Ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc có thể đang thành sự thật: Những người dân ở đại lục bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tham gia vào cuộc biểu tình đòi tự do và dân chủ ở Hồng Kông. 

bãi khoá
Ngày 2/9/2019, giới sinh viên học sinh Hồng Kông tổ chức hoạt động bãi khoá, hưởng ứng kháng nghị việc chính phủ làm ngơ trước 5 yêu cầu lớn của người dân và cảnh sát dùng bạo lực trấn áp người biểu tình. Hình ảnh sinh viên học sinh tập trung tại Quảng trường Edinburgh ở trung tâm Hồng Kông. (Ảnh: Epoch Times)

Tờ Nhật báo Phố Wall tuần trước đưa tin “một nhóm nhỏ những người Trung Quốc đại lục đã tham gia vào các cuộc biểu tình, chấp nhận rủi ro không thể ngờ tới để bảo vệ một xã hội mà những quyền tự do nơi quê nhà họ không có”. 

“Hiểu biết của tôi rằng ‘một quốc gia, hai chế độ’ là một bộ cá ý tưởng sáng tạo. Nay những ý tưởng đó đang bị đe dọa”, một sinh viên cao học người Trung Quốc hiện sống tại Hồng Kông có họ là Chen nói với WSJ. 

Những người đại lục này cho biết họ trân trọng nền tự chủ của Hồng Kông không bị kiểm soát bởi Trung Quốc nên đã tham gia vào các cuộc diễn hành, ký đơn thỉnh nguyện và bảo vệ phong trào chống luật dẫn độ trên truyền thông xã hội. 

Sự tham gia của những người đến từ đại lục này cho thấy khả năng phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông có thể lan tới đại lục – điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc kinh sợ nhất, bất chấp các các chiêu trò dán nhãn người biểu tình là “phản quốc” của Bắc Kinh.

Chính quyền Trung Quốc cũng được báo cáo là cho rà soát chặt chẽ điện thoại của du khách từ Hồng Kông trở về đại lục để phát giác những người đã tham gia ủng hộ biểu tình. 

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), một người đàn ông Trung Quốc đại lục khác đã tham gia vào cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện đã bỏ trốn sang Đài Loan vì lo sợ sẽ bị Bắc Kinh trả thù nếu về nhà. 

Anh Zhang Wen, 47 tuổi, hiện đang phải ngủ trên vỉa hè Đài Bắc sau khi bỏ trốn khỏi một đoàn khách du lịch Trung Quốc. Anh nói với RFA: “Tôi chắc chắn không muốn quay lại Trung Quốc Đại lục vào lúc này … Vì thế tôi chỉ có 2 lựa chọn: Tôi có thể nộp đơn xin gia hạn visa ở đây, hoặc tôi nộp đơn xin tị nạn chính trị”. 

Đài Loan chưa có quy chế tị nạn chính trị nhưng đã chào đón nhiều nhà hoạt động dân chủ tới trú ngụ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. 

Zhang nói anh đã sang Hồng Kông nhiều lần vào tháng 6 và tháng 7 để tham gia vào các cuộc biểu tình. Anh cho rằng Bắc Kinh đã quay lại được cảnh anh cùng những người khác lao vào tòa nhà lập pháp Hồng Kông. 

“Rủi ro tôi sẽ bị bắt vì ủng hộ các cuộc biểu tình chống dẫn độ là rất cao”, Zhang nói. “Tôi chắc chắn sẽ bị bắt vì đã lao vào Tòa Nhà Lập Pháp, bởi vì có người đã bị câu lưu chỉ vì đăng lên mạng những lời ủng hộ phong trào chống luật dẫn độ”. 

Các cuộc biểu tình nổ ra từ khoảng 3 tháng trước và tiếp diễn không ngừng với cường độ ngày càng dữ dội sau khi chính phủ Hồng Kông giới thiệu dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hồng Kông về đại lục xét xử. Người biểu tình tố cáo đây là một bước tiến tiếp theo nhằm bóp nghẹt tự do và dân chủ của họ. 

Năm 1984, Anh Quốc và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trong đó Bắc Kinh cam kết sẽ cho Hồng Kông được hưởng 50 năm tự trị dưới nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, kết thúc vào năm 2049. 

Tuy nhiên, kể từ sau khi Trung Quốc nhận lại Hồng Kông vào năm 1997, người Hồng Kông ngày càng phẫn nộ với việc Bắc Kinh cố tình làm xói mòn các quyền tự do, dân chủ của họ. Năm 2014, dân Hồng Kông bị buộc phải bầu chọn Trưởng Đặc Khu từ một danh sách các ứng viên được Bắc Kinh tuyển chọn. Yêu cầu này đã làm nổ ra một cuộc biểu tình gây chấn động thành phố mang tên Phong Trào Dù Vàng. 

Tới năm nay, các cuộc biểu tình lại nổ lên với quy mô lớn hơn và tổ chức chặt chẽ hơn Dù Vàng 2014. Nay sau 3 tháng, biểu tình đã trở thành một phong trào chống dẫn độ với 5 yêu sách đòi Bắc Kinh và chính phủ bù nhìn của Hồng Kông phải thực hiện. 

Mặc dù dự luật dẫn độ đã chính thức bị hủy bỏ vào tối qua (4/9) bởi Trưởng Đặc Khu Carrie Lam, các lãnh đạo biểu tình vẫn chưa thỏa mãn và tiếp tục yêu cầu bà Lam thực hiện bốn yêu sách còn lại như điều tra bạo lực cảnh sát, thả người biểu tình bị bắt giam, cải tổ bầu cử thành phổ thông đầu phiếu và trả lại thanh danh cho người biểu tình. 

Theo Nhật Báo Phố Wall, số lượng người Trung Quốc đại lục ủng hộ phong trào biểu tình của dân Hồng Kông mới chỉ là con số rất ít và hầu hết người đại lục vẫn có ác cảm với người biểu tình do tuyên truyền cực đoan của Bắc Kinh, thậm chí có người còn tấn công người biểu tình. Chính phủ Trung Quốc mô tả người biểu tình Hồng Kông là những kẻ cực đoan bạo lực, gián điệp tay sai của Mỹ và các thế lực nước ngoài, cũng như cáo buộc Mỹ đứng đằng sau kích động. Một số người biểu tình Hồng Kông đã vẫy quốc kỳ của Mỹ như một biểu tượng của tự do. 

Đức Trí

Xem thêm: