Khả năng phong tỏa thành phố và huy động các nguồn lực chỉ trong thời gian ngắn là một đặc trưng, nhưng cũng là một khiếm khuyết của hệ thống chính trị tập trung quyền lực của Bắc Kinh.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình. Ảnh từ Shutterstock.

ĐCSTQ từ lâu đã cho rằng hệ thống độc đảng với sự lãnh đạo tập trung đã giúp đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát nghèo và là hình mẫu quản trị hiệu quả nhất đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trước sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Trung Quốc đã cho thế giới thấy những cách thức hành động chưa từng xảy ra dưới các hình thức xã hội dân chủ, bao gồm việc phong tỏa nghiêm ngặt ngay lập tức thành phố 11 triệu dân Vũ Hán, rồi tiến tới mở rộng phong tỏa cả tỉnh Hồ Bắc với khoảng 60 triệu người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ca ngợi các biện pháp của Bắc Kinh, cho rằng những nỗ lực kiểm soát nạn dịch của Trung Quốc xứng đáng nhận được sự cảm ơn của cộng đồng quốc tế.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 1, và hết lời khen rằng “tốc độ của Trung Quốc, quy mô của Trung Quốc và hiệu quả của Trung Quốc… là một lợi thế của hệ thống quản trị của Trung Quốc.”

Người đứng đầu WHO sau đó đã phản bác lại các chỉ trích về những bình luận này, nói rằng Trung Quốc đã làm nhiều điều tốt để làm chậm sự lây lan của virus. Ông Tập cũng nói rằng ông tự tin ngăn chặn được nạn dịch bởi “sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng Cộng sản.”

Nếu cách thức tương tự được áp dụng tại bất kỳ một xã hội phương Tây, có lẽ sẽ dẫn đến bạo động và biểu tình của công chúng trên đường phố. 

“Ở phương Tây, sẽ rất khó khăn để đưa ra quyết định thực hiện như vậy, cả về mặt pháp lý và đạo đức,” ông Huang Yanzhong, một chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – một tổ chức tư vấn độc lập đặt tại New York cho biết, theo Inkstone.

Ông Huang nói qua việc này, ĐCSTQ đã thể hiện rõ ý tưởng của họ về mô hình chủ nghĩa xã hội.

“Đó là một quyết định từ trên xuống, và tất nhiên người dân Vũ Hán chưa bao giờ được hỏi ý kiến,” ông nói. “Các biện pháp nên được thực hiện sớm hơn nhưng tại thời điểm đó, dường như với họ nó là phương sách cuối cùng.”

Trung Quốc nỗ lực biến hình thành “nhà lãnh đạo toàn cầu” trong dịch corona

Những biện pháp hà khắc

Chỉ một ngày trước đêm giao thừa đón năm mới (23/1), ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất đối với người Trung Quốc, ông Tập Cận Bình ra quyết định phong thành Vũ Hán.

Quyết định được đột ngột đưa ra khiến người dân Trung Quốc bối rối, hoảng loạn và sợ hãi. Nhiều người đã cố tìm cách rời khỏi vùng phong tỏa chỉ vài giờ trước khi nó có hiệu lực.

Cùng với lệnh phong tỏa, là một loạt những biện pháp “thiết quân luật” cực đoan mà chính quyền ĐCSTQ đã sử dụng: khoá người dân ở trong nhà; trừng phạt bằng những biện pháp vô nhân tính với những người không đeo khẩu trang; cấm “tụ tập đông người” dù chỉ có 4-5 người đánh mạt chược trong nhà với nhau; bắt giữ những người quay video và tường thuật trực tiếp tại các điểm nóng để đảm bảo chỉ có nguồn thông tin ‘chính thống’ của Đảng được phép lan truyền; kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng; cắt Internet; và không cho phép bất kỳ phóng viên quốc tế nào vào hiện trường.

Mặc cho các biện pháp mạnh tay, dịch viêm phổi Vũ Hán đã lây lan ra khắp các tỉnh thành và ra hơn 100 quốc gia trên thế giới. WHO sau đó đã gọi quyết định đóng cửa của Trung Quốc là “anh hùng,” chỉ ra sự kiểm soát “chặt chẽ chưa từng có” của Trung Quốc đã ngăn chặn dịch bệnh. “Không quốc gia nào khác có thể huy động các nguồn lực và nhân lực với tốc độ như thế.”

Bình luận của WHO ám chỉ tới việc Trung Quốc đã xây dựng hai bệnh viện dã chiến với hơn 2.000 giường bệnh chỉ trong khoảng một tuần. Thành phố cũng trưng dụng các trường đại học, trung tâm hội nghị và trường trung học để làm 13 bệnh viện tạm thời. Ngoài ra, hơn 33.000 nhân viên y tế từ khắp đất nước cũng được điều đến tâm dịch.

Theo ông Huang, chính phủ không bị hạn chế như Trung Quốc có quyền lực rất lớn và có thể đưa ra ngay một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng. “Nó có thể xâm nhập đến tận đáy của xã hội, và như trong trường hợp kiểm soát việc sinh đẻ, đến tận phòng ngủ của người dân,” ông nói, ám chỉ việc áp dụng chính sách một con của Trung Quốc trong thập niên 70 để hạn chế gia tăng dân số.

Điều này có quan hệ mật thiết với việc chính quyền trung ương sử dụng các chính quyền ở cấp địa phương, rồi chính quyền địa phương sử dụng các tổ dân phố để thực thi các biện pháp kiểm soát, thậm chí đến mức kiểm tra chu kỳ kinh nguyệt của những phụ nữ hàng xóm để giám sát việc mang thai không báo cáo.

Trong dịch viêm phổi Vũ Hán, hệ thống này đã hoạt động tích cực. Các trạm kiểm soát được đặt tại lối ra vào của mỗi khu phố, các cán bộ phường đến đi kiểm tra từng hộ dân, đo nhiệt độ và báo cáo với cấp trên. 

Các biện pháp công nghệ cao cũng được đưa vào áp dụng. Ba mạng viễn thông nhà nước của Trung Quốc đã lưu hồ sơ về địa điểm và việc đi lại của từng thuê bao trong nước. Bất cứ ghi chép nào về lịch sử đi lại đến tỉnh Hồ Bắc sẽ được báo động. 

Các máy bay không người lái (drone) đã được chính quyền nhiều nơi sử dụng để kiểm tra nhiệt độ cơ thể người dân từ các ban công ở các khu chung cư phức hợp. Chúng thậm chí bay xung quanh để nhìn vào phòng khách các gia đình, xem liệu có việc tụ tập theo nhóm nào đang diễn ra không, bao gồm cả việc chơi mạt chược.

Che giấu việc đi du lịch gần đây đến Hồ Bắc cũng có thể bị trừng phạt nặng như là một mối nguy hiểm đến an ninh công cộng.

Ngày 23/2, một tháng sau lệnh phong toả Vũ Hãn, chính quyền Trung Quốc thông báo 20 tỉnh đã không còn ca nhiễm bệnh mới. Ngoài ra, 80% trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 95% trường hợp tử vong do virus đều ở tỉnh Hồ Bắc, ám chỉ các biện pháp phòng dịch của trung ương đã thành công.

Cái giá đắt khi tin vào những lời dối trá về dịch bệnh của ĐCSTQ

Vậy liệu những biện pháp hà khắc và cực đoan của chính quyền Trung Quốc có thể trở thành hình mẫu để áp dụng trên thế giới?

Câu trả lời có lẽ là không, bởi những đặc thù đó chỉ có thể áp dụng cho chính xã hội Trung Quốc với một quy mô dân số khổng lồ, phạm vi lây lan rộng khắp và thời gian thi hành ngay tức khắc như vậy. Đó cũng là vấn đề thể chế, bởi sẽ không thể thực thi những điều này đối với một quốc gia nơi quyền cá nhân, quyền tự do ngôn luận, quyền con người, và sự minh bạch thông tin được coi trọng.

Hệ thống độc quyền của ĐCSTQ bao gồm nhiều quan chức trong nhiều tầng lớp hành chính đợi lệnh để hành động. Khi một sự kiện bất ngờ giống như virus mới xuất hiện và gây ra nạn dịch ở cấp cơ sở tại Vũ Hán, nhiều dấu hiệu cho thấy khi các cơ quan y tế địa phương cảnh báo về mối đe dọa, hệ thống chính trị địa phương đã phong tỏa và thông tin đã bị che giấu. 

Trong bộ máy phân cấp cứng nhắc, các quan chức địa phương sẽ không muốn trở thành người mang “tin xấu” đến cho trung ương. Giữ gìn “sự ổn định chính trị” luôn là ưu tiên hàng đầu.

Trong tháng 1, khi sự bất mãn của công chúng đối với việc xử lý nạn dịch tăng lên, các câu hỏi bắt đầu được đặt ra tại sao việc cập nhật tình hình đã không được thông báo sớm hơn, buộc (cựu) thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng nói rằng ông cần sự chấp thuận từ các quan chức cấp cao hơn mới được thông báo.

>Nữ bác sĩ Vũ Hán bị quan chức “bịt miệng” khi cảnh báo sớm dịch bệnh

Nhiều nhà phân tích đã cho rằng đó là những vấn đề gây ra bởi một hệ thống quản trị tập trung ngày càng nặng nề dưới thời ông Tập, nơi sự trung thành chính trị được đánh giá cao hơn khả năng quản trị. Cấu trúc phân bổ quyền lực khiến các quan chức địa phương thiếu thẩm quyền cần thiết để đưa ra quyết định kịp thời, mà trong dịch bệnh lần này, lại là vấn đề sống còn của đất nước. Thói quen che đậy và ngăn chặn thông tin thay vì ra quyết định đã thường xuyên được lặp lại. 

Đó là khi những “người thổi còi” như bác sĩ Lý Văn Lượng bị cảnh sát cảnh cáo và buộc phải nhận tội đã “phát tán thông tin xuyên tạc” và “làm mất ổn định xã hội” khi anh này chỉ nhắn tin báo cho đồng nghiệp về dịch bệnh.

Khi cơn giận dữ của công chúng gia tăng, thì hệ thống kiểm duyệt trên mạng đã làm việc hết công suất để xoá bỏ những lời kêu gọi tự do ngôn luận hay phê phán chính phủ; đồng thời tung dư luận viên chửi bới những người dám nêu ý kiến trái chiều; còn các cơ quan truyền thông ra sức tuyên truyền các bài viết về những “tin tức ấm áp, cảm động”, ca ngợi chính quyền trung ương và tìm cách đổ lỗi cho chính quyền địa phương. 

Khi một hệ thống coi rẻ mạng người, khuyến khích việc che giấu thông tin, không hành động vì lợi ích chung, chối bỏ trách nhiệm, chà đạp quyền con người, đó sẽ không phải là một mẫu số đẹp để học hỏi. Và cho dù kết quả có đúng là Trung Quốc đã dập được dịch, thì cũng phải trả cái giá quá đắt bằng sinh mạng của hàng nghìn con người.

Gia Huy

Xem thêm: