Đông đảo người dân Hồng Kông đang bất chấp mạng sống để bảo vệ tự do và pháp trị, vạch trần thủ đoạn tàn bạo của ĐCSTQ. Có lẽ họ không ngờ bàn tay đen của ĐCSTQ cũng đã thao túng và kiểm duyệt nhiều ứng dụng di động cũng như trò chơi trực tuyến.

dieuhanh
Hình ảnh diễu hành tại khu Kim Chung (Admiralty) Hồng Kông vào ngày 1/10/2019 (Ảnh: Epoch Times)

Gần đây công ty truyền thông và phát thanh CBS của Mỹ đã liệt kê một số ứng dụng di động (APP) và trò chơi video trực tuyến liên quan đến các vấn đề như hệ thống kiểm duyệt và quyền riêng tư dữ liệu, vấn đề lại gây chú ý vì liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bài viết của CBS cũng chỉ ra, do những tranh cãi gần đây liên quan đến Apple và công ty trò chơi điện tử và phim ảnh Activision Blizzard đã khiến nhiều người nhận thức rõ hơn rằng, chỉ nghĩ đến cơ hội tham gia cạnh tranh trong thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc có thể khiến các công ty Mỹ rơi vào cảnh khốn khó trên toàn cầu. Xung đột giữa những người biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông và ĐCSTQ cũng trở thành liều thuốc thử cho hành vi của một số công ty: khi xảy ra xung đột giữa lợi ích kinh tế của công ty và vấn đề tự do ngôn luận thì công ty ưu tiên cho vấn đề gì?

Dưới đây là một số ứng dụng và trò chơi video trực tuyến được CBS liệt kê, cho thấy bàn tay đen của ĐCSTQ:

HKmap.live

Sau khi truyền thông của ĐCSTQ cáo buộc công ty Apple có “hành vi bất hợp pháp” trợ giúp người biểu tình Hồng Kông, ngày 10/10 công ty Apple đã loại bỏ khỏi cửa hàng trực tuyến ứng dụng điện thoại thông minh bản đồ thời gian thực tại Hồng Kông (HKmap.live). Đây là ứng dụng có thể giúp người biểu tình theo dõi động thái của cảnh sát Hồng Kông nên bị ĐCSTQ chỉ trích là đã giúp đỡ “những kẻ côn đồ”.

Các nhà phát triển bản đồ này cho biết, hành vi gỡ bỏ ứng dụng này của Apple là tiếp tay cho ĐCSTQ đàn áp nhân quyền và tự do. Nhưng hãng Apple cho biết ứng dụng này vi phạm luật pháp địa phương và nguyên tắc riêng của Apple.

Tuy nhiên theo phân tích của CBS, Apple có mối quan hệ kinh doanh lớn tại Trung Quốc, gần như tất cả các thiết bị iPhone, Pad và Mac được sản xuất tại Trung Quốc. Công ty này dựa vào thị trường tiêu dùng lớn của Trung Quốc để thu về gần 1/5 số doanh thu của họ.

Năm ngoái, một mình Trung Quốc đã mang lại 52 tỷ USD (Đô la Mỹ) cho gã khổng lồ công nghệ Apple, còn tổng doanh thu toàn cầu của Apple đạt 266 tỷ USD. CEO Tim Cook của Apple cũng cho biết cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của công ty.

Revolution of Our Times

Ngày 8/10, Google đã xóa một trò chơi di động khỏi cửa hàng trực tuyến của mình với lý do “sự kiện nhạy cảm vi phạm chính sách nhà hoạch định”. Trò chơi này được gọi là “Cách mạng thời đại” (Revolution of Our Times), cho phép người dùng Android đóng vai trò là người biểu tình ở Hồng Kông. Theo thông tin của hãng tin Hồng Kông Free Press, 80% doanh thu của trò chơi sẽ được tặng cho quỹ Spark Alliance, là quỹ pháp lý dành cho những người biểu tình đã bị bắt.

Ngày 10/10, blog tài chính ZeroHedge tại Mỹ công bố một bài viết chế giễu Google là “công ty Mỹ mới nhất sẵn sàng đáp ứng Trung Quốc (ĐCSTQ) để loại bỏ bất kỳ yêu cầu gỡ bỏ nội dung nào, trong đó bao gồm nội dung hỗ trợ cho những người biểu tình vì dân chủ Hồng Kông.”

Mặc dù vào năm 2010 Google đã rút khỏi Trung Quốc các dịch vụ như Gmail và Youtube. Nhưng năm ngoái có thông tin chỉ ra, bắt đầu vào năm 2017 Google đã nghiên cứu phát triển công cụ tìm kiếm “phiên bản kiểm duyệt” tại thị trường Trung Quốc, đó là “Dự án Chuồn chuồn” (Project Dragonfly), hồi tháng 10 năm ngoái Google cũng lần đầu tiên công khai thừa nhận kế hoạch vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ.

Năm ngoái, doanh thu bán hàng của Google trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 21 tỷ USD, tổng doanh thu trên toàn thế giới của công ty mẹ Google là Alphabet vào khoảng 137 tỷ USD.

Heartstone

Gần đây, công ty trò chơi điện tử và phim ảnh Activision Blizzard tại Mỹ đã bị chỉ trích gay gắt, vì công ty con của công ty này là Blizzard Entertainment đã phạt một người chơi đến từ Hồng Kông, nguyên nhân vì trong cuộc phỏng vấn sau khi giành chiến thắng trong chơi trò Heartstone, ngôi sao thể thao điện tử Hồng Kông này đã lên tiếng ủng hộ dân chủ Hồng Kông.

Cộng đồng chơi game trực tuyến đã kêu gọi tẩy chay Blizzard, các nhà phê bình cáo buộc Activision Blizzard ưu tiên xây dựng quan hệ làm ăn với Trung Quốc cao hơn giá trị của tự do ngôn luận. Vốn dĩ gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc sở hữu gần 5% cổ phần của Activision Blizzard.

Activision Blizzard có ba công ty con: Activision, Blizzard Entertainment và King Digital Entertainment, trong đó có sở hữu một số trò chơi điện  tử trực tuyến phổ biến nhất trên thế giới như “Sứ mệnh vẫy gọi” (Call of Duty) và “Kẹo nghiền” (Candy Crush).

Khi phát biểu, ngôi sao chơi game Hồng Kông cho biết, trò chơi rẻ tiền Call of Duty của Activision tìm kiếm sự chấp thuận của ĐCSTQ.

Thị trường trò chơi trực tuyến ở Trung Quốc rất lớn. Theo dự báo của công ty phân tích trò chơi Newzoo, năm nay thị trường Trung Quốc sẽ mang về doanh thu 36,5 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ với 36,9 tỷ USD.

League of Legends

Trò chơi video đấu trường trận chiến trực tuyến “Liên minh huyền thoại” (League of Legends) do công ty Riot Games phát triển, công ty này hoàn toàn thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Tencent Trung Quốc. Sau tranh cãi liên quan đến công ty Blizzard, gần đây tổng bộ Riot Games ở Tây Los Angeles – California đã yêu cầu người phụ trách mục thể thao và vận động viên tránh “chủ đề nhạy cảm” trong thi đấu.

Người phụ trách toàn cầu của đấu trường trực tuyến “Liên minh huyền thoại” là John Needham công bố trên Twitter của “Liên minh huyền thoại”: “Những chủ đề thường vô cùng tinh tế, đòi hỏi vốn hiểu biết sâu sắc và biết lắng nghe, còn diễn đàn trực tuyến mà chúng tôi cung cấp không thể phản ánh một cách công bằng những điều này.”

Hôm 13/10 trang tin Hồng Kông 01 (Hk01) đưa tin rằng, do Riot Games là công ty con do Tencent nắm giữ 100% cổ phần, vì vậy giới quan sát bên ngoài nhất trí cho rằng có thể xem tuyên bố của Needham như khuyến cáo, cảnh báo.

Fortnite

Tencent cũng sở hữu 48% cổ phần của Epic Games, công ty phát triển trò chơi Fortnite nổi tiếng. Sau khi Blizzard trừng phạt người chơi, Giám đốc điều hành của Epic Games là Tim Sweeney công bố trên Twitter rằng, công ty sẽ không bao giờ trừng phạt người chơi vì phát biểu về chính trị. Sweeney viết: “Là người sáng lập, CEO và cổ đông kiểm soát, điều này sẽ không bao giờ xảy ra.”

Phát ngôn viên công ty này trả lời trang web truyền thông công nghệ The Verge (Mỹ): “Epic ủng hộ mọi người quyền bày tỏ quan điểm về vấn đề chính trị và nhân quyền. Chúng tôi sẽ không cấm hoặc trừng phạt người chơi hoặc sáng tạo nội dung của Fortnite liên quan đến những phát ngôn này.”

TikTok

Cách đây hơn một năm, ứng dụng tuổi teen nổi tiếng Trung Quốc là TikTok đã được ra mắt tại Mỹ. Công ty mẹ ByteDance của TikTok hiện là công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất thế giới, trị giá 75 tỷ USD.

Nhưng các nền tảng truyền thông xã hội đang ngày càng được giới lập pháp Mỹ xem xét cẩn trọng. Tháng Chín năm nay Washington Post đưa tin, dường như TikTok kiểm duyệt hoạt động biểu tình tại Hồng Kông, so với tìm kiếm trên Twitter hay Instagram thì kết quả tìm kiếm về “Hồng Kông” trên nền tảng này rất ít.

Đầu tháng Mười, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của phe Cộng hòa đã kêu gọi Ủy ban về Đầu tư nước ngoài (CFIUS) của Mỹ điều tra chuyện sáp nhập TikTok và Musical.ly hồi năm 2017. Rubio đã viết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy TikTok, bao gồm cả nền tảng cho thị trường phương Tây cũng như Mỹ, làm theo chỉ đạo của ĐCSTQ để kiểm duyệt nội dung.”

Xuexi Qiangguo

Khi cộng đồng quốc tế đồng loạt chống lại vấn đề kiểm duyệt, ĐCSTQ đã nghĩ cách tận dụng công nghệ để phục vụ hoạt động tẩy não người dân Đại Lục. Bài báo của CBS chỉ ra năm nay có một ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc mà có thể rất nhiều người nước ngoài chưa từng biết đến.

Theo báo cáo mới nhất của công ty an ninh mạng Cure 53 của Đức,  kể từ khi phát hành hồi tháng Giêng năm nay, ứng dụng “Học tập cường quốc” (Xuexi Qiangguo) đã có 1 triệu lượt tải. Cure 53 cũng phát hiện ứng dụng do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba hợp tác cùng Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ phát triển của này có backdoor.

Washington Post cho biết ứng dụng này đã được các quan chức của ĐCSTQ sử dụng, cũng được sử dụng tại nhiều tổ chức trên khắp Đại Lục. Điều này tạo thế tương ứng “cuốn sách nhỏ màu đỏ” của Mao Trạch Đông, nhằm khuyến khích các Đảng viên học các nguyên tắc của Đảng Cộng sản.

Có nhà bình luận chỉ ra rằng, theo yêu cầu của Ban Tuyên truyền Trung ương, Đảng viên ĐCSTQ phải tải về và đọc App này theo định kỳ. Ngoài ra, yêu cầu tương tự cùng dành cho các công chức, nhân viên doanh nghiệp nhà nước và giáo viên trường công, thậm chí một số người không phải là Đảng viên cũng nằm trong yêu cầu. App “Học tập cường quốc” là công cụ mới tẩy não của ĐCSTQ trong kỷ nguyên điện thoại di động thông minh.

Tuyết Mai

Xem thêm: