Tối ngày 23/8, khoảng 210.000 người Hồng Kông đã cùng nhau tổ chức hoạt động nắm tay tạo thành “Con đường Hồng Kông” để phản đối dự luật dẫn độ, ca sĩ Nguyễn Dân An (Tommy) đã tham gia để ủng hộ hoạt động này. Mọi người cùng nhau nhắc lại 5 yêu cầu lớn trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ mà đến nay chính phủ Hồng Kông vẫn không đưa ra hồi đáp.

Con đường Hồng Kông, phản đối luật dẫn độ,
Tối ngày 23/8, khoảng 210.000 người tại Hồng Kông đã tham gia hoạt động nắm tay nhau tạo thành ‘Con đường Hồng Kông’ để phản đối dự luật dẫn độ. (Ảnh từ Facebook)

Khoảng 7 giờ tối 23/8, hoạt động nắm tay nhau tạo thành “con đường Hồng Kông” được triển khai tại hơn 30 ga tàu điện ngầm ở các tuyến như tuyến Tsuen Wan, tuyến Kwun Tong, tuyến Island, v.v. Mọi người giơ tay ra hoặc cầm áp phích, hoặc bật đèn flash trên điện thoại, để biểu đạt yêu cầu trong yên lặng. Hoạt động này một lần nữa thể hiện cho thế giới thấy được quyết tâm và dũng khí chống bạo lực trong hoà bình, lý tính và phi bạo lực của người Hồng Kông. 

Buổi tối, ở bên ngoài nhiều ga đường sắt ngầm như Vượng Giác (Mong Kok), Kim Chung (Admiralty), Tiêm Sa Chuỷ (Tsim Sha Tsui), Quế Phường (Kwai Fong), mọi người đã đứng xếp hàng nối tay nhau tạo thành một “dây người” nối dài, họ cùng nhau bật đèn flash trên điện thoại, hô lớn khẩu hiệu “Hồng Kông cố lên”, nhiều người lái xe đi ngang qua cũng huýt sáo để ủng hộ. 

Đơn vị khởi xướng hoạt động này dự định “con đường” này có thể dài đến 45 km, nhưng do người tham dự quá đông, nên nhiều khu vực đã có thêm những “tuyến đường” mới, tổng cộng “dây người” trong buổi tối ngày 23/8 lên đến khoảng 60 km. Đêm tối ngày 23/8, số người tham gia lên đến khoảng 210.000 người.

Nguyễn Dân An, Tommy, phản đối luật dẫn độ, Con đường Hồng Kông
Ca sĩ Nguyễn Dân An (Tommy) xuất hiện tại Vượng Giác trong trang phục đen để ủng hộ hoạt động. (Ảnh từ Facebook)

Ca sĩ Hồng Kông Nguyễn Dân An (Tommy) xuất hiện tại Vượng Giác trong trang phục màu đen để ủng hộ hoạt động này. Anh nói: “Thêm một phần sức lực để cho nhiều người hơn nữa tham gia, chính là mục đích tối nay của tôi.”

Nhận định về việc người Hồng Kông dùng nhiều hình thức khác nhau để biểu đạt yêu cầu của mình, ca sĩ Nguyễn Dân An nói: “Hoạt động này không có sân khấu lớn, không có người tổ chức, sáng kiến đến từ suy nghĩ của cư dân mạng. Tôi cảm thấy hiện tại giống như mọi người đang leo núi, mỗi người đều có cách riêng của mình, người võ dũng có cách của người võ dũng, ‘hoà bình, lý tính, phi bạo lực’ có cách cách của ‘hoà bình, lý tính, phi bạo lực’, chỉ cần không vi phạm quy định của pháp luật thì tôi đều đứng ra ủng hộ.”

Đối với sự kiện cảnh sát dùng bạo lực để trấn áp người biểu tình, ca sĩ Nguyễn Dân An biểu thị sự phẫn nộ, anh cũng kêu gọi người dân Hồng Kông không nên nhụt chí. Anh nói: “Chúng ta đã bỏ ra nhiều nỗ lực, thậm chí có người còn bỏ ra cả mạng sống, hy vọng người Hồng Kông không nên nản lòng, bởi vì yêu cầu của chúng ta chưa được chính phủ Hồng Kông hồi đáp.”

Khi được hỏi về việc liệu anh có lo lắng vì tham gia hoạt động lần này mà bị chính quyền ngăn chặn các hoạt động, Nguyễn Dân An  cho biết, thương hiệu mà anh và vợ mình đầu tư, có kế hoạch kinh doanh tại Trung Quốc Đại lục, nhưng hai vợ chồng không suy nghĩ gì đến ảnh hưởng, và cho biết cả nhà đều rất ủng hộ anh. Anh cho biết: “Giữa lương tâm và tiền bạc, tôi nguyện lựa chọn lương tâm, bởi vì Hồng Kông là nơi mà tôi yêu mến quý nhất”. 

Nguyễn Dân An còn tiết lộ, anh từng nhận được cuộc điện thoại từ người lạ, khuyên anh nên giữ thái độ im lặng. Anh cười nói: “Có lẽ không phải là doạ nạt, mà tôi coi có là nhắc nhở thiện ý. Nếu thực sự có đe doạ, cùng lắm thì tôi ở Hồng Kông và đến Nhật Bản, tương lai nếu có cơ hội, có thể sẽ đến Đài Loan phát triển sự nghiệp.”

Khi hoạt động này kết thúc, nửa đêm, Nguyễn Dân An chia sẻ trên Facebook nói: “Tối nay, người Hồng Kông chúng ta cùng nắm tay nhau, không phân biệt bạn hay tôi, mục tiêu là nhất chí, đó là đem những điều tốt đẹp nhất của Hồng Kông tthể hiện cho toàn thế giới thấy được.”

janis
Cách đây 30 năm, Janis (phải), ở quê nhà Cộng hòa Latvia, anh đã từng tham gia “Con đường biển Baltic”, hiện giờ anh lại ở Hồng Kông tham gia vào hoạt động “Con đường Hồng Kông”, hy vọng góp thêm một phần sức lực giúp người Hồng Kông đấu tranh vì tự do dân chủ, cũng như mong muốn hoạt động này có thể thu hút thêm sự chú ý của thế giới. (Ảnh: VOA)

Hoạt động “Con đường Hồng Kông” lần này là mô phỏng theo chiến dịch “Con đường biển Baltic” 30 năm trước. Ngày 23/8/1989 ở vùng biển Baltic, khoảng hai triệu người đến từ các nước như Estonia, Latvia và Litva đã cùng nhau kết nối thành dây người dài hơn 650 km xuyên qua ba nước để đấu tranh cho tự do, lần này cư dân mạng Hồng Kông khởi xướng với hy vọng sẽ lại tạo thêm dấu ấn lịch sử.

Trí Đạt

Xem thêm: