Dưới thực trạng hủ bại mang tính thể chế của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cùng với việc nhà chức trách thường xuyên công khai về thái độ “ăn năn hối lỗi” của quan chức bị xử lý, sự việc nhiều quan tham khi bị điều tra đã phản ứng bằng những ngôn từ hùng hồn giống như “cây ngay không sợ chết đứng” khiến dư luận không khỏi giật mình kinh sợ!

trung quốc
Có bình luận chỉ ra, hầu hết các quan chức ở mọi ngõ ngách trên đất nước Trung Quốc đều sa đọa biến chất, hoàn toàn dị dạng từ tinh thần trách nhiệm đến đạo đức (Ảnh: Getty Images).

Bốn loại phát ngôn của các quan tham sau khi “ngã ngựa”

Ngày 6/6, trên trang trang mạng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) có bình luận chỉ ra muôn màu muôn vẻ biểu hiện của những quan tham “ngã ngựa” khi bị thẩm vấn, nhưng quy lại có bốn biểu hiện chính.

Thứ nhất là đổ cho ngoại cảnh: “Môi trường xã hội như thế, việc tôi nhận hối lộ hoàn toàn là bị động.”

Tiêu biểu cho câu này có thể kể như Từ Á Tuấn (Xu Yajun), cựu Phó ban Giao thông quận Lục Hợp thành phố Nam Kinh, ông này bị buộc tội nhận hối lộ 820.000 Nhân dân tệ (khoảng 128,2 nghìn đô la Mỹ). Ông ta mê trò chơi trực tuyến, cũng đặc biệt mê chơi nhân dân tệ, nhiều ông chủ lớn được ông ta “chiếu cố” phải sẵn sàng chi tiền cho ông ta bất kể khi nào. Những lúc ông ta và vợ đi mua sắm mà không mang đủ tiền, sẽ “tìm kiếm trợ giúp” từ những nhà kinh doanh này.

Thế nhưng khi đứng trước tòa án ông ta luôn xảo biện, tuyên bố rằng cho dù người khác đưa tiền hay không thì việc phải làm như thế nào thì ông ta vẫn làm như thế, nhưng trong môi trường xã hội như vậy, việc ông ta nhận hối lộ cũng hoàn toàn bị động.

Thứ hai là tìm kiếm thông cảm: “Tôi không phải là người xấu, không muốn lãng phí tuổi xuân của tôi trong tù.”

Bạch Tuấn Tùng (Bai Junsong), cựu Phó trạm trưởng Trung tâm Giám sát bảo vệ môi trường thành phố Bắc Kinh được một doanh nhân nhờ giúp trúng thầu, đã nhận hối lộ 210.000 Nhân dân tệ (khoảng 32,8 nghìn đô la Mỹ). Trong lời trình bày cuối cùng, Bạch Tuấn Tùng nói: “Chịu đựng gian khó không đáng gì, nhưng không cam tâm lãng phí tuổi xuân trong nhà tù… Mặc dù tôi đã phạm tội, nhưng tôi không phải người xấu, mong tòa án có thể đối xử với tôi khác biệt.”

Thứ ba là thêu chuyện loạn xạ: “Cha tôi là ông trùm về tàu bè, để lại tài sản cho tôi.”

Uống rượu chỉ uống Mao Đài, hút thuốc chỉ hút Trung Hoa, rửa chén ăn bằng nước khoáng, văn phòng làm việc biến thành sàn karaoke. Trương Hiểu Giang (Zhang Xiaojiang), cựu Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch quận Vũ Long thành phố Trùng Khánh đã từng sống xa sỉ như thế. Khi điều tra, cơ quan điều tra phát hiện con gái quan tham này du học nước ngoài đứng tên hơn 10 bất động sản.

Khi được hỏi về nguồn gốc tài sản, Trương Hiểu Giang nói: “Cha tôi xưa kia là chủ công ty vận tải đường thủy, là trùm tàu bè nổi tiếng, để lại cho tôi vô số của cải…”.

Bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, cách mà các quan tham xảo biện có rất nhiều, nhưng xảo biện kiểu như Trương Hiểu Giang thì không nhiều, huống hồ quan tham này xuất thân nghèo khổ, gia đình không liên quan gì đến lĩnh vực tàu bè.

Thứ tư là “kẻ cướp cũng có đạo”: “Tiền của người nghèo không lấy, tiền của các ông chủ có lấy một chút thì có gì quan trọng.”

Sau khi Trần Bằng (Chen Peng), cựu Quận trưởng quận Tương Kiều thành phố Triều Châu bị “ngã ngựa”, ông ta nhiều lần nhấn mạnh “tiền của người nghèo không lấy, nhưng lấy một chút tiền của các ông chủ thì có gì quan trọng”, nhằm biện hộ rằng bản thân ông ta chỉ cướp của người giàu chứ không cướp của người nghèo.

Quan tham nổi tiếng về phát ngôn “có lý chẳng sợ”

Trong những năm gần đây, trường hợp một số quan tham sau khi bị bắt điều tra đã la hét dữ tợn nhằm “cáo thị công chúng”, quả thực gây sốc trong công luận!

Tháng 7/2013, La Âm Quốc (Luo Yinguo), cựu Bí thư thành phố Mậu Danh tỉnh Quảng Đông bị điều tra nhận hối lộ và sở hữu tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc, bị kết án tử hình (không thi hành án ngay). Những nguồn tin đồn đãi trong xã hội rằng La có 67 bất động sản, trong đó có 16 nơi trị giá cả trăm triệu tệ nhưng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là ông ta có hơn 100 người tình. Ngày 22/7/2016, ông ta qua đời trong tù vì bị ung thư dạ dày.

Năm 2008, tại một hội nghị tổ chức theo phương thức truyền hình trực tuyến về cái gọi là “công tác làm trong sạch bộ máy chính trị toàn quốc”, La Âm Quốc được nêu gương điển hình và đã trình bày “kinh nghiệm của thành phố Mậu Danh”, thời điểm đó giới truyền thông Mậu Danh đưa tin thành công của La Âm Quốc nhờ kiên định với “bốn tự tin”: tự tin bố trí công việc quan trọng, tự tin quan tâm vấn đề quan trọng, tự tin điều chỉnh những khâu trọng điểm, tự tin đốc thúc các trường hợp quan trọng.

La Âm Quốc từng đưa ra những nhận định “hùng hồn” trong khi bị điều tra: “Nếu cho rằng tôi là quan tham, xin nhấn mạnh rằng toàn quan trường ĐCSTQ là quan tham! Dựa vào đâu để xử lý tôi? Các người có bản lĩnh, dám thực sự giao phó cho tôi, chỉ trong  thời gian ngắn là tôi lật tung quan trường Mậu Danh lên!”

“Các người cho rằng tôi là quan tham, nhưng vấn đề là quan nào không tham, các người có thể cho tôi biết một kẻ nào đó có cấp bậc như tôi mà không phải quan tham không? Khắp mảnh đất Trung Quốc này, kẻ có cấp bậc như tôi, có ai không tham? Không phải là ĐCSTQ dùng kẻ hủ bại này đề bạt kẻ hủ bại khác sao? Chẳng phải là trong bộ máy ĐCSTQ, quan tham này điều tra quan tham khác, kẻ hủ bại này lên án kẻ hủ bại khác? Lẽ nào điều này tôi cũng phải nói thì các người mới biết?”

“Xét xử tôi, lẽ nào các người trong sạch? Trong các người ai dám vỗ ngực tuyên bố mình trong sạch, hãy nhìn vào bộ đồ của các người, điếu thuốc lá của các người, chiếc đồng hồ các người đeo, có thứ nào không đáng giá hàng chục đến hàng trăm ngàn, tiền lương của các người có đủ để các người mua được những thứ đó không?”

“Trong số cấp bậc tương đương tôi, đại đa số đều là quan tham, tại sao lại bắt tôi, muốn bắt tôi thì hãy bắt đầu từ các trưởng thôn làng, lên thẳng đến trưởng nước Trung Quốc, xem ai trong sạch hơn nào?”

Người ta nói rằng những phát biểu của La Âm Quốc khi đó đã gây chấn động cả Trung ương ĐCSTQ.

Từ những thông tin đăng tải công khai, trong giới quan tham “ngã ngựa”, những kẻ hiếm hoi dám phát biểu kiểu này còn có Tưởng Tôn Ngọc (Jiang Zunyu) là cựu Bí thư Chính pháp thành phố Thâm Quyến, bị  kết án tù chung thân ngày 28/8/2017 vì tham nhũng. Tháng 10/2017, tạp chí Tranh Minh tại Hồng Kông đưa tin, sau khi nghe tòa tuyên án, Tưởng Tôn Ngọc nổi cơn thịnh nộ quát: “Tôi phản đối, tôi kháng án”, “các cựu bí thư, thị trưởng của Thâm Quyến có ai trong sạch”…

Còn tạp chí Động Hướng tại Hồng Kông số tháng 5/2017 đưa tin, Lý Gia (Li Jia), cựu Bí thư thành phố Chu Hải và Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Quảng Đông, khi bị hỏi cung đã vỗ ngực: “Tôi hoàn toàn chấp nhận các cáo buộc, nhưng tôi nói thẳng các Phó Bí thư kiêm Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy hai khóa trước có ai trong sạch? Ai không dùng quyền lực kiếm sắc tình và kim tiền, không kéo kết bè phái?”

Thực trạng hủ bại của quan trường ĐCSTQ xưa nay đã được nhiều nhà bình luận nhận định là hủ bại mang tính hệ thống do thể chế, vì dưới chế độ một đảng độc tài, quan tham xuất hiện hết lớp này đến lớp khác, có bắt nhưng sao có thể bắt hết được. Tác giả Sử Đông (Shi Dong), bình luận viên của Đài phát thanh Á châu Tự do từng có bình luận rằng, hầu hết các quan chức ở mọi ngõ ngách trên đất được Trung Quốc đều sa đọa biến chất, hoàn toàn dị dạng từ tinh thần trách nhiệm đến đạo đức.

Trí Đạt

Xem thêm: