Vì sao tại các quốc gia độc tài, luật pháp lại bị lợi dụng? Vì sao luật pháp vốn được coi là điểm tựa của người dân trong xã hội lại trở thành công cụ thỏa sức nhào nặn của nhà cầm quyền? Một nền tảng xã hội như thế nào sẽ dẫn đến sự tha hóa của luật pháp?

Nền tảng của pháp luật

Pháp luật là công cụ cứng rắn để duy trì sự công bằng, chính nghĩa, trừng trị kẻ ác, khuyến khích người thiện, do đó người xây dựng pháp luật không thể không đưa ra định nghĩa về “thiện” và “ác”. Rất tự nhiên, nhiều bộ luật truyền thống đã coi các kinh sách và Thần tích trong tôn giáo thành căn cứ và nguồn gốc của pháp luật.

Bộ pháp điển đầu tiên trong lịch sử nhân loại được ghi chép thành sách là “Bộ luật Hammurabi” của Babylon cổ đại. Phần đỉnh của bia đá khắc bộ pháp điển là hình vẽ miêu tả cảnh Thần Thái Dương (cũng là Thần Công Lý) của Babylon đang truyền thụ pháp luật cho vua Hammurabi và trao cho ông quyền lực để trị vì thần dân bằng pháp luật.

Người Hebrew coi “Mười điều răn của Moses” trong “Kinh Cựu ước” là lời răn của Thần và cũng là pháp luật. Pháp luật phương Tây cũng đi theo truyền thống này. Từ các Hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên đến Justinian và những người kế tục ông vào thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 sau công nguyên, cho đến vua Alfred đại đế, “vị vua của người Anglo-Saxon” trong lịch sử nước Anh cũng đều lấy “Mười điều răn của Moses” và tinh thần giáo nghĩa của Cơ Đốc giáo làm căn cứ để xây dựng pháp luật.

Nguồn gốc tư tưởng của Phong trào bất tuân dân sự ở Mỹ vào thế kỷ trước bắt đầu từ tư tưởng của các tín đồ Cơ Đốc thời kỳ đầu. Bấy giờ khi hoàng đế La Mã ra lệnh cho các tín đồ Cơ Đốc phải thờ phụng Thần của La Mã hoặc đặt các bức tượng hoàng đế La Mã trong các giáo đường Do Thái giáo, thì tín đồ Cơ Đốc thà bị đóng đinh lên thập tự giá hoặc bị hỏa thiêu chứ không tuân thủ quy định pháp luật này. Nguyên nhân là vì nó trực tiếp xung đột với điều răn thứ nhất và điều răn thứ hai trong “Mười điều răn của Moses”.

Ở Trung Quốc cũng vậy. Trong lịch sử, người đặt định ra pháp luật là thiên tử, phải tuân theo thiên ý, tuân theo quy luật vận hành của thiên địa, cũng chính là “Đạo” mà Hoàng Đế và Lão Tử giảng. Nhà đại Nho học thời Hán Đổng Trọng Thư nói: “Đạo chi đại nguyên xuất ư thiên, thiên bất biến đạo diệc bất biến” (Đạo bắt nguồn từ trời, trời bất biến Đạo cũng bất biến). “Thiên” trong quan niệm của người xưa Trung Quốc không phải là lực lượng tự nhiên trừu tượng mà là Thần, chúa tể của vạn vật. Tín ngưỡng đối với thiên đạo là cơ sở đạo đức của văn hóa Trung Quốc, bởi vậy chế độ chính trị pháp luật sinh ra từ đó đã ảnh hưởng tới lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc.

Berman, học giả pháp lý người Mỹ cho rằng, tác dụng của pháp luật phụ thuộc vào việc nó tuân theo quan niệm đạo đức xã hội phổ biến và các chuẩn mực trong tín ngưỡng. Ông cho rằng pháp luật và tôn giáo mặc dù là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng sự phát triển thịnh vượng của bất cứ lĩnh vực nào cũng không thể tách rời lĩnh vực kia. Trong bất cứ xã hội nào, pháp luật luôn cần giúp con người có quan niệm rõ ràng về chính nghĩa, khích lệ con người hết mình cống hiến cho chính nghĩa.
Học giả Tocqueville cũng từng nói: “Pháp luật cần phải dựa vào tín ngưỡng, nếu không nó sẽ chỉ như thùng rỗng kêu to.”

Nói một cách đơn giản, pháp luật phải có tính quyền uy, tính quyền uy của nó đến từ sự “công bằng, chính nghĩa”, mà “công bằng, chính nghĩa” trong quan niệm truyền thống là do Thần mang lại, vì thế mà pháp luật không chỉ có tính chính nghĩa mà còn có tính thần thánh.

ĐCSTQ coi pháp luật là công cụ

Trên thực tế, không pháp luật nào có thể bao quát hết tất cả những tranh chấp đã và sắp xảy ra và đưa ra các phán quyết phù hợp. Vì thế pháp luật không chỉ là những quy tắc, điều khoản cụ thể, mà còn cần thêm vào những nhân tố chủ quan của tất cả những người tham gia, điều này yêu cầu quan tòa phải xuất phát từ tinh thần pháp luật để đưa ra phán quyết trên nguyên tắc chính nghĩa.

Jesus từng đứng trong thánh điện Jerusalem mà lên án mạnh mẽ những người Pharisees ngụy thiện, bởi vì những người này mặc dù nghiêm túc tuân thủ những quy tắc bề mặt của luật pháp Moses, nhưng lại bỏ qua những phẩm chất, đức hạnh cần có trong pháp luật như công bằng, chính nghĩa, cảm thông, thành thật, v.v..

ĐCSTQ lại hoàn toàn tương phản lại. ĐCSTQ vốn theo thuyết vô Thần, vì thế đảng này không coi những lời giáo huấn của Thần làm căn cứ để quy định pháp luật, thậm chí còn phản đối các giá trị đạo đức truyền thống. Điều này khiến cho pháp luật của ĐCSTQ ngay từ đầu đã mất đi khả năng duy trì sự công bằng và chính nghĩa. Phía trên luật pháp của ĐCSTQ không có sự cảnh tỉnh, ước thúc của Thần và của luân lý xã hội, mà chỉ có lợi ích của giai cấp thống trị, tức là lợi ích của đảng. Mà lợi ích có thể biến động bất cứ lúc nào, tất nhiên nó cũng khiến cho pháp luật biến động bất cứ lúc nào.

Nhà tư tưởng người Pháp Tocqueville cho rằng, một xã hội không có bất cứ tín ngưỡng nào cũng chỉ có thể là một xã hội chuyên chế, bởi vì chỉ có một thể chế chuyên chế mới có thể tập hợp một nhóm người không có bất cứ niềm tin nào lại với nhau.

ĐCSTQ khi vừa mới đoạt được chính quyền, để cướp đoạt tài sản của toàn dân, trên hình thái ý thức đã lấy “đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”, từ đó về pháp luật đã thiết lập ra “tội phản cách mạng”, quy tất cả những người Đảng muốn tiêu diệt vào nhóm người “phản cách mạng” để bắt giam thậm chí hành quyết họ.

Sau khi hoàn thành việc cướp đoạt với danh nghĩa “chế độ công hữu”, ĐCSTQ cần phải tiếp tục nhét tiền đầy túi mình, vì thế trên hình thái ý thức đã sửa thành “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” và đề xuất ra “luật pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản tư nhân”, về bản chất chẳng qua là bảo vệ sự giàu có của đảng nhờ tước đoạt tài sản toàn dân, còn tài sản của người dân thường lại không hề được bảo vệ. Các “vụ án cưỡng chế” nhiều vô kể chính là minh chứng cho việc chính phủ dùng bạo lực xâm phạm tài sản của nhân dân.

Đầu năm 1999, ĐCSTQ đề xuất muốn “dùng pháp trị quốc”, nhưng không đến vài tháng sau, nó lại mạnh tay đàn áp những người dân theo học Pháp Luân Công tin vào chân thiện nhẫn, thành lập “Phòng 610” một tổ chức tương tự Gestapo của Đức Quốc xã, có quyền hạn vượt trên đứng trên “Ủy ban Chính trị và Pháp luật”, thao túng và huy động mọi cơ quan và nguồn lực quốc gia để bức hại Pháp Luân Công mà hoàn toàn không quan tâm đến pháp luật.

Nhằm che giấu những tội ác đẫm máu của mình, ĐCSTQ cần không ngừng tạo ra những kẻ thù địch với mục đích uy hiếp và thẳng tay đàn áp dân chúng. Đối tượng đàn áp thay đổi từ địa chủ, nhà tư bản đến học sinh sinh viên trong sự kiện Lục Tứ, cho đến những người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhi, tín đồ Phật giáo Tây Tạng và những luật sư nhân quyền, vì thế mà pháp luật cũng phải thay đổi theo.

Trong vòng hơn 60 năm, ĐCSTQ đã ban hành 4 bộ hiến pháp. Bộ hiến pháp thứ tư được ban hành năm 1982 nhưng cũng đã được sửa đổi 4 lần. Hết cuộc vận động chính trị này đến vận động chính trị khác đều được ĐCSTQ dùng danh nghĩa “pháp luật” để trang trí, tô vẽ thêm.

ĐCSTQ chưa bao giờ thực sự chấp hành pháp luật

Chiếc áo pháp luật mà ĐCSTQ khoác lên chủ yếu để tiến hành xâm nhập các quốc gia phương Tây. Ví dụ như “Bộ luật tố tụng hình sự” lần đầu tiên của ĐCSTQ được ban hành vào năm 1979, tức là được thông qua sau khi “cải cách mở cửa”, trên bề mặt là để đạt được “chính nghĩa có trật tự”, kỳ thực ĐCSTQ lại không hề nghiêm chỉnh chấp hành bộ luật này.

Để thể hiện tinh thần “pháp trị”, “mở cửa kết giao với quốc tế”, ĐCSTQ vẫn quy định ra một số điều khoản pháp luật bề ngoài có vẻ đường hoàng. Nhưng nó không bao giờ thực sự chấp hành những quy định này, ví dụ như quy định về “tự do tín ngưỡng”, “tự do ngôn luận”, “tự do hội họp” v.v.. trong Hiến pháp của nó.

Nhìn từ góc độ luật sư, quy định pháp luật trên bề mặt chưa bao giờ có hiệu lực mạnh mẽ trên thực tế. Bởi vì khi bạn viện dẫn các văn bản pháp luật và theo đuổi tính chính nghĩa trong đó thì những điều mà các thẩm phán và kiểm sát viên nói với bạn lại là “tinh thần pháp luật” của ĐCSTQ.

Câu cửa miệng của các thẩm phán ĐCSTQ khi xử lý các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công là: “Anh giảng giải pháp luật với tôi làm gì, tôi nói cho anh hiểu về chính trị”, “Đảng không cho biện hộ”, “Lời nói của người lãnh đạo chính là pháp luật”, “Tòa án cũng do đảng lãnh đạo, phải nghe theo đảng”, “Vấn đề Pháp Luân Công có thể không tuân theo trình tự pháp luật”, “Anh đừng nói với tôi về lương tâm”, v.v…

Nhà triết học người Anh Francis Bacon trong tác phẩm “Tư pháp luận” (Of Judicature) đã viết: “Một cuộc xét xử không công bằng gây ra hậu quả xấu thậm chí còn lớn hơn rất nhiều việc nhiều lần phạm tội. Bởi vì phạm tội tuy coi thường pháp luật nhưng chỉ giống như làm ô nhiễm dòng nước, còn xét xử không công bằng tức là phá hoại pháp luật, giống như làm ô nhiễm nguồn nước.”

Do pháp luật của ĐCSTQ liên tục thay đổi, đảng có thể chấp hành một số quy định pháp luật nhưng có những quy định nó lại không hề chấp hành. Trong suốt lịch sử của mình, ĐCSTQ đã khiến cho 60-80 triệu người chết bất thường, gấp đôi tổng số người chết trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Sử dụng quyền lực quốc gia để tùy ý giết chóc, sử dụng cực hình, trừng phạt tập thể mà không chịu hạn chế nào của pháp luật, kỳ thực chính là chủ nghĩa khủng bố quốc gia cực kỳ tàn nhẫn, khốc liệt.

Nhìn từ nguyên tắc cơ bản nhất “giết người đền mạng, nợ tiền phải trả”, nếu ĐCSTQ muốn nghiêm túc thực thi pháp trị (cai trị bằng pháp luật) thì trước tiên nó phải đối mặt với việc chính nó phải bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật, vì thế, ĐCSTQ lại càng không dám thực sự chấp hành pháp luật mà nó quy định ra.

Nếu luật pháp không thể giữ vững giới hạn đạo đức, không thể lấy giới lệnh của Thần làm tiêu chuẩn thiện ác tối cao, thì sẽ dễ bị lợi dụng để đả kích cái thiện và dung túng cái ác. Luật pháp của ĐCSTQ chính vì lẽ này mà không thể nào duy trì được công bằng và chính nghĩa nữa.

Minh Ngọc

Xem thêm: