Video hát bài dân ca Trung Hoa và đọc “Tam tự kinh” được con gái Ivanka Trump của Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter vào sáng 8/4 và truyền thông Mỹ đã phát hiện được sự lúng túng phía sau việc này.

Để bày tỏ sự tôn trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ vừa qua, cháu gái 5 tuổi Arabella của Tổng thống Donald Trump đã hát bài dân ca Trung Hoa nổi tiếng “Mo Li Hua”-“Hoa Nhài” và ngâm bài thơ Trung Hoa “San Zi Jing” –“ Tam tự kinh”, một bản kinh Khổng giáo được dùng để dạy trẻ em về đạo đức làm người.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khen ngợi Arabella rằng: “Ngay cả trẻ con Trung Quốc có lẽ cũng không thuộc thơ nhiều như cô bé này.”

Ngày 13/4, Quartz, một trang báo mạng tài chính và kinh tế (Mỹ) đưa tin, sách cổ điển “Tam tự kinh” đã bị cấm ở Trung Quốc trong nhiều năm.

Bài viết giới thiệu, “Tam tự kinh” được soạn với hình thức thơ 3 chữ vào 8 thế kỷ trước. Cuốn sách này từng được dùng để truyền thụ tri thức nhân nghĩa đạo đức, thiên văn địa lý, lịch sử Trung Quốc cho trẻ nhỏ, tổ hợp thành từ hơn 1.000 chữ Hán. Câu mở đầu của cuốn sách là “nhân chi sơ, tính bản thiện” đã bao hàm nội dung cốt lõi của tư tưởng Nho gia. Ngoài ra còn có nội dung “phu vi thê cương” (nói về vợ – chồng) và “quân vi thần cương” (nói về quân – thần hay vua – tôi).

Trong các trường mẫu giáo công lập tại Trung Quốc, “Tam tự kinh” đã bị bãi bỏ từ mấy chục năm trước do thuộc tư tưởng phi cộng sản chủ nghĩa. Gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu sử dụng chính sách mềm mỏng hơn đối với những tác phẩm cổ xưa này. Nhưng trong các trường học tại Trung Quốc thì thái độ về cuốn sách vỡ lòng kinh điển này là có khác nhau.

Năm 2011, cơ quan giáo dục tỉnh Sơn Đông đã từng cấm giới thiệu toàn văn “Tam tự kinh” ở các trường học công lập với lý do cuốn sách đó “bóp méo quan niệm về giá trị của học sinh, làm hư hỏng tâm linh của các học sinh trung học và tiểu học.”

Tháng 2/2016, cơ quan nhà nước thành phố Chương Châu mặc dù đã động viên các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở học “Tam tự kinh”, “đệ tử quy”, nhưng cũng yêu cầu các giáo viên phải vứt bỏ “sắc thái của chủ nghĩa phong kiến” trong đó, học sinh phải “lọc lấy tinh hoa, vứt bỏ cặn bã”.

Giáo sư nghiên cứu triết học và lịch sử Trung Quốc cổ đại Hạ Ngữ Băng cho rằng tinh hoa trong con mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là phải phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin, phù hợp với đấu tranh giai cấp, còn văn hóa truyền thống, Nho, Phật, Đạo thì đều bị cho là cặn bã. Chính từ cách nhìn nhận này nên mới có cuộc “Cách mạng Văn hóa” đập đổ chùa chiền, tượng Phật, đền miếu, khai quật mộ gia quyến Khổng Tử, đốt sách và hủy hoại các thứ bị liệt vào “tàn dư phong kiến”… 

“Tam tự kinh” dùng 1.450 chữ Hán thông tục và dễ hiểu, cô đọng một cách hoàn chỉnh lịch sử và văn hóa Trung Hoa, tổng hợp tri thức kinh điển của các bộ sách “kinh sử tử tập” (cách phân loại sách vở thời xưa: Kinh điển, Lịch sử, Chư tử, Văn tập) trong văn hóa truyền thống lại với nhau. Trên thực tế, “Tam tự kinh” đã không còn là của riêng người Trung Quốc, nó đã sớm truyền ra ngoài Trung Quốc và trở thành một bộ phận của di sản văn hóa thế giới.

“Tam tự kinh” đã truyền đến Hàn Quốc và Nhật Bản từ rất sớm. Vào thời nhà Thanh, năm Ung Chính thứ 5 (năm 1727 công lịch), “Tam tự kinh” được chọn vào “Bộ sách đạo đức nhi đồng” phát hành ra toàn thế giới.

Trong khi đó ở Trung Quốc ngày nay, không chỉ rất nhiều người không thể đọc thuộc “Tam tự kinh”, mà thậm chí có thể cả đời chưa từng đọc qua “Tam tự kinh” một lần.

Hoàng Quân

Xem thêm: