Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp bước vào thời gian Hội nghị Bắc Đới Hà. Có thông tin ám chỉ rằng có thể các nguyên lão sẽ thảo luận về việc thay đổi “phong cách lãnh đạo”, nổi bật là vấn đề “lãnh đạo tập thể”. Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ khiến những mâu thuẫn nội bộ gay gắt hơn, và gần đây đã xuất hiện nhiều hơn những dấu hiệu khác thường, đáng chú ý là tin đồn qua mạng xã hội cho rằng ông Vương Hộ Ninh bị hạ bệ và đã xác định được người kế nhiệm ông Tập Cận Bình. Dù chưa biết những thông này này thật hay giả ra sao, nhưng cho thấy tình hình xung đột nội bộ của ĐCSTQ có thể đang rất gay cấn.

Tập Cận Bình
Dưới nền chính trị đen tối của Cộng sản Trung Quốc, những đấu đá quyền lực nội bộ luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ chính biến (Ảnh từ internet)

Những nội dung chính tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay

Ngày 15/7, trang thông tin Duowei News “hải ngoại” (trụ sở tại Mỹ) có bối cảnh chống lưng của giới chức Bắc Kinh đưa tin, ngày 16/7 giới lãnh đạo trung ương ĐCSTQ bước vào kỳ nghỉ hè thường niên tại Bắc Đới Hà.

Sát thời điểm Hội nghị Bắc Đới Hà, nơi diễn ra hội nghị là Tần Hoàng Đảo ở Hà Bắc đã được tăng cường công tác an ninh. Sở Công an Tần Hoàng Đảo vừa ban hành một thông cáo, từ 14/7 – 19/8 khu Bắc Đới Hà thực hiện biện pháp quản lý giao thông giới hạn lưu thông căn cứ vào số đuôi xe theo biển số chẵn và lẻ chỉ được lưu thông theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ.

Theo thông tin, từ ngày 19 – 24/7 ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tại Emirates, Senegal, Rwanda và Nam Phi, và ngày 27 – 28/7 sẽ quá cảnh thực hiện chuyến thăm hữu nghị tại Mauritius. Vì vậy, Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ chính thức bắt đầu vào tháng Tám.

Có phân tích cho rằng, hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung thảo luận về ba yếu tố chính: thứ nhất, cuộc chiến thương mại hiện đang là vấn đề lớn nhất đối với giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, làm thế nào để đối phó trong vấn đề này sẽ được thảo luận tại Bắc Đới Hà; thứ hai, quản lý và kiểm soát rủi ro tài chính cũng là mối quan tâm chính của ĐCSTQ kể từ sau Đại hội lần thứ 19; thứ ba, tại Hội nghị Bắc Đới Hà lần này giới chức cấp cao ĐCSTQ sẽ thảo luận về vấn đề tuyên truyền và xây dựng ĐCSTQ, không loại trừ khả năng điều chỉnh “phong cách lãnh đạo” để từ bỏ tệ sùng bái cá nhân, thay vào đó là làm nổi bật vấn đề “lãnh đạo tập thể”.

Sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, vào đầu tháng Tám hàng năm giới lãnh cao cấp trong Đảng đều tổ chức cuộc họp kín tại trấn Bắc Đới Hà tỉnh Hà Bắc. Đây là cơ chế hội nghị bắt đầu từ thời đại ông Mao Trạch Đông. Cuộc gặp bí ẩn này xưa nay luôn được xem là chương trình quan trọng trong cuộc đấu quyền lực cấp cao của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, yếu tố chính trị của Bắc Đới Hà đã suy yếu. Trước đây thì phần hội nghị là chính, nghỉ mát là phụ, và cũng để thể hiện lòng tôn kính các nguyên lão chính trị; nhưng đến nay thì đi nghỉ dưỡng là chính, hội nghị là phụ, và cố gắng để bãi bỏ “sự can thiệp chính sự của nguyên lão”. Tuy nhiên, giới quan sát bên ngoài cho rằng dưới nền chính trị đen tối của ĐCSTQ thì cuộc chiến ngầm vẫn không có hồi kết, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Việc tờ Duowei News đặc biệt đề cập đến vấn đề định hướng trở lại “lãnh đạo tập thể” tại hội nghị Bắc Đới Hà lần này là điều đáng ngạc nhiên, vì vào năm ngoái ông Tập Cận Bình đã xác lập vị trí “hạt nhân”, trải qua Đại hội 19 và sửa đổi Hiến pháp tại “lưỡng hội” năm nay thì có vẻ như “đã thao túng toàn quyền lực”.

Sẽ có giông tố chính trị Trung Nam Hải?

Giới quan sát cũng đã phát hiện ra rằng, tình trạng bất ổn nội bộ của ĐCSTQ gần đây đã dữ dội hơn. Dưới tác động của cuộc chiến thương mại gần đây, mâu thuẫn nội bộ ĐCSTQ được đưa ra công khai, nhiều biểu hiện bất thường cũng xuất hiện trong công tác tuyên truyền, ăn khớp các thông tin nêu trên.

Ngày 06/7 là ngày đầu tiên khai màn cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đã có một nhóm quan chức Trung Quốc dùng tên giả thông qua giới truyền thông ngoài nước cho biết những kẻ thù thực sự nằm ngay trong Đảng, đổ lỗi nguyên nhân chủ yếu gây cuộc chiến thương mại là vì hệ thống tuyên truyền “lệch lạc tư tưởng Tập Cận Bình”. Sau đó, giới quan sát bên ngoài lại nhận ra giọng điệu mềm mỏng của phía Trung Quốc đối với cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Vào đầu tháng Bảy, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã thảo luận về “lựa chọn các cán bộ trẻ”, các cơ quan ngôn luận hàng đầu của nhà nước Cộng sản Trung Quốc tập trung thảo luận công khai vấn đề “người kế nhiệm”.

Ngày 11/7, Tân Hoa xã Trung Quốc bất ngờ đăng lại một bài viết cũ trên “Thời báo Học tập” của Trường Đảng Trung ương bàn về việc thừa nhận sai lầm của ông Hoa Quốc Phong thời làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ (tên gọi cũ của Tổng Bí thư ĐCSTQ). Điều này được xem là trực tiếp ám chỉ ông Tập Cận Bình.

Trong cùng thời gian đó, trên các mạng xã hội Trung Quốc lan truyền một thông báo rằng chính quyền Bắc Kinh yêu cầu tháo bỏ những bức chân dung của ông Tập Cận Bình.

Buổi tối ngày 12/7, khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng trực tiếp và có hai nữ biên tập viên bắt đầu đọc bản tin chính, bất ngờ xuất hiện người mặc đồ đen đến chặn ống kính, cảnh này bị nghi là do cấp trên chỉ đạo phải tạm thời hoặc khẩn cấp thay thế bản thảo, sau sự kiện có thông tin liên quan cho rằng ông Tập Cận Bình bị hạ bệ.

Một thông tin khác được RFI Pháp đưa tin, theo đó, vừa qua Học viện Khoa học Xã hội Thiểm Tây định lập dự án “Đại học vấn Lương Gia Hà” (Lương Gia Hà là ngôi làng được mệnh danh ‘thánh điện’ tôn vinh ông Tập Cận Bình) để thu thập tư liệu nghiên cứu, nhưng cũng bị buộc dừng lại.

Ngoài ra, sự kiện “bôi mực đen” vào hình ông Tập Cận Bình ở Thượng Hải chỉ trong một ngày đã gây cơn sốt, những thông tin trực tiếp ám chỉ vào quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Nhật báo Apple Hồng Kông thì trích nguồn tin từ giới chính trị Bắc Kinh cho biết, các trưởng lão ĐCSTQ kêu gọi triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng trước Hội nghị Bắc Đới Hà để thảo luận về “sai lầm khá lớn” mà người lãnh đạo vi phạm, để giải quyết “vấn đề lãnh đạo chính” của trung ương ĐCSTQ.

Cùng thời gian đã lan truyền nhiều thông tin, bao gồm ông Vương Hộ Ninh đã bị buộc phải trao lại quyền lực, còn ông Hồ Xuân Hoa trở thành người kế nhiệm chức Tổng Bí thư, cho sửa đổi Hiến pháp lần thứ hai với vấn đề nhiệm kỳ Chủ tịch nước,… tất cả thông tin đều hướng vào quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Các thông tin này một mặt bị xem là tin đồn thất thiệt, nhưng cũng có những nhà bình luận cho là không phải vô căn cứ, Bắc Kinh thực sự đang xảy ra biến cố chính trị nghiêm trọng.

Nhiều nhà quan sát bên ngoài cho rằng, thông tin Bắc Đới Hà thảo luận về vấn đề trở lại “lãnh đạo tập thể” là tâm điểm đấu tranh của ĐCSTQ hiện nay. Bởi vì sau Đại hội 19 ĐCSTQ đã xác lập “Tập hạt nhân”, giờ đây nếu Trung Nam Hải trở về với “lãnh đạo tập thể”, tức là là nhà lãnh đạo cao nhất sẽ mất đi địa vị tối cao, điều này có nghĩa là phe cánh ông Tập Cận Bình sẽ không còn được bảo đảm an toàn chính trị, nếu ông Tập Cận Bình không phản đòn cuối cùng đối với phe phản đối thì tình hình của phe ông Tập Cận Bình sẽ nguy hiểm.

Trí Đạt

Xem thêm: