Ngay trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người kế nhiệm thế hệ thứ 6 là ông Tôn Chính Tài đã “ngã ngựa”. Hai ứng cử viên tiềm năng khác cho vị trí này là ông Hồ Xuân Hoa và ông Trần Mẫn Nhĩ lại không vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Có cơ quan truyền thông Hồng Kông nhận định, người kế nhiệm ông Tập Cận Bình phải đến Khóa 20 mới có thể xác định được, và nhân vật này ít nhất phải đảm bảo được điều kiện về tuổi tác, có thể làm Ủy viên Thường vụ hai khóa kể từ sau Đại hội 20.

dinh tiet tuong
Ông Đinh Tiết Tường được coi là người kế nhiệm tiềm ẩn (Ảnh: Aboluowang)

Ngày 8/11, trang HK01 đăng bài viết cho rằng, người kế nhiệm ông Tập Cận Bình phải có cơ hội làm Tổng Bí thư tại Đại hội 20 và đủ tuổi để nhậm chức trong hai khóa liên tiếp sau đó, đây nhất định sẽ là hạt nhân tương lai. Theo phân tích này, những ứng viên có điều kiện phù hợp trong số ủy viên bộ chính trị có thể là một trong ba người: Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ (sinh tháng 9/1960, hiện 57 tuổi), Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường (sinh tháng 9/1962, hiện 55 tuổi) và ông Hồ Xuân Hoa (sinh tháng 4/1963, hiện 54 tuổi).

Trong số này, ông Hồ Xuân Hoa không nằm trong nhóm “quân nhà Tập”, tình hình không khả quan.

Ông Trần Mẫn Nhĩ tuy là tâm phúc và thân tín của ông Tập Cận Bình, nhưng chỉ kém ông Tập Cận Bình có 7 tuổi (ông Tập Cận Bình 64 tuổi), không có ưu thế về tuổi tác. Ngày 30/10, Nhật báo Đông Phương có bài bình luận cho rằng, địa bàn ông Trần Mẫn Nhĩ phụ trách trong 5 năm qua không có thành tích gì nổi bật.

Ngày 26/10, Bloomberg (Mỹ) nhận định, ông Đinh Tiết Tường hiện 55 tuổi, là người kế nhiệm tiềm tàng. Nhưng từng có phân tích cho rằng, tuy Đinh đã trở thành tổng quản đại nội của Tập, nhưng có nguồn gốc từ phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân thời ở Thượng Hải, vì thế cũng là một điểm yếu, khó có thể trở thành người tiếp quản.

Ngày 30/10, Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) đăng bài viết cho rằng, Đại hội 19 không chỉ định ai, có thể vì thời đại Tập Cận Bình chỉ mới bắt đầu, ông Tập không muốn “đêm dài lắm mộng”. Nhưng dù sao thì vấn đề người kế nhiệm vẫn phải nghiên cứu thấu đáo, đây là thách thức lớn nhất của ông Tập Cận Bình trong 5 – 10 năm tới.

Bài viết nhận định, vấn đề người tiếp quản là nan đề của ĐCSTQ, từ ông Mao Trạch Đông cho đến ông Đặng Tiểu Bình đều không thể giải quyết tốt.

Từng có bình luận trên Apple Daily (Hồng Kông) cho rằng, nhìn lại lịch sử, những người kế nhiệm do lãnh đạo hạt nhân thứ nhất và thứ hai chỉ định không có kết quả tốt đẹp. Như Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu do ông Mao Trạch Đông chỉ định, một người bị đấu tố đến chết, một người chạy trốn thì máy bay bị rơi chết ở Mông Cổ.

Ngoài ra, bản thân chính quyền chuyên chính Trung Quốc tứ bề đều là quân địch bao vây, cục diện cuối cùng như thế nào khó biết trước.

Ông Dương Kiến Lợi, người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sức mạnh công dân” từng chia sẻ trên VOA rằng, một trong những nguy cơ lớn nhất của chính thể chuyên chế là thừa kế quyền lực, đấu tranh quyền lực trong nội bộ về cơ bản triển khai quanh vấn đề thừa kế quyền lực, ở mức độ khốc liệt nhất có thể hủy diệt cả đất nước…

Nhà phân tích chính trị Trần Phá Không cho rằng, thể chế Trung Quốc hiện nay không thể giải quyết vấn đề bàn giao quyền lực tối cao, vì thế luôn xảy ra “mưa máu gió thịt”. Bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện nhân tố ngẫu nhiên và sự kiện ra ngoài thông lệ, làm rối loạn cục diện đã định.

Ngày 26/10, ông Bào Đồng, cựu Thư ký chính trị của cựu Tổng Bí thư Triệu Tử Dương trả lời Đài VOA rằng, một nước cộng hòa thực sự không phải lo lắng chuyện “người tiếp quản”. Ông cho hay: “Nhìn chung không có người nào trên thế giới này xem Trung Quốc là một nước cộng hòa.”

Tuyết Mai

Xem thêm: