Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đứng trước nhiều thách thức phải giải quyết: người Hồng Kông tiếp tục mạnh mẽ đấu tranh dân chủ, xung đột thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc suy thoái, hiện nay lại xảy ra vấn đề mới là thảm bại tại Đài Loan của phe thân Bắc Kinh.

vương nghị, Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan
Ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại nhắc lại “Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”. (Ảnh: CNA)

Sau thảm bại tại Đài Loan của phe thân Bắc Kinh vào thứ Bảy tuần trước, tờ Washington Post (Mỹ) có chỉ ra ĐCSTQ vẫn như thông lệ thể hiện thái độ cứng rắn bất chấp chiến thắng áp đảo của Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn. Bộ máy truyền thông cùng nhiều học giả của ĐCSTQ đã công kích bà Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến (DPP) là sử dụng “chiến thuật bẩn thỉu”, trong khi một số cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cáo buộc Mỹ can thiệp vào cuộc bầu cử. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng những người Đài Loan tách khỏi Trung Quốc sẽ bị vết nhơ hàng nghìn năm.

Phản ứng này rất giống với cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ Hồng Kông khi ĐCSTQ đổ lỗi cho “bàn tay đen” của “các thế lực thù địch nước ngoài” do Mỹ lãnh đạo.

Nhưng vấn đề hiện nay là giới quản lý cấp cao của Bắc Kinh ứng phó thế nào trước xu thế tẩy chay ĐCSTQ tại Đài Loan và Hồng Kông?

Có chuyên gia Trung Quốc nói rằng, cũng giống như thái độ đối với Hồng Kông, Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ dã tâm đối với Đài Loan. Trong khi có chuyên gia Mỹ cũng chỉ ra rằng xưa nay phản ứng của Tập Cận Bình đối với Đài Loan chỉ có ngày càng thắt chặt hơn. Cụ thể, chuyên gia Jude Blanchette phụ trách nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết, ông không thấy Bắc Kinh nới lỏng hơn trong chính sách đối với Đài Loan.

Thực tế, tình hình ở Hồng Kông và Đài Loan rất khác nhau về nhiều mặt. Mặc dù Hồng Kông nằm trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng Trung Quốc có chủ quyền đối với Hồng Kông; trong khi Đài Loan hoàn toàn khác. Từ năm 1949 đến nay Đài Loan vẫn là một hòn đảo tự trị. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố đến thời điểm cần thiết sẽ dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan, và Tập Cận Bình đã đặt ra thời hạn chót vào năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).

Tuy nhiên, ít nhất là từ quan điểm của Bắc Kinh, Hồng Kông và Đài Loan vẫn có những vấn đề giống nhau. Tập Cận Bình và giới quan chức thân cận dường như không chắc chắn làm thế nào để đối phó với làn sóng chống ĐCSTQ ở Đài Loan và Hồng Kông. Tại cả hai khu vực này, ĐCSTQ đều không dễ để có thể áp dụng hành động quân sự. Hồng Kông là một trung tâm tài chính quan trọng và là kênh giao thương giữa Trung Quốc và thế giới, vì thế giải pháp cho quân đội can thiệp sẽ gây thiệt hại cho chính ĐCSTQ vì giới đầu tư bỏ chạy. Trong khi đối với Đài Loan thì lại có được bệ đỡ của Mỹ, vì vậy ĐCSTQ có thể phải đối mặt với nguy cơ đối đầu với Mỹ.

Bắc Kinh đã cố gắng gây ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi ở Hồng Kông và Đài Loan thông qua giáo dục yêu nước và các chiến dịch thông tin sai lệch, nhưng điều này sẽ chỉ làm tăng sự thù địch của họ đối với Chính phủ độc tài và thấy rõ ý đồ nham hiểm của ĐCSTQ.

Còn về quan hệ với Mỹ, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã quyết định ​​ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, nhưng cuộc chiến thương mại vẫn chưa kết thúc, nỗi lo của Mỹ về sự phát triển công nghệ và chủ nghĩa bành trướng toàn cầu của ĐCSTQ vẫn còn nguyên.

Ông Glasser thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng đã cho biết, ĐCSTQ không dễ mà dám quyết định dùng vũ lực để giải quyết tình hình, vì ngay tại Trung Quốc Đại Lục họ cũng đang đứng trước vô số khó khăn. Trong khi trái lại, nhiều nhà phân tích hy vọng Bắc Kinh có thể sẵn sàng chờ đợi, vì dù gì bà Thái Anh Văn cũng chỉ còn một nhiệm kỳ, vì thế trong thời gian bốn năm tới ĐCSTQ có thể nỗ lực để đảm bảo ứng viên Quốc dân đảng thân thiện với Bắc Kinh sẽ thể hiện tốt trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo.

Trong giai đoạn này, Bắc Kinh có thể tăng cường áp lực kinh tế, ngoại giao và quân sự đối với Đài Loan.

Cho đến nay, nỗ lực rõ ràng nhất gây ảnh hưởng nền kinh tế Đài Loan là cấm các cá nhân tại Đại Lục tự ý đi du lịch xứ Đài, nhưng điều này cũng có thể là để ngăn người dân Trung Quốc được trải nghiệm nền dân chủ đầy sức sống tại Đài Loan.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Đài Loan vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, và thị trường chứng khoán cũng tăng, đặc biệt là so với các nước tương tự trong khu vực. GDP bình quân đầu người của đảo quốc này gấp ba lần so với Trung Quốc Đại Lục.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã sử dụng tầm ảnh hưởng tài chính để tước đi một số đối tác ngoại giao còn lại của Đài Loan, gần đây nhất là Quần đảo Solomon và Kiribati. Trung Quốc cũng cho hải quân hoạt động ở eo biển Đài Loan để phô trương lực lượng, và tình trạng này dự kiến ​​vẫn sẽ tiếp tục, động thái khiến nhiều phân tích dự tính Bắc Kinh đang chờ đợi thời cơ tốt nhất có thể sẽ áp dụng hành động táo bạo hơn.

Giáo sư Daniel C.Lynch về Chính trị và Chính sách đối ngoại Trung Quốc thuộc Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết: “Đặc biệt trong tình hình hiện nay Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc tấn công Đài Loan, trong khi quyền lực cũng đang nằm trong tay Trump nên rất khó lường… Vì vậy, khía cạnh tích cực của thực trạng khó lường này là Bắc Kinh không muốn gây sức ép với Trump…”.

Ông Lynch cho rằng Bắc Kinh có thể nghĩ rằng họ sẽ đợi thêm 10 hoặc 20 năm nữa, có lẽ khi đó Mỹ sẽ ít quan tâm đến Đài Loan hơn, và cũng có thể thời điểm đó Mỹ sẽ yếu hơn Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề chờ đợi thì không biết ra sao, trong khi thế hệ trẻ ở Đài Loan và Hồng Kông đang phát triển nhanh chóng.

Ông Lynch nhận định: “Họ đã mất Đài Loan… ‘một quốc gia, hai chế độ’ là một khái niệm đã phá sản, chiến thắng áp đảo của đảng Dân tiến hôm thứ Bảy đã chứng minh không còn khái niệm áp đặt của ĐCSTQ nữa.”

Tuyết Mai

Xem thêm: