Cái chết của bác sĩ Lý đã bộc lộ một thực tế lạnh lẽo tại tâm điểm của bản giao ước ngầm của ĐCSTQ: bất cứ cá nhân nào cũng có thể được lợi dụng để tô vẽ cho Đảng, và bất cứ cá nhân nào cũng có thể bị sử dụng nếu sự ổn định của Đảng bị đe doạ.

Trí thức TQ dẫn đầu làn sóng đòi tự do ngôn luận sau cái chết của BS Lý

Nhiều ngày sau cái chết của bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng – người đã lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện của virus corona mới và sau đó bị cảnh sát Vũ Hán trừng phạt vì “lan truyền tin đồn thất thiệt” – người dân Trung Quốc vẫn không ngừng bàn tán về sự việc mặc cho chế độ kiểm duyệt được kích hoạt ở mức cao nhất.

Có bình luận chua chát nói, bác sĩ Lý là bác sĩ nhãn khoa giỏi nhất, đã khiến hàng triệu người dân ‘sáng mắt’ về sự cai trị độc tài của ĐCSTQ. Cái chết của bác sĩ Lý giống như một sự khai nhãn và khai tâm về chính trị cho thế hệ trẻ, mà đa phần trong số đó có lẽ hoàn toàn chưa từng biết về sự kiện đàn áp học sinh, sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn tháng 6 năm 1989.

Sự đau buồn và thịnh nộ tuôn trào trên mạng xã hội có lẽ là sự phản kháng công khai và dữ dội nhất tại Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn. Người dân nhìn thấy hình bóng của họ trong sự nhỏ bé, cô độc, cam chịu và sợ hãi trước cường quyền ở bác sĩ Lý, và họ nhận ra rằng họ giống như những con thú nhốt trong lồng, chỉ được phép yên vị ở những nơi nào chủ nhân muốn, hưởng sự “thái bình”, “ổn định” chủ nhân ban cho. Họ không được bước qua lằn ranh đỏ. Họ không có tự do.

Ngay lập tức, hashtag “chúng tôi muốn tự do ngôn luận” được chia sẻ dữ dội trên mạng. Ngay khi nó bị kiểm duyệt, hashtag khác cứng rắn hơn “chúng tôi yêu cầu tự do ngôn luận” lập tức xuất hiện thay thế, cho dù sau đó cũng bị kiểm duyệt cắt bỏ.

Hàng trăm nhà trí thức tại Vũ Hán và khắp Trung Quốc đã đồng loạt viết thư ngỏ yêu cầu Chính quyền ĐCSTQ thực thi các điều khoản về tự do ngôn luận đã được quy định trong Hiến pháp. “Trong ba mươi năm, người Trung Quốc đã phải từ bỏ tự do của mình để đổi lấy sự an toàn, và giờ đây họ rơi vào tình trạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và kém an toàn hơn bao giờ hết….Một thảm họa nhân đạo đang đến với chúng ta, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng cô lập toàn cầu chưa từng thấy,” trích một bức thư ngỏ.

Giáo sư Hạ Minh tại Khoa chính trị trường Đại học New York đã nhận xét: “Chính quyền ĐCSTQ cấm giới trí thức lên tiếng, cấm học sinh lên tiếng, cấm phóng viên lên tiếng, cấm luật sư lên tiếng, cuối cùng cấm toàn thể nhân dân lên tiếng, như vậy mới xảy ra đại nạn. Hoạn nạn này có cái giá của nó. Lần này chính phủ Trung Quốc xử lý kém cỏi, đến cả khẩu trang cũng không đủ để dùng. Có thể họ đã sản xuất quá nhiều những “khẩu trang” bịt miệng dân, còn không để ý sản xuất đủ những khẩu trang phòng dịch bệnh”.

***

Có lẽ chính quyền ĐCSTQ cũng không lường được phản ứng gay gắt cuồn cuộn của người dân. Chính quyền đã quen với việc đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, áp đặt tư tưởng của mình lên mọi tầng lớp nhân dân, gieo rắc sự thờ ơ cũng như sợ hãi vào mỗi người dân: “chỉ nên lo việc của mình thôi, mọi việc đã có nhà nước lo”, hay “đừng quan tâm đến chính trị” để cắt đứt mọi ý kiến phản biện nhằm duy trì “sự ổn định” của một thể chế đã mục nát và lỗi thời.

Kể từ cuộc đàn áp đẫm máu phong trào Thiên An Môn năm 1989, ĐCSTQ đã duy trì tính chính thống của nó bằng khả năng phát triển nền kinh tế và giữ sự “ổn định” cho xã hội, đồng thời xây dựng bộ máy kiểm duyệt khổng lồ để hỗ trợ những mục tiêu trên. “Duy trì sự ổn định” xã hội là vấn đề sống còn và là điều được quán triệt từ chính quyền trung ương đến địa phương.

Trong dịch bệnh ở Vũ Hán, ban đầu, vì để “duy trì ổn định”, chính quyền địa phương đã bắt bác sĩ Lý và các đồng nghiệp phải nhận tội “tung tin đồn sai lệch trên mạng” dẫn tới “làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”, đe doạ họ sẽ hứng chịu sự trừng phạt nếu còn tiếp tục lên tiếng. Tình hình dịch bệnh chỉ được chính quyền Vũ Hán yếu ớt thừa nhận sau khi công văn nội bộ liên quan đến sự việc bị rò rỉ. Che giấu thông tin và hạ thấp nguy cơ là những việc đầu tiên được tính đến.

Sau khi dịch bệnh rơi dần vào thế không thể kiểm soát, để làm dịu lòng dư luận, chính quyền trung ương dường như cố tìm cách hướng mũi dùi vào các quan chức địa phương, cho phép truyền thông Trung Quốc có chút tự do tương đối khi đưa tin về dịch bệnh. Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc thậm chí lên tiếng, nói rằng công an Vũ Hán không nên trừng phạt bác sĩ Lý Văn Lượng và 7 người khác vì thông tin của họ “không hoàn toàn bịa đặt”.

Để hưởng ứng, truyền thông nhà nước bắt đầu phóng đại những câu chuyện mang tính tích cực về tính kiên cường và chủ nghĩa anh hùng, và dường như bác sĩ Lý phù hợp với vai trò này, tương tự như Tưởng Ngạn Vĩnh – một bác sĩ quân y nghỉ hưu đã tiết lộ về dịch SARS năm 2003. Bác sĩ Lý được định nghĩa lại như một biểu tượng của người đấu tranh chống lại tệ nạn hành chính quan liêu vô dụng của chính quyền địa phương. 

Vũ Hán: Câu chuyện về thất bại của hệ thống miễn dịch và sức mạnh xã hội

Thế nhưng, nếu như chính quyền trung ương đã khéo léo xoay chuyển tình thế qua việc phê phán chính quyền Vũ Hán vì đã kết tội oan bác sĩ Lý để ghi điểm cho mình trước công chúng, thì cái chết của bác sĩ Lý sau đó lại là một thảm hoạ. Cái chết của bác sĩ Lý đã đẩy cảm xúc của người dân lên đỉnh điểm, trở thành một cơn cuồng phong giận dữ chưa từng có khi những mũi dùi chỉ trích được ném không thương tiếc vào cả hệ thống nói chung, từ trên xuống dưới, đặc biệt khi người dân Trung Quốc thấy trước mắt họ, dịch bệnh đã mất kiểm soát, hàng trăm triệu người bị đặt vào vào vòng nguy hiểm.

Cái chết của bác sĩ Lý đã bộc lộ một thực tế lạnh lẽo tại tâm điểm của bản giao ước ngầm của ĐCSTQ: bất cứ cá nhân nào cũng có thể được lợi dụng để tô vẽ cho Đảng, và bất cứ cá nhân nào cũng có thể bị sử dụng nếu sự ổn định của Đảng bị đe doạ. Duy trì ổn định là yếu tố quan trọng nhất, trong đó người dân có thể biểu lộ sự đau xót hay chút giận dữ, nhưng miễn là chỉ tập trung vào cá nhân chứ không vào Đảng.

Điều chính quyền không thể cho phép là để Đảng hay chính quyền trung ương trở thành một cái đích, cả khi cuộc khủng hoảng Vũ Hán và cái chết của bác sĩ Lý đã làm bộc lộ nhiều khiếm khuyết của họ, cả khi thị trưởng Vũ Hán tuyệt vọng trả lời báo chí rằng ông không có thẩm quyền công bố dịch bệnh mà phải chờ chỉ thị từ cấp cao hơn.

Bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc đã được xây dựng trên nguyên tắc này: bất cứ điều gì đe dọa Đảng và “sự ổn định” đều không thể khoan thứ và phải bị xoá bỏ. Những hashtag có nội dung “kích động” bị xoá, thậm chí cả bài quốc ca cũng bị kiểm duyệt bởi có câu “Đứng lên hỡi những người không chấp nhận làm nô lệ”.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ ngay lập tức cử điều tra viên đến Vũ Hán để “điều tra toàn diện những vấn đề do người dân phản ánh liên quan đến bác sĩ Lý”. Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ ngay lập tức đăng tải bài viết của Tổng biên tập Hồ Tích Tiến về vụ việc của bác sĩ Lý: “Vũ Hán nợ Lý Văn Lượng một lời xin lỗi. Các quan chức Vũ Hán và Hồ Bắc cũng nợ người dân Hồ Bắc và toàn quốc một lời xin lỗi trịnh trọng… Tại sao các quan chức Vũ Hán không có thái độ tích cực vào thời điểm này, điều này không chỉ trả lại sự công bằng cho Lý Văn Lượng mà còn chủ động tháo gỡ nút thắt đang khiến nhiều người cảm thấy khó chịu? Tinh thần chịu trách nhiệm của người làm quan như họ đi đâu cả rồi?”.

Báo Hoàn cầu kêu gọi quan chức các địa phương tôn trọng và đối diện thẳng thắn với quần chúng nhân dân, một khi phạm sai lầm thì phải sửa chữa kịp thời, chấp nhận những lời chỉ trích của người dân với tinh thần khiêm tốn. “Quần chúng nhân dân không thể bị khiêu khích. Bất cứ ai khiêu khích quần chúng nhân dân cuối cùng đều sẽ phải trả giá”, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.

Những dòng chữ giáo điều sáo rỗng đã phủ định mọi liên quan của chính quyền trung ương đến thảm họa tại Vũ Hán, đổ lên đầu “những con dê thế tội” của họ những lời phê bình chỉ trích. Tuy nhiên, cho dù cố tỏ ra sáng suốt quang vinh, thì bản thân lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ cũng đã tự biết tính chính danh của mình đang trên bờ vực thẳm. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng không vô ích, anh đã nằm xuống để mọi người có cơ hội được thức tỉnh, trong đó bao gồm cả “những con dê thế tội”.

Lê Xuân

Xem thêm: