Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Epoch Times vào ngày 27/2, ông Chen, một bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân viêm phổi do virus corona chủng mới, đã kể về những điều ông vừa trải qua và chứng kiến tại Ngạc Châu, thành phố cách Vũ Hán khoảng 80km về phía đông. Cả hai thành phố đều ở tỉnh Hồ Bắc.

shutterstock 1654970647
Bác sĩ trong giờ nghỉ ở Vũ Hán (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Chen, một trong những bác sĩ điều trị cho các số bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nhất ở Ngạc Châu, cho biết ông nhận thức được những rủi ro khi được chuyển lên làm việc tại tuyến đầu của bệnh viện.

Ông nói: “Sau khi tôi nhận được nhiệm vụ, tôi cũng sợ bị nhiễm bệnh và thậm chí là chết. Tôi đã lo lắng rằng tôi sẽ không thể về nhà được.”

“Có rất nhiều người chết. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch là khoảng 80% và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng là 20%.” 

Là một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, bác sĩ Chen đã được phái từ một tỉnh khác đến Bệnh viện trung tâm Ngạc Châu vào tháng 2 để giúp điều trị số lượng lớn bệnh nhân COVID-19.

Chính quyền Trung Quốc đã cấm nhân viên y tế tiến hành phỏng vấn truyền thông. Để bảo vệ danh tính của ông Chen, báo Epoch Times không ghi rõ tên đầy đủ và quê hương của ông Chen.

Tình hình ở Ngạc Châu

Ông Chen đã nhận được một thông báo bất ngờ từ nơi làm việc của mình vào đầu tháng Hai, “Chúng ta sẽ khởi hành đến Hồ Bắc trong ba tiếng rưỡi.”

Ngạc Châu là một thành phố với khoảng 1,03 triệu dân. Vào ngày 23/1, chính quyền Ngạc Châu và Vũ Hán đã tuyên bố phong tỏa thành phố, cấm tất cả các phương tiện giao thông công cộng và giao thông trên đường nhằm giảm khả năng virus lây lan. 

Ông Chen cho biết: “Khoảng 700 đến 800 nhân viên y tế đã đến Ngạc Châu từ các tỉnh thành khác để giúp điều trị bệnh nhân, nâng tổng số nhân viên y tế trong thành phố lên khoảng 3.500. Nhưng thế vẫn chưa đủ, chúng tôi cần thêm nhân viên y tế. Có rất nhiều bệnh nhân”.

Bệnh viện nơi ông Chen đang làm việc chỉ điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch. Hiện có hơn 300 bệnh nhân nhập viện, trong đó có hơn 40 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. 

Trung Quốc: Thực phẩm cứu trợ bị chính quyền đánh cắp hoặc để thối trong kho

Theo thông tin mà bác sĩ Chen nhận được từ các quan chức bệnh viện và bác sĩ địa phương, còn khoảng từ 700 đến 800 bệnh nhân nhiễm COVID-19 khác trong tình trạng nhẹ và trung bình đang được điều trị tại các bệnh viện khác ở Ngạc Châu.

Chính quyền thành phố cũng đã phê duyệt và bắt đầu xây dựng một bệnh viện mới, được gọi là Bệnh viện Lôi Thần Ngạc Châu, để đối phó với dịch bệnh hiện nay. Bệnh viện mới dự kiến có khoảng 772 giường bệnh, trong đó hơn 200 giường đã hoàn thiện.

Ông Chen cho hay bệnh viện mới sẽ điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng vừa và nhẹ. Tuy nhiên hiện tại ở Ngạc Châu đang thiếu rất nhiều vật tư y tế, bao gồm cả bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính bảo hộ và chất khử trùng. 

Điều kiện khó khăn

Tại bệnh viện ông Chen đang làm đã có khoảng 70 nhân viên y tế nhiễm virus khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Ông Chen nói: “Vào lúc bắt đầu bùng phát dịch, một số lượng lớn bệnh nhân đã tới tại bệnh viện. Nhân viên y tế địa phương không có đủ bộ đồ bảo vệ, vì vậy hầu như tất cả mọi người đều tiếp xúc với một biển virus corona.”

Ông nghe nói rằng hàng ngàn nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán. Nhiều người khác nằm trong những trường hợp nghi ngờ, hoặc có kết quả chụp CT cho thấy có chất lỏng trong phổi – một triệu chứng của COVID-19, nhưng khi xét nghiệm lại đã trở lại âm tính. Một số người đã chết.

Bác sĩ Chen cho biết khối lượng công việc cực kỳ nặng đã tạo ra vô số thách thức cho nhân viên y tế.

“Những bộ quần áo bảo hộ kín như bưng làm chúng tôi đổ mồ hôi bên trong khi mặc chúng. Ngoài ra, chúng tôi không thể ăn, uống hoặc đi vệ sinh trong khi làm việc.”

Ông Chen kể các nhân viên y tế không thể cởi bỏ bộ đồ bảo vệ trước khi hết ca, vì chúng chỉ được dùng một lần. Do thiếu nguồn cung cấp, mỗi người chỉ có 1 bộ/ngày, nên để tránh phải đi vệ sinh, họ ăn và uống rất ít trước khi làm việc.

“Về cơ bản, ngay cả một người mạnh mẽ cũng sẽ kiệt sức sau ca làm việc kéo dài sáu tiếng đồng hồ”, ông Chen nói.

Trước khi ông Chen và các đồng nghiệp của ông được phái đến hỗ trợ Ngạc Châu, tình hình ở đây còn tồi tệ hơn.

“Những nhân viên y tế địa phương phải làm việc 12 giờ mỗi ngày trong thời gian đầu bùng phát dịch”, ông Chen nói.

Nhưng với ông, điều khó khăn nhất là nhìn thấy các bệnh nhân phải chịu đựng bệnh tật giày vò.

“Nhìn thấy các bệnh nhân chết từng người từng người một trong khi chúng tôi không thể điều trị hiệu quả… Mỗi ngày làm việc kết thúc, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng đau buồn.” 

Ngân Hà (theo The Epoch Times)

Xem thêm: