Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 19/8 đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ nghiêm “Tuyên bố chung Trung – Anh”, tôn trọng luật pháp Hồng Kông. Truyền thông chính thức của Trung Quốc Đại lục là Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã lên tiếng về vấn đề này, nói rằng “Tuyên bố chung Trung – Anh” là một văn kiện lỗi thời và không có hiệu lực, phát biểu này của CCTV đã khiến cư dân phản bác, châm biếm. 

Khang Huy, CCTV, Tuyên bố chung Trung - Anh
Người dẫn chương trình Khang Huy của CCTV nói, “Tuyên bố chung Trung – Anh” đã lỗi thời và không có hiệu lực, Khang Huy còn nói Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nên học bổ túc thêm môn lịch sử. (Ảnh cắt từ video của CCTV)

Ngày 19/8, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục Trung Quốc, nếu “muốn đạt được thoả thuận với Mỹ, Bắc Kinh cần phải thực hiện cam kết của mình, trong đó có cả ‘Tuyên bố chung Trung – Anh’ mà Trung Quốc thông qua năm 1984, tôn trọng cam kết đối với luật pháp Hồng Kông.”

Ngày 20/8, trong chương trình tiếp sóng thời sự, CCTV đã đưa ra hồi đáp về vấn đề này. Người dẫn chương trình Khang Huy (Kang Hui) nói, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nên học bổ túc thêm môn lịch sử, lấy văn kiện lỗi thời và không có hiệu lực như “Tuyên bố chung Trung – Anh” để can thiệp vào sự vụ Hồng Kông và nội chính của Trung Quốc, không chỉ khiến cho ông trở thành trò cười của quốc tế, cũng khiến hình tượng của Mỹ bị xấu đi.

Tuy nhiên, phản ứng của cư dân mạng cho thấy, kẻ trở thành “trò cười của quốc tế” không phải là Phó Tổng thống Mỹ Pence, mà chính là CCTV.

Không ít cư dân mạng chia sẻ trên mạng xã hội nói, “Nếu ‘Tuyên bố chung Trung – Anh’ lỗi thời và không còn giá trị, vậy sao lại đòi Mỹ tuân thủ ‘Thông cáo chung Trung – Mỹ’?”

“Đặng Tiểu Bình từng nói 50 năm không thay đổi cũng là lời nói nhảm sao?”, “‘Tuyên bố chung Trung – Anh’ đã biến thành giấy vụn, còn bàn bạc hợp đồng thương mại gì với Mỹ? Chẳng phải rồi sẽ là tờ giấy vụn sao?”

Còn có người nói CCTV tâm thần phân liệt: “Khi nói đại thảm sát Nam Kinh, thì nói lịch sử không thể nào quên được; nói đến Cách mạng Văn hoá, thì nói đừng ôm giữ lịch sử mà không buông; nói đến Thông cáo chung Trung – Mỹ, thì nói Mỹ cần tuân thủ nghiêm ngặt cam kết; nói đến Tuyên bố chung Trung – Anh, thì lại nói là văn kiện lịch sử không có ý nghĩa hiện thực! Tâm thần phân liệt đến mức như thế này, chắc chỉ có CCTV mới bị!”

Kể từ khi bùng nổ phong trào phản đối dự luật dẫn độ quy mô lớn ở Hồng Kông đến nay, truyền thông Trung Quốc Đại lục không chỉ một lần tuyên bố rằng “Tuyên bố chung Trung – Anh” là văn kiện mang tính lịch sử.

Ngày 12/6, Đại sứ Trung Quốc tại Anh khi trả lời phỏng vấn của Đài BBC đã nói “Tuyên bố chung Trung – Anh” đã mất hiệu lực, nói rằng đầy là “văn kiện lịch sử, và nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình”. Về vấn đề này, quan chức Bộ Ngoại giao Anh Quốc đã trịnh trọng đáp lại, văn kiện này vẫn còn hiệu lực pháp luật.

Ngày 1/7 năm nay là kỷ niệm 22 năm bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt một lần nữa phát biểu tuyên bố cho biết, “Các cuộc biểu tình gần đây ở Hồng Kông, khiến Anh Quốc tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố chung Trung – Anh là vững chắc đã trở lên vô cùng quan trọng trong dịp kỷ niệm bàn giao chủ quyền Hồng Kông. Nó là một hiệp ước có hiệu lực pháp lý, đến nay vẫn còn hiệu lực, giống như cách đây 30 năm khi nó được ký kết và có hiệu lực.”

Năm 1984, hai nước Trung Quốc và Anh Quốc cùng công bố “Tuyên bố chung Trung – Anh”. Tuyên bố chung này là do đương nhiệm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc khi đó là ông Triệu Tử Dương và đương nhiệm Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ký kết, khi đó, toàn bộ lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều đảm bảo với bà Margaret Thatcher về việc thực hiện “Tuyên bố chung”. Năm 1985, tuyên bố chung này được đăng ký với Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc, và chính thức có hiệu lực. 

Trong “Tuyên bố chung Trung – Anh” cam kết rằng, chế độ xã hội, kinh tế và phương thức sinh hoạt hiện hành của Hồng Kông không thay đổi trong 50 năm, trong hệ thống “một nước hai chế độ”, Hồng Kông được hưởng tự do và tư pháp độc lập khác với Trung Quốc Đại lục. 

Văn phòng lưu trữ Anh Quốc (The National Archives) gần đây đã giải mật một hồ sơ, tiết lộ thêm một số chi tiết về thời điểm Anh Quốc và chính quyền ĐCSTQ ký kết “Tuyên bố chung Trung – Anh”. Hồ sơ cho thấy, đương nhiệm Thủ tướng Anh khi đó là bà Margaret Thatcher từng tuyên bố rõ ràng với thành viên Hội đồng hành pháp và Hội đồng lập pháp của Hồng Kông, nếu ĐCSTQ vi phạm tuyên bố chung, sau năm 1997, Anh Quốc có quyền và cũng không do dự đề xuất phản đối để uốn nắn lại vấn đề.

Trí Đạt

Xem thêm: