Biểu tình Hồng Kông đã trở thành tâm điểm chú ý của các phong trào dân chủ trên thế giới bởi rất nhiều lý do. Nhưng điểm cuốn hút nhất nằm ở chỗ: nó là một cuộc đối đầu kiểu “David và Goliath”. Một phong trào xã hội mạnh mẽ, với thành phần biểu tình là trí thức trẻ có văn hóa, lại có thể thai nghén và trưởng thành bên trong một quốc gia độc tài nhất thế giới. Phong trào ấy khiến chúng ta không khỏi khâm phục những con người trẻ tuổi, không vụ lợi, dám dấn thân vì nhân quyền, dám dũng cảm dẫn hướng tương lai của vùng đất Hồng Kông. Đồng thời, phong trào ấy cũng làm lộ rõ bản chất lưu manh xuyên suốt lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Biểu tình Hồng Kông và bản chất lưu manh xuyên suốt lịch sử ĐCSTQ
Người biểu tình Hồng Kông đeo mặt nạ, khẩu trang để đối phó với hơi cay của cảnh sát. (Ảnh: Getty Images)

Vào thời điểm lịch sử này, có một điều đặc biệt quan trọng chúng ta cần hiểu rõ là tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại hành động giống như những tên lưu manh vô lại. Vì sao đối mặt với những người trẻ tuổi đầy dũng khí trong biểu tình Hồng Kông, thì điều ĐCSTQ làm lại là cho cảnh sát cải trang thành người biểu tình, ném bom xăng, đổ tội và tạo cớ để kích động đàn áp?

Kỳ thực thủ đoạn kích động và đổ tội này không hề mới mẻ, xuyên suốt lịch sử của mình, ĐCSTQ đã sử dụng những thủ đoạn lưu manh tương tự một cách nhuần nhuyễn và thuần thục.

Ngay từ thời cải cách ruộng đất, để cướp đoạt tài sản của những người chủ sở hữu đất đai, ĐCSTQ đã làm giả tội danh cho những người nông dân giàu có và chủ đất. Khi họ bị đem ra đấu tố, cộng đồng sẽ được hỏi xem họ nên bị trừng phạt như thế nào. Một số đảng viên hoặc những người hoạt động cho ĐCSTQ đã được gài trong đám đông sẽ kích động hô: “Giết họ!”. Những người chủ sở hữu đất đai sau đó bị xử tử ngay tại chỗ.

Khi huy động quân đội vũ trang để đàn áp các sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ĐCSTQ tuyên truyền rằng “phong trào sinh viên là một hoạt động làm loạn”, là “phản cách mạng”, rằng sinh viên là những kẻ “côn đồ” đã đánh đập tàn nhẫn binh lính làm nhiệm vụ giới nghiêm. Bị kích động thù hận, những người lính Thiên An Môn năm đó đã xả súng vào các sinh viên tay không tấc sắt.

Để hợp thức hóa cuộc đàn áp Pháp Luân Công trước sự phản đối của người dân, ĐCSTQ đã dàn dựng một vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23/1/2001, trong đó tâm điểm là hình ảnh: một bà mẹ nổi lửa thiêu bản thân và thiêu con mình. Màn kịch này sau đó đã bị truyền thông quốc tế vạch trần, nhưng ở trong Trung Quốc, ĐCSTQ đã thành công sử dụng nó để kích động người dân Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công.

Nhìn lại lịch sử mấy chục năm qua, ĐCSTQ không chỉ áp dụng, mà còn dạy cho người dân những trò hề lưu manh với thủ đoạn bỉ ổi, vô nhân tính như: đặc vụ, mật báo, mách lẻo, tố giác, chỉ điểm, phản chiến, hai mặt, phân chia ranh giới, đại nghĩa diệt thân, vợ chồng phản nhau, cha con đấu đá nhau, hàng xóm thù hận nhau, thầy trò tương đấu, nghe lén nhau, v.v…

Thực chất, lưu manh là bản chất xuyên suốt lịch sử của ĐCSTQ. Mao Trạch Đông từng nói: “Lưu manh cặn bã là tầng lớp vứt đi của xã hội, nhưng trong cách mạng nông thôn, thì họ là dũng cảm nhất, triệt để nhất, kiên quyết nhất” (Mao 1927). Vô sản lưu manh là đội ngũ gia tăng bạo lực và duy trì chính quyền ở nông thôn cho ĐCSTQ vào thời kỳ đầu. Ban đầu ĐCSTQ tự nhận là “vô sản lưu manh”, nhưng đến thời Cách mạng Văn hoá, ĐCSTQ thảo luận rằng nghe thế khủng khiếp khó lọt tai, nên bỏ từ “lưu manh” đi, và tự nhận là người “vô sản”.

Để lợi dụng công nhân, ĐCSTQ tán dương họ thành “giai cấp tiên tiến nhất”, “chí công vô tư”, “giai cấp lãnh đạo”, “đội quân tiên phong của cách mạng vô sản”. Để lợi dụng nông dân, ĐCSTQ vuốt ve “không có bần nông thì không có cách mạng, đả kích nông dân là đả kích cách mạng” rồi hứa hẹn “dân cày có ruộng”. Đến lúc cần giai cấp địa chủ, tư sản, trí thức ủng hộ, ĐCSTQ thổi phồng họ lên thành “bạn đồng hành của cách mạng vô sản” rồi hứa hẹn một chế độ “dân chủ cộng hoà”. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp nguy cơ suýt bị Quốc Dân Đảng tiêu diệt, bèn hô hào “người Trung Quốc không hại người Trung Quốc”.

Kết quả là gì?

Kháng chiến Trung-Nhật vừa kết thúc, ĐCSTQ gom toàn lực lật đổ chính quyền Quốc Dân Đảng. Thành lập nước không lâu, ĐCSTQ lập tức phát động hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, tiêu diệt giai cấp trí thức, tư sản, biến công nhân và nông dân thành giai cấp vô sản triệt để, chẳng cho họ một chút sở hữu nào.

Các chính sách cải cách và mở cửa của ĐCSTQ sau thời kỳ trấn áp toàn diện thường được lấy ra làm minh chứng cho khả năng “sửa sai” của chế độ. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc mấy chục năm qua được ĐCSTQ lợi dụng để rao giảng “tính hợp pháp” của mình, bảo nhân dân phải biết ơn Đảng.

Tuy nhiên đây lại là một lý luận lưu manh khác. Trên thực tế, ĐCSTQ đã đứng ở bờ vực sụp đổ và buộc phải mở cửa, nới lỏng những gông cùm mà chính ĐCSTQ đặt lên nhân dân Trung Quốc. Sau cải cách, nhân dân Trung Quốc cần cù chịu khó đã cống hiến nguồn lực lao động khổng lồ, đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu kinh tế. Sự phát triển kinh tế này không có liên quan gì đến công lao của ĐCSTQ. Nếu đặt ở dưới một chế độ xã hội khác, với tiềm lực của Trung Quốc, kinh tế nước này sẽ còn phát triển nhanh chóng và lành mạnh hơn gấp nhiều lần. Còn kinh tế Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ lại là một nền kinh tế lệch lạc, phi đạo đức, phát triển bất chấp tài nguyên, bất chấp sinh mạng, bất chấp sở hữu trí tuệ.

Và khi người dân Trung Quốc ngây thơ tưởng rằng ĐCSTQ đã thay đổi, thì thực chất ĐCSTQ chưa bao giờ buông con dao đồ tể của mình.

Để kết thúc phong trào dân chủ, mà cụ thể là những cuộc biểu tình ngồi và tuyệt thực của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, ĐCSTQ đã viện đến bạo lực và điều quân đội vũ trang. Những học sinh tay không tấc sắt bị bắn gục và bị xe tăng giày xéo.

Để khẳng định sự thống trị tư tưởng, ĐCSTQ không cho phép người dân được tin theo bất cứ điều gì khác. Xuyên suốt các cuộc đàn áp tôn giáo tín ngưỡng, Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, ĐCSTQ đã dùng đến những thủ đoạn tàn ác và lưu manh nhất: tra tấn tình dục, thu hoạch nội tạng, v.v..

Trong lịch sử của mình, bất cứ khi nào ĐCSTQ phải đối đầu với những khủng hoảng, nó sẽ trình diễn một số dấu hiệu cải tiến, làm mê hoặc nhân dân, hình thành những ảo tưởng về ĐCSTQ. Nhưng không có trường hợp ngoại lệ nào cả, các ảo tưởng đều đã tan vỡ hết lần này đến lần khác.

Vì sao ĐCSTQ sợ hãi biểu tình Hồng Kông đến như vậy? Câu hỏi đó thực ra không khó trả lời. Trong lịch sử nhân loại, không có triều đại nào có thể tồn tại mãi mãi, và một triều đại càng độc tài bao nhiêu, càng lưu manh bao nhiêu, thì càng nhanh chóng bị lịch sử đào thải bấy nhiêu. Mọi nỗ lực của ĐCSTQ là nhằm che đậy một mục đích tuyệt vọng: duy trì quyền lực và lợi ích của tập đoàn chính trị độc tài.

Với sự sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu, không một ai, từ dân thường cho đến Tổng bí thư ĐCSTQ, còn tin vào những chuyện hoang đường của lý tưởng cũ. ĐCSTQ không thuận theo trào lưu lịch sử mà buông lưỡi dao đồ tể, ngược lại còn đang sử dụng những thủ đoạn lưu manh đã được hình thành và phát triển trong nhiều thập kỷ qua các cuộc vận động chính trị, hòng tìm kiếm tính hợp pháp và duy trì quyền lực đang chết của mình.

Sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu bắt đầu từ Ba Lan, không phải bởi súng đạn và bạo lực, mà bởi những cuộc đình công ôn hòa tại Ba Lan thời bấy giờ. Đứng trước phong trào xã hội mạnh mẽ của người dân, mà đại diện là công đoàn Đoàn Kết, chế độ từng phải ban bố thiết quân luật vào ngày 13/12/1981, dẫn đến hàng ngàn người hoạt động bị bắt, bị giam cầm, bị giết, sự tự do công dân bị hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên cũng chính thiết quân luật ấy đã khiến 850.000 đảng viên Ba Lan thất vọng và tuyên bố rút khỏi đảng cộng sản Ba Lan. Nhiều đảng viên công khai vứt bỏ sách của đảng để tham gia các cuộc đình công và biểu tình.

Biểu tình Hồng Kông và bản chất lưu manh xuyên suốt lịch sử ĐCSTQ
Người dân Berlin vui mừng trèo lên bức tường Berlin (biểu tượng của sự chia cắt do khối cộng sản Đông Âu mang đến) một ngày trước khi nó bị đập bỏ vào năm 1989.

Sự mất tín nhiệm mạnh mẽ của đảng cộng sản Ba Lan đã dẫn đến thỏa thuận 4/1989, cho phép một nửa Quốc hội và toàn bộ Thượng viện được bầu cử theo phương thức dân chủ. Cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 4/6/1989 tạo nên làn sóng chấn động trong giới chức cộng sản Ba Lan, các ứng cử viên của công đoàn Đoàn Kết thắng tất cả các ghế Quốc hội được dành cho cách bầu dân chủ, gồm có toàn bộ Thượng viện. Sự kiện này đã gây ra một hiệu ứng domino, khiến cho khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, và bức tường Berlin nổi tiếng bị phá dỡ.

Biểu tình Hồng Kông liệu có thể trở thành một quân domino tương tự?

Đường dẫn liên quan đã được cập nhật trong bài
Nguyễn Vĩnh

Tác giả gửi Trí Thức VN
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Xem thêm: