Trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà xuất hiện nhiều tin đồn khác nhau về “tổng quản” tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Hỗ Ninh, kể cả thông tin bị mất chức vì có liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Trong khi bản thân ông Vương Hỗ Ninh đã ở trong trạng thái “mất tích” kể từ đầu tháng này. Phân tích tình hình gần đây có thể dẫn ra sáu tình trạng bất thường liên quan. 

Vương Hộ Ninh
Ông Vương Hỗ Ninh (Ảnh: Getty Images)

Sáu hiện tượng bất thường liên quan đến Vương Hỗ Ninh

Kể từ tháng Bảy, bầu không khí chính trị của ĐCSTQ đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Đầu tháng xảy ra vụ việc vảy mực vào hình chân dung ông Tập Cận Bình ở Thượng Hải, tiếp theo là nhiều chính quyền cơ sở nhận được thông báo khẩn yêu cầu gỡ bỏ những áp phích tuyên truyền có hình chân dung ông Tập Cận Bình ở nơi công cộng, dự án nghiên cứu “Đại học vấn Lương Gia Hà” buộc phải dừng lại (Lương Gia Hà được xem là ngôi làng tôn vinh ông Tập Cận Bình, là nơi xưa kia ông Tập bị bắt đến lao động khổ sai); các tổ chức học tập “nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình” hạ nhiệt bất thường. Sự cố hiếm thấy tại Đài Truyền hình Trung ương khi xuất hiện người mang đồ đen lao đến chặn ống kính máy quay, từng có thời điểm không thấy ông Tập Cận Bình trên các trang đầu của truyền thông nhà nước. Thậm chí còn có thông tin cho rằng các nguyên lão đã “ép cung” Tập Cận Bình, và “tổng quản” về tư tưởng Vương Hỗ Ninh bị mất chức vì phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.

Từ những thông tin đến từ Bắc Kinh cho thấy có thể ông Vương Hỗ Ninh phải đối mặt với ba trường hợp: thứ nhất là khả năng bị chỉnh đốn, nhưng không thông báo công khai đình chỉ chức vụ; thứ hai là về chức vụ Bí thư Thường trực Ban Bí thư Trung ương của Vương Hỗ Ninh, những công việc liên quan chức vụ này sẽ được giao cho sáu Bí thư Ban Bí thư còn lại thay nhau phụ trách; thứ ba là vấn đề tuyên truyền và ý thức hệ được tạm thời giao cho Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường.

Hệ thống chính trị đen tối của ĐCSTQ thường làm cho ngoại giới cảm thấy như luôn bao trùm trong không khí huyền bí. Nhưng các phân tích chỉ ra, khi trong nội bộ ĐCSTQ xảy ra vấn đề, mặc dù nhà cầm quyền có nỗ lực giữ bí mật như thế nào thì cũng vẫn còn nhiều điểm để lộ những dấu hiệu mà qua đó có thể cho phép suy đoán được tình hình.

Qua quan sát những thông tin của bộ máy tuyên truyền nhà nước Trung Quốc trong thời gian này cho thấy có ít nhất sáu hiện tượng bất thường liên quan Vương Hỗ Ninh:

Đầu tiên là khi bùng nổ những thông tin bất ổn về tình hình chính trị ở Trung Nam Hải trong tháng Bảy, ông Vương Hỗ Ninh đã “mất tích” hơn 22 ngày. Kể từ 06/7 sau khi Vương tham dự Hội nghị Ủy ban Trung ương về Cải cách sâu sắc toàn diện thì đến nay đã không thấy xuất hiện trước công chúng, đây là điều khác thường nếu nhìn vào những hoạt động sôi nổi của Vương sau khi vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19.

Thứ hai, từ ngày 3 – 4/7 Vương Hỗ Ninh tham dự Hội nghị Công tác tổ chức toàn quốc, nhưng không được phát biểu chỉ đạo giống như người đồng cấp khóa trước là Lưu Vân Sơn. Hội nghị lần này đích thân ông Tập Cận Bình tham dự phát biểu chỉ đạo.

Thứ ba, lần xuất hiện cuối của Vương Hỗ Ninh là ngày 06/7 tại Ủy ban Cải cách Sâu sắc toàn diện, Đài Truyền hình Trung ương phát sóng nhưng chỉ thông báo Vương Hỗ Ninh làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Sâu sắc toàn diện, mà không quay hình ảnh Vương Hỗ Ninh.

Thứ tư là ngày 12/7, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và các cơ quan nhà nước tổ chức cuộc họp xây dựng chính trị tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình làm hướng dẫn, Chánh Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường có tham dự hội nghị. Tuy nhiên bản thân người phụ trách công tác “xây dựng chính trị của Đảng” là ông Vương Hỗ Ninh lại không tham dự.

Thứ năm, chuyến viếng thăm nước ngoài lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong năm nay từ 19 – 28/7 tới khu vực Trung Đông và châu Phi, những người đi cùng ông Tập có Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng giao Ngoại giao Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị, và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển Hà Lập Phong. Trong quá khứ, hiếm khi ông Tập Cận Bình đi nước ngoài mà không có ông Vương Hỗ Ninh đi cùng.

Thứ sáu, trong thời gian ông Vương Hỗ Ninh “mất tích” đã xảy ra vụ việc điều chỉnh lãnh đạo tuyên truyền, theo đó ông Tưởng Kiến Quốc không còn giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Chính phủ. SCMP Hồng Kông phiên bản tiếng Anh cho biết, việc Tưởng Kiến Quốc bị cách chức có thể liên quan đến bộ máy tuyên truyền khoe khoang quá độ “Quá kiêu hùng, đất nước tôi!”, và vấn đề này phải có người chịu trách nhiệm. Trong thay đổi nhân sự này, thông tin cho rằng cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình thời ở Thượng Hải là Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin internet Từ Lân sẽ lên thay làm Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Chính phủ; một cán bộ cũ khác của ông Tập thời ở Phúc Kiến là Trang Vinh Văn (Zhuang Rongwen) Trưởng ban Truyền thông và Xuất bản Quốc gia kiêm Phó Ban Tuyên truyền Trung ương sẽ thay Từ Lân làm Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin internet; còn Phó Bí thư Ủy ban Công tác các cơ quan chính phủ Lương Ngôn Thuận (Liang Yan Shun) sẽ tiếp quản cương vị Trưởng ban Truyền thông và Xuất bản Quốc gia của Trang Vinh Văn.

Bí ẩn Vương Hỗ Ninh sẽ sớm có lời giải?

Ngay từ trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, có cơ quan truyền thông Đài Loan dẫn lời “người trong cuộc” ĐCSTQ cho biết, những người phe thực tế như Vương Kỳ Sơn, Lưu Hạc, Uông Dương hiểu rõ tiềm lực đất nước còn hạn chế, khó giành thắng lợi cuộc chiến thương mại này. Nhưng “các quan to làm công tác Đảng đi trên mây”“phe bảo thủ tâm địa khó lường” thì ủng hộ mạnh mẽ tình cảm chủ nghĩa dân tộc, cổ xúy cuộc chiến với Mỹ. Đối với “quan to làm công tác Đảng đi trên mây”, giới quan sát bên ngoài phổ biến cho là Vương Hỗ Ninh là nhân vật tiêu biểu nhất.

Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ nổ ra ngày 06/7, cùng ngày xuất hiện hiện tượng lạ khi nhiều quan chức Trung Quốc giấu tên thông qua tờ Hk01 tại Hồng Kông để phản ứng gay gắt về cuộc chiến thương mại, đề cập đến có người trong ban lãnh đạo tối cao trong Đảng đã hiểu sai quan điểm của ông Tập Cận Bình, chỉ đạo công tác tuyên truyền không đúng cách, qua đó nhấn mạnh rằng những người này là kẻ thù thực sự của ĐCSTQ. Nhiều quan điểm chỉ ra mũi dùi nhắm vào ở đây chính là người phụ trách bộ máy tuyên truyền Vương Hỗ Ninh.

Sau việc ông Tưởng Kiến Quốc bị cách chức như nêu trên, nếu tiếp tục có “thanh trừng” toàn bộ hoặc một phần ban lãnh đạo hệ thống tuyên truyền, cho thấy ông Tập Cận Bình thực sự rất không hài lòng đối với ông Vương Hỗ Ninh.

Ngoài ra, gần đây SCMP Hồng Kông còn dẫn nguồn tin khác chỉ ra, việc “túi khôn” Vương Hỗ Ninh phán đoán sai lầm nghiêm trọng về chính sách của Trump là một trong những lý do quan trọng khiến ĐCSTQ tiến thoái lưỡng nan trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Điều này thêm một lý do cho Bắc Kinh trong việc phải tìm được một người nào đó phụ trách cuộc chiến thương mại đang trong cảnh khó khăn.

Sau khi ông Vương Hỗ Ninh vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19 năm ngoái, giới quan sát đã tốn nhiều giấy mực bàn về “quốc sư ba thế hệ lãnh đạo” này. Vương bước vào con đường chính trị từ Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải, ban đầu nhờ ông Tăng Khánh Hồng (cựu Phó Chủ tịch nước) tiến cử cho lãnh đạo đương nhiệm khi đó là ông Giang Trạch Dân, rồi sau này lại làm việc cho ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Vậy thì cuối cùng Vương là người của ai? Việc trung thành với ân nhân cũ đầu tiên là lẽ thường!

Ông Vương Hỗ Ninh vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhưng lại không thay thế cả chức vụ mà trước đó ông Lưu Vân Sơn kiêm nhiệm: Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Chức vụ này do người bạn học cũ của ông Tập tại tại Đại học Thanh Hoa là Ủy viên Bộ Chính trị và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Hy (Chen Xi) kiêm nhiệm, như vậy cho thấy Vương Hỗ Ninh không hoàn toàn được Tập Cận Bình tín nhiệm.

Đối với tin đồn Vương Hỗ Ninh bị mất chức, thậm chí bị ném vào nhà tù Tần Thành, lý do vì có rất nhiều người so sánh Vương Hỗ Ninh với Trần Bá Đạt của thời đại Mao Trạch Đông. Năm 1966, ông Mao Trạch Đông cho thư ký Trần Bá Đạt vào Ban Thường vụ Trung ương. Nhưng như mọi người đều biết, sau khi ông Mao Trạch Đông lợi dụng triệt để Trần Bá Đạt đã tìm một tội danh không thể lý giải được và tống Trần Bá Đạt vào nhà tù.

Những tin đồn dù sao vẫn là tin đồn và còn quá sớm để khẳng định rằng Vương Hỗ Ninh bị hạ bệ. Tuy nhiên, việc Vương Hỗ Ninh “mất tích” thời gian dài vừa qua cho thấy khả năng xảy ra chuyện không hay đối với Vương tăng cao. Vì theo thông lệ thì Vương phải xuất hiện vào đầu tháng Tám.

Lý do chính là sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức có quy định vào đầu tháng Tám khi bắt đầu kỳ nghỉ Bắc Đới Hà thì người phụ trách tuyên truyền ý thức hệ phải có mặt trong ban phụ trách “thăm hỏi” đại biểu Bắc Đới Hà.

Như Tân Hoa xã Trung Quốc đưa tin ngày 09/8/2017, được ủy quyền của lãnh đạo Tập Cận Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư Ban Bí thư Trung ương Lưu Vân Sơn sẽ đi thăm hỏi các chuyên gia trong kỳ nghỉ hè Bắc Đới Hà.

Khi đó Reuters Mỹ đưa tin, thông tin chuyến thăm các chuyên gia kỳ nghỉ Bắc Đới Hà của ông Lưu Vân Sơn dường như ngụ ý rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đã triệu tập một cuộc họp ở Bắc Đới Hà.

Ngày 05/8/2016 truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin, được ủy nhiệm của Tập Cận Bình,  trong ngày Lưu Vân Sơn đi thăm hỏi các chuyên gia kỳ nghỉ hè ở Bắc Đới Hà. Điều này cũng được cho là gián tiếp phát tín hiệu Hội nghị Bắc Đới Hà đang được tổ chức.

Do đó, bí ẩn về “mất tích” của Vương Hỗ Ninh sẽ sớm có lời giải. Tất nhiên, sự xuất hiện của Vương Hỗ Ninh không có nghĩa là Vương bình an vô sự, nhưng nếu không xuất hiện thì màn sương mù sẽ nặng nề hơn, cho thấy Bắc Đới Hà thực sự có vấn đề nghiêm trọng.

Trịnh Trung Nguyên

Xem thêm: