Ngày 13/9 Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) thông báo từ chối thương vụ thu mua có giá trị 31,6 tỷ bảng Anh của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEx). Có nghi ngờ cho rằng Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng cũng như kiểm soát lĩnh vực tài chính quốc tế thông qua HKEx.

HKEX
Ngày 13/9, Sở giao dịch chứng khoán London đã thông báo từ chối thương vụ của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. (Ảnh: Shutterstock)

LSE từ chối đề nghị thu mua của HKEx

Ngày 13/9, trên trang trực tuyến của LSE đã ra thông báo cho biết, Hội đồng quản trị của LSE nhất trí từ chối lời đề nghị thu mua của HKEx. LSE cho rằng không cần thiết phải tăng cường thêm liên kết với HKEx nên đã thống nhất bác bỏ đề nghị của HKEx.

Theo thông tin, hôm 11/9, HKEx đã đề nghị chi số tiền là 31,6 tỷ bảng Anh nhằm mục đích hợp nhất giữa HKEx và LSE. HKEx cho rằng, đề xuất sáp nhập với LSE là một cơ hội chiến lược lớn có lợi cho cả hai bên, thương vụ có thể giúp hình thành cơ sở hạ tầng tài chính hàng đầu toàn cầu.

Theo điều khoản của giao dịch, mỗi cổ phần của cổ đông LSE tương ứng  tương ứng với 20,45 bảng Anh và 2,495 cổ phiếu của HKEx mới phát hành, như vậy giao dịch cho thấy giá trị mỗi cổ phiếu của LSE vào khoảng 83,61 bảng Anh, báo giá của HKEx cho LSE cao hơn 22,9% so với giá cổ phiếu của LSE vào ngày 10/9.

Theo HKEx cho biết, vì hai sở giao dịch đều là cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng nhất toàn cầu, cho nên sự kết hợp của hai cơ sở hùng mạnh này giúp khơi dậy tiềm lực độc đáo, thúc đẩy thương mại toàn cầu. Việc sáp nhập sẽ không chỉ có lợi cho nâng cao nghiệp vụ của mỗi bên, cũng giúp thúc đẩy đổi mới xuyên thị trường và xuyên khu vực, đồng thời còn cung cấp một nền tảng kết nối thị trường toàn cầu chưa từng có cho người tham gia thị trường cũng như giới đầu tư.

Ông Lý Tiểu Gia, Giám đốc của HKEx cho biết, giao dịch này là “kết nối thế kỷ giữa London và Hồng Kông”, sau khi kết hợp thành công sẽ tạo thành tập đoàn kết nối giao dịch bao phủ ba vùng múi giờ là châu Á và châu Âu  và châu Mỹ, giá trị thị trường dự kiến ​​sẽ vượt quá 70 tỷ đô la Mỹ, đồng thời có thể cung cấp dịch vụ giao dịch tài chính quốc tế bằng cả đô la Mỹ, Euro, Nhân dân tệ.

Không chỉ lo ngại Bắc Kinh đứng sau

Có phân tích cho rằng, việc sáp nhập phải đối mặt với nhiều bất ổn, bao gồm các phong trào xã hội ở Hồng Kông và Brexit, phía London có thể lo lắng vấn đề trong tương lai LSE tiềm ẩn chịu chi phối của Bắc Kinh.

Theo BBC, nhà phân tích Neil Wilson của Markets.com chỉ ra, lo ngại về chính trị không đứng hàng đầu trong thỏa thuận này. “Chính phủ Anh có thể không muốn thấy tổ chức mang tính biểu tượng của dịch vụ tài chính Anh bị người nước ngoài nắm giữ, đây vẫn là một tài sản mang tính chiến lược. Trên thực tế thậm chí còn bị rơi vào tay Trung Quốc thông qua cửa sau Hồng Kông.”

Ngày 11/9, LSE đã tổ chức một hội nghị trực tuyến, có phóng viên đã chất vấn rằng động thái này có thể khiến các chính trị gia Anh lo lắng, vì nếu thương vụ này thành công thì Trung Quốc có thể thông qua HKEx để tác động vào LSE. Nhiều lãnh đạo cấp cao của HKEx tham gia cuộc họp đã trả lời rằng HKEx không phải là công ty Trung Quốc, cũng không phải là công ty Hồng Kông, mà là công ty toàn cầu. Trong thương vụ của HKEx với LSE cách đây 7 năm cũng xuất hiện những lo ngại như vậy, nhưng 7 năm qua cho thấy HKEx đã luôn tôn trọng và trọng dụng quản lý của London nên đã hoạt động rất hiệu quả, tin rằng việc sáp nhập với LSE cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Nhưng Jamil Anderlini, Tổng biên tập phiên bản Châu Á của tờ Financial Times nhận định rằng, giới tài phiệt Hồng Kông thúc đẩy thương vụ này vì muốn tìm “sợi dây cứu mạng” từ LSE. Ông giải thích, thoạt nhìn, kế hoạch thu mua trị giá 31,6 tỷ bảng Anh này của HKEx giống như một cách đánh vào tâm lý giới quan sát về tình hình vĩ mô của Hồng Kông hiện  nay, nhằm cho thế giới thấy diện mạo Hồng Kông “vẫn bình thường”. Trong lúc Hồng Kông đầy hỗn loạn mà ban quản lý cấp cao của HKEx thản nhiên đưa ra kế hoạch giao dịch này khiến giới quan sát không thể không cảm thấy kinh ngạc!

Bài viết của Jamil Anderlini chỉ ra, cổ đông lớn nhất của HKEx là chính phủ Đặc khu Hồng Kông, trong số 13 thành viên của Hội đồng quản trị thì có đến 6 người do Chính phủ Hồng Kông bổ nhiệm.

Nhưng can đảm không có nghĩa là thành công, Jamil Anderlini viết. Ông chia sẻ, Lý Tiểu Gia ví von thương vụ này với phiên bản doanh nghiệp của Romeo và Juliet, nhưng lại  quên rằng kết cục của mối tình này là hai người tự tử. Cái bóng khổng lồ của Bắc Kinh phía sau vẫn luôn là một vấn đề!

Ngoài ra, Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sắp được Quốc hội Mỹ xem xét, đặc biệt đề cập đến vấn đề quy chế đãi ngộ đặc biệt với Hồng Kông và có thể sẽ đưa ra một số biện pháp chế tài. Tác động của dự luật này đối với triển vọng phát triển kinh tế Hồng Kông trong tương lai là một vấn đề mà mọi tổ chức quan tâm đến hoạt động tài chính ở Hồng Kông phải cân nhắc.

Huệ Anh

Xem thêm: