Trước thềm hội nghị bí mật Bắc Đới Hà của ĐCSTQ, giáo sư MinXin Pei chuyên về Chính phủ học của Học viện Claremont McKenna tại Mỹ đã công bố bài viết đăng trên Tạp chí Nikkei Châu Á với nhiều nhận định đáng chú ý liên quan đến những quyết sách của ĐCSTQ trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài”. 

Hội nghị Bắc Đới Hà, Bắc Đới Hà, Hồng Kông
Cứ vào cuối tháng Bảy đầu tháng Tám hàng năm, giới quan chức cấp cao ĐCSTQ lại tổ chức hội nghị mật tại Bắc Đới Hà để quyết định những việc hệ trọng sắp tới của ĐCSTQ. (Ảnh minh hoạ từ internet)

Hàng năm cứ đến cuối tháng Bảy đầu tháng Tám là giới lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại tập trung tại Bắc Đới Hà để tổ chức hội nghị bí mật, thương thảo quyết định vấn đề nhân sự cùng những chính sách quan trọng khác.

So với năm ngoái, vấn đề quan tâm tại hội nghị Bắc Đới Hà năm nay ngoài hai vấn đề chính là bối cảnh kinh tế trong nước và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, một vấn đề quan trọng khác gần đây khiến ĐCSTQ lo ngại là phong trào biểu tình của người Hồng Kông chống “Dự luật dẫn độ”.

Hôm thứ Sáu (26/7), giáo sư Bùi Mẫn Hân (MinXin Pei) chuyên về Chính phủ học của Học viện Claremont McKenna tại Mỹ, đã công bố bài viết đăng trên Tạp chí Nikkei Châu Á chỉ ra rằng sự kiện ở Hồng Kông dường như đang mất kiểm soát, nhưng ông suy đoán không có nhiều khả năng giới lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ tham gia hội nghị Bắc Đới Hà sẽ ra lệnh đàn áp bạo lực đối với Hồng Kông.

Cho đến nay, Chính phủ Trung ương ĐCSTQ vẫn giữ thái độ tương đối kiềm chế đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, dĩ nhiên họ đang hy vọng phong trào biểu tình dần dần sẽ tự tan rã. Nhưng sau tình hình leo thang bạo lực gần đây cho thấy dường như mọi chuyện không dễ dàng như vậy.

Kể từ tháng Sáu đến nay, các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ đã nở rộ khắp Hồng Kông, hầu hết hoạt động đều diễn ra một cách ôn hòa, hợp lý, từ chuyện mọi người tự động nhường đường cho xe chạy, ưu tiên cho xe cứu thương, làm bức tường chữ ký… đều thể hiện ý thức cao khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Trước hoạt động biểu tình hợp lý này, trong  khi giới truyền thông toàn cầu theo dõi đưa tin liên tục, thì thời gian đầu truyền thông Trung Quốc Đại lục của ĐCSTQ tỏ ra dè chừng kín kẽ, cho đến ngày 21/7 sau khi giới biểu tình cáo buộc trò bẩn của Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông thì truyền thông ĐCSTQ mới bắt đầu chuyển hướng tập trung phản công.

Cùng ngày hôm đó xuất hiện băng đảng xã hội đen được cho là do chính giới thân Bắc Kinh thuê mướn  hành động, đã mang theo hung khí đến nhà ga khu Yuen Long tấn công những người đã tham gia biểu tình trở về khiến ít nhất 45 người trọng thương.

>>Côn đồ tấn công người biểu tình bị nghi có liên quan tới chính phủ Hồng Kông

Mọi quyết định phải sau tháng Mười hoặc thậm chí tháng Một năm sau?

Chuyên gia Minxin Pei luôn quan sát hoạt động phản đối của người Hồng Kông có nhận định rằng, có hai lý do chính giải thích, trong ngắn hạn không có khả năng ĐCSTQ ra lệnh đàn áp bạo lực đối với Hồng Kông. Thứ nhất là giới truyền thông quốc tế tại Hồng Kông tố cáo hành động của ĐCSTQ làm xấu hình ảnh của nhà cầm quyền độc tài này, ảnh hưởng tiêu cực trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Thứ hai là, nếu tổ chức đàn áp bạo lực người biểu tình Hồng Kông trong tháng Tám hoặc Chín sẽ làm hỏng lễ kỷ niệm Quốc khánh tròn 70 năm của ĐCSTQ vào ngày 01/10.

Vì vậy ông cho rằng những hạn chế này sẽ buộc ông Tập Cận Bình và giới chức cấp cao ĐCSTQ phải trì hoãn mọi quyết định hành động đến sau ngày 01/10, hoặc thậm chí chờ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng Một năm sau, vì việc đàn áp ở Hồng Kông gần như chắc chắn sẽ làm mích lòng cử tri Đài Loan, tạo thuận lợi cho đảng Dân tiến ủng hộ Đài Loan độc lập giành chiến thắng.

Nếu để thua trong cả hai mặt trận tại Hồng Kông và Đài Loan thì toàn bộ nỗ lực trong ý đồ thống nhất (Đài Loan) của ĐCSTQ bao năm nay trở thành công cốc. Hiển nhiên ĐCSTQ phải cố gắng hết sức để tránh điều này.

Để bạo lực leo thang gây rủi ro lớn cho ĐCSTQ

Hiện nay ĐCSTQ đang áp dụng chiến thuật “vùng xám” trong ứng phó tình hình Hồng Kông, tuy không can thiệp quân sự trực tiếp nhưng dùng các tổ chức thân ĐCSTQ để tổ chức các hoạt động chống biểu tình, thậm chí dùng xã hội đen đe dọa người biểu tình, hoặc nâng cấp bằng cách cho lực lượng cảnh sát đàn áp.

Nhưng những chiến thuật ngắn hạn này cũng đầy rủi ro. “Trong trường hợp xấu nhất, việc dùng giới xã hội đen có thể dẫn đến đụng độ một mất một còn với người biểu tình. Tình hình hỗn loạn sau đó có thể khiến giới chức Bắc Kinh ra tay hành động mà bất chấp mọi hậu quả chính trị.” Minxin Pei nhận định.

Đồng thời, ngày càng nhiều nước phương Tây lên tiếng về tình hình Hồng Kông. Mới đây Tổng thống Mỹ Trump cũng đã cho biết Mỹ luôn theo dõi chặt chẽ hoạt động biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông, không muốn chứng kiến việc ĐCSTQ dùng bạo lực giải quyết vấn đề. “Tôi hy vọng Chủ tịch Tập hành động đúng đắn.”  ông Trump nói.

Sau đó Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng nhắc lại tuyên bố của Trump. “Chúng tôi mong Trung Quốc biểu hiện phù hợp. Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc biểu tình sẽ được diễn ra trong hòa bình, điều này rất quan trọng.” Pompeo phát biểu.

Đàm phán thương mại trùng hội nghị bí mật Bắc Đới Hà

Một chương trình nghị sự quan trọng khác của Bắc Đới Hà dĩ nhiên là quan hệ Trung-Mỹ. Có lẽ ngẫu nhiên, cuộc đàm phán thương mại với Washington có thể đã diễn ra ngay trước hoặc trong dịp tổ chức hội nghị bí mật Bắc Đới Hà. Nhưng bất kể giới chức hàng đầu của ĐCSTQ chấp nhận hay từ chối đề xuất cuối cùng của Washington, giới quan sát đều có thể thấy được xu hướng phát triển của cuộc chiến thương mại trước cuối tháng Tám.

Đối với ĐCSTQ, ưu tiên ngắn hạn cấp bách nhất rõ ràng là chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ. Những những vấn đề hiệp thương mà Washington đề xuất, chẳng hạn: ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận thì Mỹ vẫn giữ lại thuế quan đối với một số hàng hóa Trung Quốc (phòng ngừa vi phạm thỏa thuận nhiều lần), đồng thời đề xuất cơ chế thực thi đơn phương một cách chặt chẽ, những điều này có lẽ rất khó để giới chức ĐCSTQ chấp nhận.

Minxin Pei chỉ ra, khả năng đạt được thỏa thuận có lợi của ĐCSTQ sẽ giảm dần theo thời gian với thế cuộc thay đổi của bầu cử tổng thống Mỹ, vì vậy giới chức cấp cao Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phải quyết định nhanh chóng: có nên chấp nhận đề nghị của Mỹ để tranh thủ thời gian, có nên hòa hoãn căng thẳng với Mỹ để đổi lấy điều kiện tốt hơn và cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, hoặc có nên chuẩn bị kiên quyết không thỏa hiệp bất kể chiến tranh thương mại leo thang, và biện pháp nào để ứng phó với đòn thuế quan tiếp theo của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá hơn 300 tỷ USD.

Nếu tự cô lập, ĐCSTQ sẽ theo vết xe đổ của Liên Xô cũ

Ông cho biết, về lâu dài, điều cộng đồng quốc tế mong đợi nhất đối với ĐCSTQ dĩ nhiên là con đường cách cởi mở hơn. Giới quan sát bên ngoài phổ biến cho rằng, việc ĐCSTQ thay đổi con đường theo hướng cởi mở không chỉ đồng nghĩa họ biết nghĩ cho nhu cầu thực tế của người dân trong nước, mà còn loại bỏ áp lực của Mỹ trong điều chỉnh hoạt động thương mại không công bằng của ĐCSTQ.

Minxin Pei chỉ ra, nhưng thực tế đáng buồn là sau thảm họa của Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông gây ra, hệ thống giá trị tại Trung Quốc hiện nay bị một đảng độc tài áp đặt khiến cho việc chuyển đổi (cải cách) trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí không thể.

Giả sử ĐCSTQ chọn từ chối cải cách, bức tranh tương lai có thể thấy là gì? “Tình cảnh ĐCSTQ đi theo vết xe đổ của Liên Xô cũ dễ thấy nhất là họ tự cô lập với thế giới, gây nhiều kẻ thù hơn mức cần thiết, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên chiến lược hạn chế của họ”, Minxin Pei viết.

“Đa số giới chức cấp cao Trung Quốc (ĐCSTQ) biết điều này khi họ khăn gói đến Bắc Đới Hà (dự hội nghị), nhưng họ không thể phát huy được vai trò gì trong việc này.” ông bổ sung.

Tuyết Mai

Xem thêm: