu mộ cảnh sát tạm thời không giới hạn số lượng, cảnh sát tạm thời được đãi ngộ tương tự cảnh sát chuyên nghiệp, đồng thời cũng không hạn chế là cư dân thường trú tại Hồng Kông. Ví dụ, Câu lạc bộ đua ngựa Hồng Kông sử dụng nhân viên an ninh người Mỹ gốc Phi, còn ngành đường sắt Hồng Kông gần đây đã thuê người Nepal.

Dù vậy, nhiều nguồn tin hiện đang phổ biến nghi ngờ cho rằng đã có số lượng lớn Quân cảnh của Đại Lục trà trộn vào Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông. Vì gần đây cảnh sát Hồng Kông đã tung tin gây chú ý, cho biết mỗi lần nổ ra biểu tình quy mô lớn là họ và một số đồng nghiệp “được nghỉ ngơi”, cho nên giới quan sát cũng nghi ngờ quân của Đại Lục đã dùng thân phận họ đi làm nhiệm vụ.

Tuyết Mai

Xem thêm: