Gần đây, hơn 30 thành phố đã phải banh hành cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng. Một số kênh truyền thông cho rằng sự ô nhiễm tại Trung Quốc Đại Lục hiện nay là do chế độ dẫn tới, các biện pháp hành chính đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề sinh thái khó có thể hiệu quả được.

b8aeed99045617af78e001
Khói mù ô nhiễm bao phủ thời gian dài khiến sức khỏe của người dân Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng. Gần đây, khói mù lại bao phủ khắp nơi, hơn 30 thành phố của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo ô nhiễm nặng (Ảnh: Xinhua)

Ngày 19/12 vừa qua, tờ Independent (Anh quốc) dẫn lời chuyên gia phân tích cho biết, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi tốc độ tăng trưởng kinh tế là điều kiện chủ yếu để đánh giá năng lực của quan chức, do đó nhiều nơi hầu như không hề chú ý đến vấn đề môi trường, ra sức thành lập các dự án bằng bất cứ giá nào. Đến khi vấn đề sinh thái trở nên nghiêm trọng, lãnh đạo các cấp lại ra lệnh phải hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cho nên đây chính là vấn đề chế độ.

Kênh truyền thông Nga bình luận, những biện pháp bảo vệ môi trường này thực tế có một số hiệu quả và thành tích nhất định, nhưng đôi khi lại gây ra những vấn đề bất ổn khác. Chẳng hạn như một số tỉnh đã cấm hoặc hạn chế sử dụng than vào mùa đông, phải chuyển sang dùng khí đốt hoặc một số năng lượng thay thế khác, điều này khiến giá gas tăng lên đến 70%. Hàng triệu hộ gia đình không đủ chi phí dùng gas đã không có nước nóng để dùng, không có hệ thống sưởi ấm, thậm chí ở một số trường học, trẻ nhỏ bị tê cóng vì lạnh. Cuối cùng, chính quyền lại hủy bỏ lệnh cấm than, để cho các địa phương sử dụng than trở lại.

>>Top từ khoá kiểm duyệt tại Trung Quốc: Chính phủ sợ người dân biết những gì?

Các quyết sách đưa ra không hề quan tâm đến lợi ích công chúng

Ông Tôn Văn Quảng, giáo sư về hưu tại Đại học Sơn Đông trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times đã cho hay, trước đây ĐCSTQ một mực theo đuổi tăng trưởng GDP, mở rộng năng lực sản xuất, hiếm khi cân nhắc đến đời sống người dân, từ đó tạo thành ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện tại giảm GDP cũng rất khó, bởi nó liên quan đến việc làm, thu nhập tài chính, v.v.. Kết quả hiện nay thực sự là do chế độ tạo thành.

Ông còn nói, hiện tại muốn giảm chỉ tiêu ô nhiễm, sử dụng năng lượng sạch thay thế than đá, nhưng chi phí đầu tư quá lớn, hơn nữa không phải ngày một ngày hai có thể làm được ngay. Đặc biệt là miền Bắc hiện nay thời tiết rất lạnh, mọi người đều muốn được sưởi ấm, nếu như đưa ra quyết sách cực đoan, không cho phép dùng than, không cung cấp than, ai dùng than sẽ bị bắt, thì đó chính là xâm phạm nhân quyền.

Ông Ngô Hồng Lập, một chuyên gia cải thiện môi trường cũng cho rằng hàng chục năm qua, các nhà chức trách không có quyết tâm giải quyết vấn đề môi trường một cách thực sự, việc bảo vệ môi trường chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Hiện tại nếu như muốn sử dụng năng lượng sạch thay thế cho các nguồn năng lượng gây ô nhiễm cao vào năm 2020, thì việc cấm than cũng cần phải có một quá trình, không thể nói một cái là áp dụng ngay được. Hơn nữa khí gas cũng không sẵn có và chưa thể ngay lập tức có đủ để cung cấp cho người dân trong năm nay.

“Rõ ràng là lệnh cấm than vừa qua không hề cân nhắc đến lợi ích của công chúng”, ông Ngô Hồng Lập nhận định. Sau khi ban hành lệnh cấm than, nhiều tỉnh miền Bắc phải sử dụng xe bồn để chở gas từ Quảng Châu đến, chi phí vận chuyển này đã chiếm tới 1/3 giá gas, thực sự là quá hao tài tốn của, cuối cùng thì người dân vẫn là phải chịu tổn thất lợi ích.

Vấn đề ô nhiễm môi trường nên minh bạch

Chuyên gia sinh thái Vasylisa Lukashevich ở Krasnoyarsk, Nga đã nhận xét: “Hiện tại các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ cũng đã thừa nhận rằng, đúng là có tồn tại vấn đề ô nhiễm môi trường, mà chỉ có cách để cho toàn bộ người dân biết được vấn đề này thì mới có thể bắt đầu giải quyết được nó.”

Trước sự bùng phát của khói bụi ô nhiễm ở Trung Quốc, đại sứ Mỹ Gary Locke trú tại Bắc Kinh đã công bố số liệu quan trắc về chất lượng không khí đo được ở Bắc Kinh, điều này bị các kênh truyền thông của ĐCSTQ chỉ trích là “làm mất uy tín Trung Quốc” hay là “thế lực phản Hoa”, v.v.

Xem thêm: Ô nhiễm không khí, người Trung Quốc ồ ạt chạy tị nạn thoát khỏi Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc từng ra lệnh phá bỏ và giải thể một số nhà máy sản xuất thép nhỏ lẻ, hiệu suất thấp và gây ô nhiễm cao, nhưng đến nay những nhà máy thép lại liên tiếp mọc lên ở nhiều nơi như Sơn Đông, Hà Bắc, v.v… Ông Ngô Hồng Lập chỉ ra rằng, một số chủ sở hữu nhà máy đã thông đồng với chính quyền địa phương, chạy theo tối đa hóa lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. 

30 thành phố phát hành cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng

Mùa đông năm nay, ĐCSTQ đã thúc đẩy mạnh mẽ dự án “Cải thiện môi trường không khí”, nhưng mức độ ô nhiễm ở nhiều nơi trong thời gian gần đây cho thấy, việc “cải thiện môi trường không khí” này không mấy hiệu quả.

Theo báo cáo mới công bố, tính đến chiều 21/12, 30 thành phố trực thuộc 5 tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây, Sơn Đông và Thiên Tân đã công bố cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có 1 thành phố công bố cảnh báo đỏ, 27 thành phố công bố cảnh báo ô nhiễm màu cam, và 2 thành phố cảnh báo ô nhiễm màu vàng.

Trang Weibo của Bộ Bảo vệ Môi trường của ĐCSTQ ngày 21/12 cũng đưa tin, từ ngày 21-23/12, khu vực Hoa Bắc, Tây Bắc và Tây Nam có thể xuất hiện mức độ ô nhiễm trên mức trung bình. Ngoài ra, phạm vi ảnh hưởng còn lan tới các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Bảo Định, Đường Sơn, Lang Phường, Hành Thủy, Hình Đài, Hàm Đan, Tế Nam, Thái Nguyên và Trịnh Châu.

Minh Ngọc

Xem thêm: