Trong hai năm qua quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi toàn diện, đặc biệt sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng ép thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông khiến cộng đồng quốc tế mà tiêu biểu nhất là Mỹ đã phải đứng lên chống lại, trong tương lai Mỹ sẽ đưa ra nhiều lệnh trừng phạt để kiềm chế Bắc Kinh. Bối cảnh đó, gần đây truyền thông nhà nước Trung Quốc có động thái hiếm thấy khi công bố bài viết tuyên bố rằng cần phải thực hiện 6 chuẩn bị quan trọng để ứng phó với thực trạng bất lợi từ bên ngoài.

Bắc Kinh, Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Cảnh vệ, Lính gác
Lính bảo vệ tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Ảnh chụp tháng 3/2009. (Ảnh minh họa: ChameleonsEye / Shutterstock)

Hôm 3/7 tờ Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ đã công bố bài viết có tiêu đề “Cựu Phó trưởng Ban Liên lạc Trung ương ĐCSTQ Chu Lực (Zhou Li): Tích cực chủ động thực hiện chu toàn 6 chuẩn bị quan trọng để ứng phó với thực trạng bất lợi từ bên ngoài.”

Sáu chuẩn bị quan trọng này bao gồm: Chuẩn bị ứng phó với tình trạng thu hẹp nhu cầu bên ngoài, chuỗi cung ứng và chuỗi cung ứng công nghiệp bị đứt đoạn; chuẩn bị cho tình hình dịch bệnh virus corona mới (COVID-19, viêm phổi Vũ Hán) bình thường hóa, con người phải chung sống lâu dài với virus corona mới; chuẩn bị để thoát khỏi quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ, dần dần tách đồng Nhân dân tệ ra khỏi đồng đô la Mỹ; chuẩn bị cho sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu; chuẩn bị cho sự hồi sinh của lực lượng chống khủng bố quốc tế.

Bài báo nhấn mạnh rằng những khó khăn và thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ phức tạp và nghiêm trọng chưa từng thấy. “Hiện tại, điều đặc biệt cần thiết là phải đề phòng nguy cơ Mỹ theo đuổi các yêu sách đòi chúng ta bồi thường.”

Thực tế sáu vấn đề chuẩn bị mà tác giả này cảnh báo là những vấn đề lớn, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn, một số đã được thảo luận trong nhiều năm trước. Ví dụ, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đồng nghĩa với việc Trung Quốc cần đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn và cởi mở hơn với kiểm soát nền kinh tế, nhưng những điều này lại làm tăng rủi ro cho an ninh chính trị của nền chính trị độc tài ĐCSTQ. Ngoài ra, việc “tách rời” hoàn toàn khỏi Mỹ là nan đề khó chấp nhận đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn còn dựa nhiều vào công nghệ và nguồn vốn nước ngoài, như vậy sẽ khó khăn gấp bội để Trung Quốc nâng cấp công nghiệp hóa và trở thành một trung tâm chuỗi công nghiệp khu vực châu Á cũng như của thế giới.

Ông Chu Lực, tác giả bài viết (sinh năm 1955), là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của ĐCSTQ. Tháng 2/2007 được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine. Tháng 5/2010 được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan. Từ tháng 5/2013 đến tháng 7/2016 giữ chức Phó trưởng Ban Liên lạc đối ngoại của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Cộng đồng mạng có diễn giải lại 6 sự chuẩn bị quan trọng này như sau: Trung Quốc và Mỹ sẽ đối đầu toàn diện và sẽ nâng cấp (khó tránh xung đột quân sự?); sẽ mất nguồn máu từ bên ngoài (bao gồm cả quỹ, công nghệ, nguyên liệu thô); mô hình chống dịch lâu dài; tờ giấy (tiền) màu xanh và màu đỏ không còn liên quan; nạn đói; tình trạng bức hại người dân, nhân danh chống khủng bố sẽ được kéo dài và phổ biến.

Có cư dân mạng giải thích: “Dường như việc chuẩn bị cho những tháng ngày khốn khó do quan hệ Trung-Mỹ trở nên tệ hại đã là nhận thức chung của giới quan chức cấp cao ĐCSTQ. Thời báo Hoàn Cầu đã đăng tải công khai trên trang đầu cho cả nước chuẩn bị tinh thần”.

Có quan điểm thì thẳng thắn chỉ ra: “Việc ông Chu Lực cảnh báo hồi sinh của các lực lượng chống khủng bố quốc tế cho thấy ông ta đã đặt bản thân và ĐCSTQ đứng về phía những kẻ khủng bố. Ông ta đã tự xác định và công bố một sự thật quan trọng.”

Trong khi có bình luận cho rằng từ sau năm 1997, Hồng Kông đã có công lớn trong việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, hiện nay luật an ninh quốc gia đã giết chết Hồng Kông làm mất vị thế quốc tế của Hồng Kông, vậy mà còn mơ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ!

Còn có bình luận nói: “Nhanh chóng thiết lập cơ chế thanh toán tiền tệ với Zimbabwe, Zambia, Syria và các nước hùng mạnh tương tự khác.”; “Từ góc độ hành động của ĐCSTQ trong những năm gần đây cho thấy ĐCSTQ tăng tốc lao vào chế độ độc tài phát xít.”; “Tôi chỉ hy vọng máy gia tốc (Tập Cận Bình) sẽ đẩy mọi thứ nhanh hơn (khiến ĐCSTQ sớm sụp đổ)”.

Có thể nói, qua cuộc tấn công của dịch viêm phổi Vũ Hán ở Mỹ đã giúp Mỹ càng nhận rõ hơn tác hại của bộ máy chính trị toàn trị ĐCSTQ đối với Mỹ và thế giới. Giờ đây xu thế cộng đồng quốc tế tẩy chay và bao vây ĐCSTQ càng được củng cố quyết tâm hơn do việc ĐCSTQ áp dụng Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, công khai vi phạm thỏa thuận quốc tế, xé bỏ cam kết trước đó.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã cho biết Bắc Kinh khủng bố quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của người Hồng Kông cho thấy thứ họ sợ nhất chính là người dân Trung Quốc. Thách thức mà ĐCSTQ đặt ra cho mọi người yêu tự do trên toàn thế giới không chỉ là sự đối lập giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn là “cuộc chiến giữa một xã hội tự do và chế độ độc tài chuyên chế”.

Y Bình

Xem thêm: