Quan chức Canada xác nhận, Mỹ sẽ chính thức yêu cầu dẫn độ Mạnh Vãn Châu. Theo lịch trình, phía Mỹ sẽ đưa ra yêu cầu dẫn độ trước khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Mỹ để đàm phán thương mại. Truyền thông Hồng Kông cho biết, sự việc có thể đang đi theo hướng kết cục xấu nhất mà Trung Quốc dự liệu. Còn truyền thông Mỹ đưa tin, các giới của Mỹ không có quá nhiều mong chờ vào đàm phán thương mại vòng tiếp theo. 

mạnh vãn châu
Ảnh từ internet

Hôm thứ Hai (21/1), Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton đã chia sẻ với báo giới rằng, Mỹ đã thông báo cho Canada về việc sẽ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu.

Báo Hồng Kông: Bắc Kinh đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Sau khi Canada tạm giữ bà Mạnh Vãn Châu, tài khoản mạng xã hội thuộc tờ Nhân dân Nhật báo của chính quyền Trung Quốc đã suy diễn 3 kết cục có thể xảy ra: (1) Canada thả người; (2) Canada dẫn độ, Mỹ thả người; (3) Canada dẫn độ, Mỹ sẽ xử tội nặng.

Ngày 22/1, truyền thông Hồng Kông có bài bình luận chỉ ra, sự việc đang tiếp tục phát triển theo hướng kết cục xấu nhất.

Trước tiên, Canada phê chuẩn việc bảo lãnh vụ án Mạnh Vãn Châu vô cùng nghiêm ngặt, đồng thời đề phòng nghiêm ngặt việc Mạnh Vãn Châu bỏ trốn, điều này cho thấy Canada không có ý thả người; hơn nữa sự độc lập của Tư pháp và nền chính trị của Canada rất khó để người khác có thể thao túng.

Cũng như vậy, hệ thống Tư pháp của Mỹ cũng là độc lập, quyền lực của Tổng thống không thể tùy tiện can dự vào. Hơn nữa Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu tội lừa đảo là có chứng cứ đầy đủ và rõ ràng, một khi dẫn độ thành công, sẽ không có quá nhiều khả năng tòa án Mỹ sẽ thả người hoặc xử nhẹ.

Bài viết dẫn lời của một nhân sĩ am hiểu về luật pháp cho biết, bà Mạnh Vãn Châu sẽ đối mặt với cáo buộc đồng mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính, mỗi một cáo buộc cao nhất có thể bị xử 30 năm tù. Ngoài ra, bà Mạnh Vãn Châu còn bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm của Mỹ, tiến hành giao dịch phi pháp với Iran, mức phạt cao nhất có thể là 20 năm tù và bị phạt 1 triệu Đô la Mỹ.

Theo bài viết, một khi Mạnh Vãn Châu bị xét xử tại Mỹ, sẽ không thể tiếp tục đảm nhận chức Giám đốc Tài chính của Huawei nữa, đây sẽ là đòn nặng giáng vào Huawei. Một khi bà Mạnh bị định tội, cũng sẽ làm tăng thêm sự cảnh giác của các nước phương Tây đối với Huawei, ảnh hưởng đến thị trường nước ngoài của Huawei. Dù bà Mạnh không lập tức bị định tội nặng đi nữa, thì vụ án này cũng sẽ bị kéo dài, tiếp tục xung kích đến mối quan hệ hai nước Trung – Mỹ.

Mỹ yêu cầu dẫn độ đúng thời điểm Phó Thủ tướng Lưu Hạc thăm Mỹ

Theo trình tự, thời hạn cuối cùng để Mỹ đưa ra yêu cầu dẫn độ là ngày 30/1. Trong khi đó, Trung Quốc đã công bố thông tin Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ thăm Mỹ từ ngày 30 – 31/1 để tiếp tục đàm phán thương mại.

Có phân tích chỉ ra, yêu cầu dẫn độ của Mỹ có thể sẽ tạo thành ảnh hưởng tới đàm phán thương mại. Tuy nhiên, trước đó, quan chức Mỹ đều ám chỉ rằng, cần tách riêng sự kiện Mạnh Vãn Châu và đàm phán thương mại. Thực tế, từ ngày 1/12/2018, Mạnh Vãn Châu bị bắt, về cơ bản, Trung Quốc đều trả đũa nhắm vào Canada, chứ không hề gây áp lực cho Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đang ở tình thế xấu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nên trong thời diểm đang toàn lực tìm cách hòa hoãn quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc không muốn gây thêm rắc rối với Mỹ.  

Báo Mỹ: Chính giới Mỹ không có quá nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán thương mại tiếp theo

Thời báo New York Times dẫn lời của quan chức từng tham gia đàm phán cho biết, vòng đàm phán thương mại quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối tuần sau, tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, Trung Quốc sẽ không tiến hành cải cách sâu về kinh tế, để dung nạp vào hiệp định thương mại toàn diện mà Mỹ muốn.

Bản tin cho biết, do đó phía Mỹ không có quá nhiều kỳ vọng vào kết quả vòng đàm phán tiếp theo này.

Ông Michael Pillsbury, Cố vấn chính phủ Mỹ, học giả về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Hudson cho biết, đàm phán thương mại Trung – Mỹ vẫn còn một số ẩn số quan trọng, nó cho thấy “chúng ta còn cách rất xa để để đi tới một hiệp định”.

Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đàm phán với Trung Quốc vẫn đang trong quá trình diễn ra, khoảng cách đến đích vẫn còn rất xa.

Charles E. Grassley, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Iowa kiêm Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện tiết lộ rằng, ông Robert Lighthizer – đại diện thương mại Mỹ dẫn đầu vòng đàm phán, nói với ông rằng trong cuộc đàm phán thương mại ở Bắc Kinh hồi đầu tháng này, không có tiến triển về việc Trung Quốc thực hiện cải cách mang tính kết cấu.

Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ ở châu Á cho biết: “Tôi khó có thể tin rằng điều này sẽ được giải quyết thỏa đáng vào tháng 3”.

Theo cam kết trước đó, hai nước có thời gian 90 ngày để đàm phán về vấn đề cải cách thương mại của Trung Quốc, nếu trước ngày 2/3 mà không đạt được thỏa thuận nào, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục nâng mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có tổng trị giá 200 tỷ Đô la Mỹ.

Hiện tại, phía Trung Quốc đã khôi phục lại hoạt động mua đậu tương và dầu mỏ từ Mỹ, vẫn như nhiều vòng đàm phán trước đó, Trung Quốc tiếp tục đề xuất mua hàng hóa Mỹ với quy mô lớn. Về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, Trung Quốc lại chế định luật pháp mà không thể đảm bảo rằng tương lại liệu nước này có chấp hành hay không.

Tuy nhiên, về vấn đề cải cách mang tính kết cấu, trong đó có cưỡng chế chuyển giao công nghệ, dừng trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, v.v, Trung Quốc vẫn chưa có hành động thực chất nào. Ngược lại, cuối năm ngoái (2018), Bắc Kinh công khai cho biết, “những gì không thể cải cách thì kiên quyết không cải”.

Huệ Anh

Xem thêm: