Vụ bê bối vắc-xin giả của Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh (Changsheng Bio-Technology, Trung Quốc) mới đây đã khiến dư luận cũng như người dân Trung Quốc vô cùng bàng hoàng. Tuy nhiên, dư luận phát hiện, từ năm ngoái cơ quan chức năng đã biết vắc-xin DPT của Công ty Trường Sinh không đủ tiêu chuẩn, vậy mà sau gần 9 tháng mới công bố sự việc. Hãy nhìn lại những vấn đề trong vụ việc đặc biệt nguy hiểm này khiến nó trở thành điểm nóng công luận tại Trung Quốc hiện nay.

Embed from Getty Images

Ảnh minh họa từ Getty Images

Căn nguyên của vắc-xin giả

Tháng 11/2017, Tổng cục Quản lý giám sát Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc (cơ quan trước khi tái cơ cấu) công bố, theo kiểm kê đã phát hiện tổng cộng hơn 650.000 liều vắc-xin DPT thuộc hai công ty sản xuất vắc-xin của Trung Quốc không đủ chuẩn: Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) bị phát hiện 250.000 liều vắc-xin chủ yếu đưa về Sơn Đông; Công ty Sinh học Vũ Hán bị phát hiện 400.000 liều vắc-xin có vấn đề tại lô vắc-xin số 201.607.050-2, trong đó 190.000 liều đưa đến Trùng Khánh, 210.000 liều đưa đến Hà Bắc.

Vắc-xin 3 trong 1 (ho gà, bạch hầu, uốn ván, viết tắt: DPT) của Công ty Trường Sinh không đủ tiêu chuẩn là lô vắc-xin 201.605.014-01, được sử dụng chủ yếu cho trẻ em từ 6 tuần đến 3 tháng tuổi. Với 250.000 liều vắc-xin giả này đưa vào thị trường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến 250.000 gia đình?

Ngày 15/7 năm nay, Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc đã ra thông báo đề cập đến Công ty Trường Sinh vi phạm quy định trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh chó dại cho người, quá trình sản xuất cũng ghi chép số liệu giả tạo, vi phạm “Quy định về chất lượng sản xuất dược phẩm”.

Một vài ngày sau, Công ty Trường Sinh đã đưa ra một thông báo rằng, Cục Quản lý Dược phẩm tỉnh Cát Lâm không tịch thu 186 liều vắc-xin DPT lưu trữ trong kho, và đã phạt tiền khoảng 3,44 triệu nhân dân tệ.

Vì lý do trên, nhiều người đặt câu hỏi tại sao các nhà chức trách không thông báo rõ ràng, khẳng định thu hồi hết số vắc-xin tồn lại và tiền phạt là 3,34 triệu nhân dân tệ. Ngoài ra, năm ngoái Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tỉnh Cát Lâm đã lập án điều tra, tại sao sau 9 tháng mới công bố quyết định xử phạt? Và vì đâu vẫn chưa công bố tình hình thu hồi và hồ sơ sản xuất chi tiết vắc-xin?

Ban Tuyên truyền kiểm soát chặt chẽ ý kiến ​​công luận

Trên Đài RFA Mỹ, nạn nhân Vương Hải Lan (Wang HaiLan) thuộc thị trấn Tùy Quan Đồn huyện Vận Thành tỉnh Sơn Đông tiết lộ, năm 2010 con trai của chị sau khi tiêm vắc-xin của Công ty Trường Sinh đã bị tàn phế. Trong suốt 8 năm qua chị phải đi chữa trị cho con, tốn hết hơn 170.000 nhân dân tệ, chị đã phải lên tận Bắc Kinh để tìm kiếm công lý, nhưng nhiều lần bị cảnh sát giam giữ; tháng 08/2015 chị đã bị kết tội “gây rối trật tự”.

Một gia đình là nạn nhân vắc-xin giả tại hương Từ Câu, huyện Tương Thành, tỉnh Hà Nam cũng chịu cảnh tương tự. Người nhà nạn nhân là Vương Chấn Nga (Wang Zhen’E) cho biết, ngày 08/7/2015 cháu trai của bà sau khi tiêm vắc-xin DPT tại nơi tiêm phòng huyện Tương Thành và đã khóc liên tục suốt đêm hôm đó, vài ngày sau bắt đầu bị sốt và co giật. Sau khi qua trị liệu tại một số bệnh viện lớn, chẩn đoán bị chứng co thắt ở trẻ sơ sinh (infantile spasms), hội chứng chấn thương não tổng hợp, chậm phát triển tâm thần vận động, nhiễm cytomegalovirus, khi đó cháu chỉ mới sáu tháng tuổi.

Sau đó, người chị dâu của bà Vương Chấn Nga là Trương Đại Nga (Zhang Da’E) đã lên tận Bắc Kinh khiếu kiện, nhưng vào tháng Sáu năm nay bà lại bị tòa án huyện Tương Thành tỉnh Hà Nam kết án hai năm tù vì tội “gây rối trật tự”.

Vào năm ngoái, sau một số thông tin rò rỉ hạn chế về chuyện vắc-xin bẩn, một bloger thường chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ trên weixin có tên hiệu là “Cẩm nang nuôi dạy trẻ” đã công bố một bài viết giới thiệu những kiến ​​thức liên quan, nhưng bài viết đã nhanh chóng bị gỡ bỏ. Ngay sau đó tác giả đã thông báo cho biết, “’Cẩm nang nuôi dạy trẻ’ kiên trì lập trường chăm sóc trẻ tuân theo khoa học, quyết giữ tính chuyên nghiệp và thận trọng. Chúng tôi phải giữ uy tín của mình, phải xây dựng thương hiệu bằng từng câu chữ. Xin tuyên bố: Không phải bài viết của chúng tôi có vấn đề, mà là cơ quan chức năng không cho phép lên tiếng.”

Ngày 21/7, một người trong ngành truyền thông Trung Quốc mang bút danh “Thú Gia” cũng cho công bố điều tra “Vua vắc-xin”, qua đó chỉ ra “khả năng phi thường” của một số cổ đông kiểm soát Công ty Trường Sinh.

Nội dung điều tra có vạch ra thủ đoạn mà những người này có thể mua lại tài sản nhà nước và các xưởng sản xuất với giá rẻ mạt, và nhanh chóng chiếm một nửa thị trường sản xuất vắc-xin của Trung Quốc với tỷ suất lợi nhuận lên đến 80%; các cổ đông lớn của Công ty Trường Sinh có mức lương hàng tháng gấp nhiều lần so người lao động bình thường…

Đài VOA Mỹ đưa tin, hiện nay Ban Tuyên truyền của Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ sự cố vắc-xin giả, cấm các hoạt động điều tra độc lập và kiểm soát chặt thông tin trên mạng internet.

Ngày 22/7, có người sử dụng weixin tiết lộ, “Một số người dùng weixin trong vòng bạn bè có thảo luận qua về vấn đề vắc-xin này và đã ngay lập tức bị ‘hạn chế sử dụng’ khiến những người khác không thấy được thông tin mà họ chia sẻ, còn một người chia sẻ bài ‘vua vắc-xin’ thì bị ngăn không cho đăng nhập.”

Giới chức Trung Quốc lên tiếng

Một tuần sau khi vụ việc vắc-xin DPT bị phanh phui, vào ngày 22/7 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã ra thông báo rằng vụ việc đã được xác định rõ, doanh nghiệp làm giả hồ sơ sản xuất và hồ sơ kiểm nghiệm sản phẩm, tùy tiện sửa đổi các thông số công nghệ và thiết bị.

Vào khuya ngày 22/7, trang mạng Chính phủ Trung Quốc công bố, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chỉ đạo về sự kiện vắc-xin: “Sự kiện vắc-xin này đã phá vỡ ranh giới đạo đức, cần phải có câu trả lời rõ ràng cho người dân cả nước.”

Vào tối ngày 23/7 Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình yêu cầu điều tra đến cùng và có giải trình nghiêm túc.

Thế lực đứng sau Công ty Trường Sinh

Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông Hồng Kông và Đài Loan đã tiết lộ rằng Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh, nơi bùng nổ vụ bê bối vắc-xin, có thế lực đứng sau không đơn giản.

Trang Duowei News tại nước ngoài chỉ ra, sau khi phanh phui vấn đề sản xuất vắc-xin bẩn của Công ty Trường Sinh, nhiều người dùng mạng internet đã liên tục chia sẻ thông tin rằng họ phát hiện những thông tin và hình ảnh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và cựu Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang đã đến thăm công ty này đã bị xỏa bỏ sau vụ bê bối vắc-xin của công ty.

Giang Trạch Dân
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (giữa) từng thăm Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh năm 1995 (Ảnh từ internet)

Trong đó, thời điểm năm 1995 ông Giang Trạch Dân đến thăm kiểm tra đã viết tặng dòng chữ lưu niệm “Phát triển công nghệ cao để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia”, và chụp ảnh chung với sự lãnh đạo của công ty này.

Còn năm 1998, lúc đó ông Trương Đức Giang là Bí thư tỉnh Cát Lâm cũng đã đến thăm công ty Trường Sinh, trong chuyến thăm này ông Trương Đức Giang đã đặc biệt mặc vào bộ quần áo bảo hộ và ghé thăm dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, trong trang web chính thức của công ty này vẫn còn giữ lại hình ảnh viếng thăm của nhiều quan chức khác với những cấp bậc khác nhau.

Đài RFI của Pháp đã chỉ ra, sở dĩ vụ bê bối vắc-xin giả này bị làm ầm lên là vì có nhân viên cũ tức giận “vì bị điều chỉnh vị trí”, đã cố gắng đưa sự việc ra ánh sáng.

Trí Đạt

Xem thêm: