Bloomberg ngày 31/5 dẫn nguồn tin cho biết, tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đã bổ nhiệm ông Điền Đông Phương (Tian Dongfang), một ủy viên quản trị ngoài biên chế (không có quan hệ ràng buộc khế ước gì với công ty) làm Bí thư Đảng ủy của ZTE. Đây là nhóm nhân sự cấp cao thứ 3 được thay đổi nhằm tìm cách giải trừ lệnh cấm của Mỹ đối với công ty này. 

lệnh cấm zte
Do áp lực từ lệnh cấm vận của Mỹ, tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đã thay thế vị trí Bí thư Đảng ủy nhằm tìm cách khôi phục lại hoạt động (Ảnh: Getty Images).

Viễn thông ZTE thay Bí thư Đảng ủy

Theo hồ sơ công khai, ông Điền Đông Phương từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Vi điện tử Tây An, là cơ quan thuộc viện nghiên cứu thứ chín của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Không gian vũ trụ Trung Quốc.

Các nguồn thông tin cho biết, ông Phàn Khánh Phong (Fan Qingfeng), Bí thư Đảng ủy cũ của Tập đoàn ZTE đã bị sa thải.

Liên quan đến thông tin này, truyền thông nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã cũng đã đưa tin.

Theo giới thiệu từ trang web chính thức của ZTE, Hội đồng quản trị ZTE bao gồm hai ủy viên điều hành: Ân Nhất Dân (Yin Yimin) và Triệu Tiên Minh (Zhao Xianming); bảy ủy viên không điều hành: Trương Kiến Hằng (Zhang Jianheng), Vương Á Văn (Wang Yawen), Điền Đông Phương (Tian Dongfang), Chiêm Nghị Siêu (Zhan Yichao), Loan Tụ Bảo (Luan Jubao), Vĩ Tại Thắng (Wei Zaisheng), Địch Vệ Đông (Di Weidong); và năm ủy viên độc lập không điều hành: Trần Thiếu Hoa (Chen Shaohua), Lữ Hồng Binh (Lu Hongbing), Trương Hy Kha (Zhang Xike), Đằng Bân Thánh (Teng Binsheng), Chu Vũ Tường (Zhu Wuxiang).

Trước đó, South China Morning Post tại Hồng Kông đưa tin, Phó Giám đốc điều hành đồng thời là Giám đốc phụ trách Công nghệ là Từ Tuệ Tuấn (Xu Huijun) và người phụ trách giám sát hoạt động là Hoàng Đại Bân (Huang Dabin) của ZTE không còn tham gia nhiệm vụ thường xuyên của công ty.

Doanh nghiệp Trung Quốc Đại lục bị tổ chức Đảng chi phối?

Giới quan sát chú ý đến sự khác biệt giữa doanh nghiệp của Trung Quốc Đại lục và của phương Tây ở chỗ doanh nghiệp của Trung Quốc Đại lục thường có “Đảng ủy” bên trong.

Ví dụ, iFlytek thành lập chi bộ Đảng vào năm 2000, thành lập Đảng ủy vào năm 2012; năm 2005 Tencent thành lập tổ chức Đảng, và Đảng ủy được thành lập vào năm 2011; năm 2005 Baidu thành lập chi bộ Đảng, và Đảng ủy được thành lập vào năm 2011; năm 2008 tập đoàn Alibaba nâng cấp chi bộ Đảng lên thành Đảng ủy; Sina thành lập chi bộ Đảng vào năm 2010, nâng cấp thành Đảng ủy vào năm 2013; Jingdong thành lập Đảng ủy năm 2011; Qihoo 360 thành lập chi bộ Đảng năm 2011, nâng thành Đảng ủy năm 2013 với 4 chi bộ Đảng trực thuộc; NetEase thành lập Đảng ủy năm 2013; năm 2014 Sohu thành lập Đảng ủy; năm 2015 Sogou thành lập Đảng ủy; Xiaomi thành lập Đảng ủy vào năm 2015; cùng năm LeEco thành lập ba chi bộ Đảng; DiDi thành lập Đảng ủy vào năm 2016.

Nhưng thời gian thành lập Đảng ủy của ZTE và Huawei thì không thể tra cứu được, còn số lượng Đảng viên thì đặc biệt lớn hơn.

Đối với việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa hệ thống Đảng vào trong các doanh nghiệp, nhiều người đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng “Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn đồng nhất giữa Đảng và tổ quốc, muốn mọi người nghĩ rằng đất nước Trung Quốc chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản chính là đất nước Trung Quốc.”

Thậm chí còn có cư dân mạng nhận định, các doanh nghiệp Trung Quốc Đại lục là “các doanh nghiệp thuộc sở hữu của đảng”.

Thậm chí nhiều nhân sĩ trong hệ thống nhà nước Trung Quốc cũng nhận định, “Đảng ủy” có thể là nơi truyền bá “Đảng Cộng sản” cho những người lao động trong doanh nghiệp, chi phối phát triển của doanh nghiệp, đây chính là công sự chiến đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong doanh nghiệp.

Theo số liệu chính thức của nhà nước Trung Quốc, tỷ lệ bao phủ của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc là 90%, còn doanh nghiệp tư nhân cũng hơn 40%. Riêng với các công ty tư nhân có lợi nhuận cao nhất, hơn 50% công ty có tổ chức Đảng.

Trí Đạt

Xem thêm: