Ngày 20/12/2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã tổ chức cuộc họp báo để tuyên bố truy tố hai tin tặc Trung Quốc. Theo cáo trạng được Bộ Tư pháp Mỹ công khai, 2 tin tặc này thuộc nhóm tin tặc có tên APT10, và có liên quan đến Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ảnh minh họa từ Getty Images 

Bộ An ninh quốc gia (gọi tắt là Bộ Quốc an) của Trung Quốc là cơ quan tình báo chính thức duy nhất của chính phủ Trung Quốc, so với hệ thống tình báo khác của Trung Quốc thì cơ quan này có lịch sử tương đối ngắn. Được thành lập năm 1983, chính quyền Trung Quốc đã hợp nhất Cục 1 của Bộ Công an, Bộ Điều tra Trung ương và một số cơ quan tình báo tương đối nhỏ khác để thành lập Bộ Quốc an.

Cục 1 Bộ Công an sau khi hợp nhất vào Bộ Quốc an, vẫn giữ lại một số ít những người già yếu, và cơ quan này được dần dần khôi phục lại kể từ sau sự kiện đàn áp dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, đến năm 1999, sau khi Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công thì cơ quan này lại nhanh chóng bành trướng hơn nữa, tên cũng được đổi từ Cục Bảo vệ chính trị thành Cục Bảo vệ an ninh quốc nội (được gọi tắt là Quốc bảo), và trở thành cảnh sát chính trị mang đầy tiếng xấu chuyên bức hại những người bất đồng chính kiến và tín ngưỡng tôn giáo.

Giữa Bộ Quốc an và Quốc bảo thuộc Bộ Công an được phân công nhiệm vụ thực tế khác nhau. Quốc an quản lý các thông tin tình báo nước ngoài hoặc liên quan đến nước ngoài, còn Quốc bảo được phân công quản lý tình báo trong nước.

Bộ Quốc an

Sau 2 năm thành lập Bộ Quốc an, Du Cường Sinh – Trợ lý Bộ trưởng, đã đào tẩu sang Mỹ, khiến cho gián điệp thâm nhập vào Mỹ thành công nhất là Kim Vô Đãi bị bại lộ và bị Mỹ bắt giữ, đồng thời cũng dẫn đến thanh trừng và chỉnh đốn nội bộ của Bộ Quốc an. Du Cường Sinh chính là anh trai ruột của nguyên Thường ủy Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Du Chính Thanh.

Kể từ đó về sau, Bộ Quốc an của Trung Quốc và Mỹ dường như sống yên ổn với nhau, ít nhất là không bị vạch trần trước mặt công chúng. Đến cuối năm ngoái (năm 2018), Bộ Tư pháp Mỹ truy tố một gián điệp Trung Quốc tên Li Chaoqun (Lý Siêu Quần), dường như cùng thời kỳ đó bị truy tố còn có quan chức tình báo tuyến trên của Lý Siêu Quần là Từ Ngạn Quân (Xu Yanjun) và vài tin tặc nữa; Từ Ngạn Quân bị Mỹ dẫn độ từ Bỉ về. Việc này khiến cho Bộ Quốc an Trung Quốc một lần nữa lại rơi vào tầm nhìn của công chúng Mỹ.

Bị cáo của 3 vụ án này đều thuộc Phòng Quốc an tỉnh Giang Tô thuộc Bộ Quốc an Trung Quốc, mục tiêu của họ là các cơ quan và nhà thầu liên quan đến công nghệ hàng không của Mỹ. Từ 3 vụ án gián điệp này có thể nhìn ra được các cơ quan gián điệp của Trung Quốc dùng các phương thức khác nhau như thế nào để phối hợp hoàn thành cùng một mục tiêu.

Đánh cắp công nghệ hàng không của Mỹ hiển nhiên là nhiệm vụ của Phòng Quốc an Giang Tô, để hoàn thành nhiệm vụ này, Phòng Quốc an Giang Tô đã sử dụng nhiều phương pháp, bao gồm các phương pháp truyền thống như cử gián điệp, chiêu mộ chuyên gia nội bộ trực tiếp đánh cắp, cho đến thủ đoạn sử dụng tin tặc để đánh cắp.

Ngoài ra, những vụ án này ít nhất đã chứng minh Phòng quốc an cấp tỉnh, thành phố cũng trực tiếp cử gián điệp ra nước ngoài, chứ không chỉ là việc của Bộ Quốc an (trước đây nhiều người cho rằng những gián điệp cử ra nước ngoài đều là cơ quan cấp bộ cử đi).

Hệ thống tình báo quân đội

Năm 2014, Mỹ từng truy tố 5 tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc, 5 tin tặc này thuộc nhóm tin tặc bị phát hiện tương đối sớm, xếp thứ nhất trong hệ thống tổ chức tin tặc có tên APT, nhóm tin tặc này được gọi là ATP1. Tại đây cần nhắc đến một hệ thống tình báo khác của Trung Quốc, chính hệ thống tình báo quân đội.

Hệ thống tình báo quân đội có lịch sử lâu nhất, kinh nghiệm phong phú, thực lực cũng mạnh nhất, lịch sử của hệ thống tình báo này có thể truy ngược lại thời kỳ thành lập Hồng quân của Trung Quốc. Trước khi cải cách thể chế quân đội, lực lượng gián điệp chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu 2 và Bộ Tổng tham mưu 3. Bộ tổng tham mưu 2 là gián điệp truyền thống, sau khi cải cách quân đội trở thành Cục tình báo của Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương.

Còn 5 tin tặc bị Mỹ truy tố thuộc bộ đội 61398, chính là (hoặc thuộc) Cục 2 Bộ Tổng tham mưu 3 (Cục 2 tại Thượng Hải), sau khi cải cách quân đội, Bộ Tổng tham mưu 3 (Bộ Trinh sát kỹ thuật) và Bộ Tổng tham mưu 4 (Bộ Tác chiến Radar điện tử) hợp thành Bộ Bộ đội chi viện chiến lược hệ thống mạng. Các cuộc tân công mạng và thu thập tình báo chủ yếu là do cơ quan này phụ trách.

Hệ thống tình báo quân đội Trung Quốc còn có một cơ quan tên là Bộ Liên lạc Tổng chính trị, hiện là Cục Liên lạc công tác chính trị Quân ủy, đây vốn là bộ phận tình báo quân đội diễn biến thành và được giữ lại sau khi Bộ Tổng tham mưu liên lạc tái cơ cấu thành Bộ Điều tra Trung ương. Nó thuộc cơ quan tình báo của quân đội, chủ yếu là hoạt động gián điệp quân sự đối ngoại.

Phòng Công an các tỉnh thành và “Văn phòng 610”

Trung Quốc còn có một số cơ quan tình báo phi truyền thống. Ví dụ cơ quan công an chuyên phụ trách trấn áp trong nước, từ sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu năm 1999, phòng công an của ít nhất 9 tỉnh thành được phép cử gián điệp ra ngoài Trung Quốc để chuyên thăm dò thông tin về Pháp Luân Công. Bên cạnh đó, còn có một cơ quan tình báo khác liên quan đến bức hại Pháp Luân Công mà rất ít được người khác để ý đến, đó chính là “Văn phòng 610”

Ngày 7/6/1999, đương nhiệm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân đã tiết lộ trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, đó là đã thành lập một tiểu ban lãnh đạo trung ương chuyên xử lý về vấn đề Pháp Luân Công, tiểu ban này sẽ thành lập một văn phòng xử lý sự vụ thường ngày, và văn phòng của tiểu ban này thường được gọi với cái tên “Văn phòng 610” theo ngày thành lập của nó là ngày 10/6. Người thông thường chỉ biết được “Văn phòng 610” là công cụ nằm ngoài pháp luật để bức hại Pháp Luân Công, chứ ít ai biết được rằng, “Văn phòng 610” đã có năng lực tình báo rộng rãi ở hải ngoại để giám sát và bức hại Pháp Luân Công trên toàn thế giới.

Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, phóng viên điều tra người Pháp là Roger Faligot đã công bố cuốn sách mới của ông có tên “Cơ quan tình báo Trung Quốc từ thời Mao đến Thế vận hội” (The Chinese Secret Service, From mao to the Olympic Games). Tác giả đã phỏng vấn rất nhiều chuyên gia của các nước, những gián điệp của Trung Quốc đã trốn ra nước ngoài, và chuyên gia của các cơ quan phản gián của các nước.

Trong sách đã miêu tả, vì để đề phòng những phiền phức có thể xảy ra, nhân viên tình báo của “Văn phòng 610” do La Cán làm chủ quản (thời điểm đó La Cán là đương nhiệm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp Luật và Trưởng Tiểu ban lãnh đạo Trung ương xử lý vấn đề Pháp Luân Công) đã tràn ra khắp thế giới, để tấn công cái mà chính quyền Trung Quốc gọi là “ngũ độc” (trong đó có tổ chức đòi độc lập cho Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và cả Pháp Luân Công, v.v).

Cơ quan phản gián của Đức đã từng phá vụ án liên quan đến “Văn phòng 610” tại Đức chiêu mộ gián điệp giám sát các hoạt động của người tập Pháp Luân Công tại Đức. Cơ quan tình báo đặc thù này mặc dù chỉ nhắm mục tiêu chính là những “kẻ địch” chính trị của chính quyền Trung Quốc, nhưng khi cần thiết cũng có thể dùng cho các lĩnh vực khác.

Hệ thống Mặt trận thống nhất Trung Quốc

Một cơ quan có chức năng tình báo khác của chính quyền Trung Quốc đó là hệ thống mặt trận thống nhất. Điểm khác biệt so với cơ quan tình báo chuyên nghiệp Quốc an, Quân đội đó là, hệ thống mặt trận thống nhất sử dụng các nhân viên gián điệp nghiệp dư hoặc phi chuyên nghiệp để thu thập tình báo, thuộc loại hình vận động tình báo quần chúng, về phương thức cũng là kiểu “trồng nhiều nhưng thu hoạch ít”.

Phương thức chủ yếu của công tác mặt trận thống nhất là xác định xác định mục tiêu đặc định và thiết lập mối quan hệ hữu hảo. Sau khi mục tiêu đặc định đã trở thành bạn bè, thì có thể đại diện cho lợi ích của chính quyền Trung Quốc về mặt chính trị, họ cũng có thể trở thành đối tượng để gián điệp chuyên nghiệp thu thập tình báo, hoặc trực tiếp thông qua hệ thống mặt trận thống nhất để cung cấp tình báo.

Do Mặt trận thống nhất vốn là một hệ thống khổng lồ, nó bao gồm một khu vực màu xám với định nghĩa tương đối mơ hồ, chẳng hạn như các khu vực kết bạn không rõ ràng, gây ảnh hưởng chính trị và can thiệp vào các hoạt động nội bộ, gián điệp trong giới chính trị, kinh doanh và giới học thuật; cộng thêm đặc điểm vận dụng quần chúng của nó, nên khiến cho cơ quan phản gián điệp gặp nhiều khó khăn.

Hạt nhân của hệ thống mặt trận thống nhất là Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương. Ở phương Tây, một số nước trực tiếp coi ban này này là cơ quan tình báo. Một phần tình báo công nghệ, cũng thuộc hệ thống này, ví dụ như một số thành viên trong “Kế hoạch ngàn nhân tài” lấy bí mật tại trường học và công ty Mỹ làm công trạng để “đầu quân” tại các trường đại học và công ty ở Trung Quốc.

Ví dụ, ngày 20/12/2018, Đàm Hồng Tấn (Hongjin Tan) bị bắt tại bang Oklahoma của Mỹ có thể cũng thuộc loại này. Đàm Hồng Tấn bị cáo buộc tải về hàng trăm tệp tài liệu liên quan đến “nghiên cứu phát triển sản phẩm năng lượng cho thị trường hạ nguồn” và dự tính đem những tài liệu bí mật được đánh cắp này để trục lợi tại một công ty Trung Quốc. Công ty Trung Quốc đã bố trí việc làm mới cho Đàm Hồng Tấn.

Một trường hợp điển hình khác đó là Dương Xuân Lai – một nhà khoa tại Mỹ từng là Hội trưởng Hiệp hội các nhà Khoa học Kỹ sư Trung Quốc (Association of Chinese Scientist and Engineers, ACSE). ACSE được thành lập tại bang Chicago vào năm 1992, hội viên phân bố ở hơn 20 bang của Mỹ.

Cuối tháng 5/2006, Dương Xuân Lai về Bắc Kinh tham gia “Lớp nghiên cứu học tập cho người phụ trách trung niên thanh niên trong cộng đồng Hoa Kiều người Hoa lần thứ 3” do Văn phòng Kiều vụ Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức. Văn phòng Kiều vụ Quốc vụ viện là một phân nhánh của Bộ Công Công tác Mặt trận thống nhất trong hệ thống chính phủ thuộc Quốc vụ viện. Năm 2018, cơ cấu này cải cách đã công khai quy hoạch về Bộ Công tác thống nhất chiến tuyến Trung ương thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 2007, Dương Xuân Lai phát biểu tại “Đại hội hữu nghị cộng đồng Hoa kiều người Hoa thế giới lần thứ 4” do Văn phòng Kiều vụ Quốc vụ viện tổ chức, Dương nói, “phục vụ cho đất nước không bắt buộc phải về nước để phục vụ”, “chúng ta hiện có 1500 hội viên, có khoảng 1/3 hội viên có quốc tịch Mỹ, thông qua mối quan hệ bạn bè và người thân trong gia đình, dự tính chúng ta có thể ảnh hưởng tới 500 phiếu bầu cử. Dương Xuân Lai còn đảm nhậm chức Ủy viên Ủy ban chuyên gia tư vấn nước ngoài thuộc Văn phòng Kiều vụ Quốc vụ viện Trung Quốc, điều này cũng đủ để chứng minh Dương có thân phận thuộc Bộ Công tác thống nhất chiến tuyến Trung ương.

Ngày 1/7/2011, Dương Xuân Lai bị FBI bắt giữ, thời điểm đó, Dương đã mua vé máy bay để chuẩn bị về Trung Quốc. Dương bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Sàn giao dịch Chicago (CME, nơi mà Dương đang làm việc), và có kế hoạch hợp tác với sàn thương mại điện tử Trương Gia Khẩu bằng những tài liệu bí mật đã bị Dương đánh cắp. Theo dự tính ban đầu, hành động của Dương có thể khiến cho CME tổn thất 50 triệu Đô la Mỹ.

Cuối cùng tòa án lấy lý do tính toán tổn thất quá cao và Dương Xuân Lai đã có thời gian dài đóng góp cho cộng đồng bao gồm cả cộng đồng người Hoa nên đã phán quyết nhẹ đối với với Dương. Thực tế, là một đại diện cho Mặt trận Thống nhất như Dương Xuân Lai, mục đích mà Dương phục vụ cho cộng đồng người Hoa cũng chỉ là để thể hiện sự trung thành với chính quyền Trung Quốc, đây mới là nguyên nhân cơ bản mà Dương Xuân Lai đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.

Trí Đạt (Theo Epoch Times)

Xem thêm: