Từ ngày thành lập đến nay chưa bao giờ chính quyền Bắc Kinh rơi vào khủng hoảng trầm trọng như thời điểm này. Quí I/2020 GDP giảm thấp âm 6,8%, lợi nhuận doanh nghiệp nhà nước giảm 60% so cùng kỳ, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 tăng cao chưa từng có lên mức 6,2%. Thất nghiệp là hậu quả của nền kinh tế đi xuống, thất nghiệp là khách quan nếu ở một tỷ lệ cho phép, còn nếu có hàng trăm triệu người thất nghiệp thì hậu quả kinh tế xã hội sẽ thật khó lường. Bắc Kinh đang phải đối phó với vấn đề lớn nhất mới phát sinh này.

street photography 1017885 960 720
(Ảnh: Pixabay)

Ngày 17/4, Tân Hoa xã đưa tin về việc Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố Quí I/2020 GDP của Trung Quốc tăng trưởng âm, giảm 6,8% so cùng kỳ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1976 khi có thống kê GDP, Bắc Kinh đưa ra con số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội âm. Cũng theo tin của Tân Hoa xã, hệ lụy của GDP âm làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tháng 1 là 5,3%, tháng 2 là 6,2%, tháng 3 là 5,9%.

Bắc Kinh đã thấy rõ vấn đề này, ngày 17/4 tại hội nghị ban chấp hành TW đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu “6 bảo đảm”, cụ thể là: 1- bảo đảm việc làm, 2- bảo đảm sinh kế cơ bản, 3- bảo đảm thị trường chủ chốt, 4- bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, 5- bảo đảm chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất, 6- đảm bảo vận hành cấp cơ sở. Thực chất đây chỉ là 6 khẩu hiệu mới thay cho khẩu hiệu “6 ổn định” cũ mà thôi. Trong đó, bảo đảm việc làm và bảo đảm sinh kế được đưa lên hàng đầu, cho thấy nguy cơ của vấn đề lớn nhất đã thực sự rất đáng lo ngại.

Hơn 200 triệu người thất nghiệp

Số liệu công bố tỷ lệ thất nghiệp 6% trong tổng số 775 triệu người lao động, tương đương 46 triệu người.

Ngày 22/4, báo Bắc Kinh đưa tin ông Chúc Bảo Lương (Zhu Bao Liang) chuyên gia kinh tế Trung tâm Thông tin thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, trực thuộc TW đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng trong 6% thất nghiệp mà cơ quan thống kê mới công bố này chưa bao gồm 26 triệu người lao động nhập cư và 120 triệu lao động phi nông nghiệp ở nông thôn.

Khái niệm lao động nhập cư, khác với lao động thành phố – là nói về những người có hộ khẩu ở nông thôn ra thành phố làm việc, theo thống kê hiện có 290 triệu người lao động nhập cư. Số 26 triệu người nhập cư nói trên chiếm 9% trong 290 triệu người lao động nhập cư của toàn quốc, đây là nhóm yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất. 26 triệu người này này là thuộc nhóm lao động công nhật, không có công việc ổn định, không được ký hợp đồng, thường làm lao động nặng nhọc ở công trường xây dựng, hoặc dịch vụ vận chuyển, bốc xếp, hoặc bưng bê, phụ bếp… có việc thì làm, không có việc thì nghỉ.

Còn khái niệm 120 triệu người lao động phi nông nghiệp ở nông thôn là chỉ về những người có hộ khẩu ở nông thôn, không có trình độ đủ điều kiện ra thành phố làm việc chính thức – không được tính vào trong 290 triệu người lao động nhập cư của toàn quốc. Họ vẫn ở nông thôn, nhưng không còn ruộng để sản xuất, hoặc còn nhưng không sản xuất được do thiếu nước thủy lợi, hạn hán,… ở nông thôn, họ phải tự kiếm sống bằng mọi cách, bằng các ngành nghề như dịch vụ, lao động tự do, làm thuê, kinh doanh tự do, bán hàng rong… được gọi lao động phi nông nghiệp ở nông thôn, số này có 120 triệu người.

Ông Chúc Bảo Lương cũng cho biết hàng năm số sinh viên ra trường bổ sung vào lực lượng lao động là 8,7 triệu người. Cũng theo tính toán của ông, trong điều kiện bình thường như các năm trước, GDP trên 6% thì sẽ tạo ra khoảng 10 triệu việc làm tăng thêm, nhưng hiện nay GDP âm thì sẽ rất khó khăn tạo việc làm mới.

Theo cách tính trên, cộng cả thất nghiệp 46 triệu, 26 triệu lao động nhập cư, 120 triệu lao động phi nông nghiệp ở nông thôn và 8,7 triệu sinh viên ra trường sẽ là 201 triệu lao động trong độ tuổi lao động hiện nay không có việc làm, đương nhiên là sẽ không có thu nhập, cuộc sống đang ở vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Số này chiếm 26% trên tổng số 775 triệu lao động Trung Quốc.

Mất việc làm vẫn gia tăng đe dọa sự tồn vong của thể chế

Con số 200 triệu người không có việc làm này vẫn tiếp tục gia tăng hàng ngày, bởi rất nhiều lý do:

Một là, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật… vẫn chưa phục hồi, để có thể quay về trạng thái năm 2019 thì còn một thời gian khá dài. Trong khi niềm tin của quốc tế đối với chính quyền Bắc Kinh giảm sút do nghi ngờ sự chân thật trong việc cung cấp số liệu – đặc biệt trong dịch viêm phổi Vũ Hán – đã tạo ra sự phẫn nộ.  Cách nhìn của các đối tác kinh doanh với Bắc Kinh cũng đã khác đi, rất nhiều nước phản đối làm ăn với Bắc Kinh. Cùng với nhiều lý do từ môi trường bên ngoài làm giảm sút các đơn hàng sản xuất, dẫn đến việc doanh nghiệp của Trung Quốc có hoạt động trở lại thì cũng phải thu hẹp sản xuất, giảm việc làm.

Hai là, để đối phó với khủng hoảng, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc, sớm phục hồi sản xuất, giải quyết vấn nạn thất nghiệp của mỗi nước…hiện nay cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều đang sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô cùng với chính sách tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp của mình dịch chuyển về nước (hoặc chuyển sang các nước khác). Vì vậy làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trước đây lại tiếp tục gia tăng hơn nữa, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục ra đi. Điều này không chỉ làm mất đi vai trò là trung tâm gia công quốc tế, mà quan trọng hơn là mất đi một nguồn lực quan trọng đã góp phần làm kinh tế mạnh mẽ suốt mấy thập kỷ qua của Trung Quốc. Trước mắt sẽ trực tiếp ảnh hưởng làm giảm việc làm tại Trung Quốc.

Ba là, về nhân tố nội địa, xét về cả tổng cung và tổng cầu thì sự suy giảm vẫn tiếp tục. Thực tế là hiện tại các doanh nghiệp kể cả của nhà nước và tư nhân đều đang ở trong tình cảnh muôn vàn khó khăn, việc công bố lợi nhuận Quí I của doanh nghiệp nhà nước giảm 60% đã phản ánh rõ. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị phá sản tiếp tục tăng cao, ngược lại số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm đi, như vậy người lao động sẽ tiếp tục còn phải ra đường, việc làm sẽ giảm đi.

Các chính sách và gói kích thích hỗ trợ phục hồi kinh tế chưa đủ mạnh, sự can thiệp của nhà nước chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ví dụ, biện pháp hành chính nhằm ngăn cản chủ doanh nghiệp sa thải công nhân trong lúc này đã không phát huy tác dụng. Truyền thông đang phản ánh việc các doanh nghiệp chống đối bằng cách cho công nhân nghỉ phép dài hạn, hoặc giảm giờ làm, cho nghỉ tự nguyện, cắt giảm lương thấp tới mức người lao động tự chủ động xin nghỉ.

Về hiệu quả kinh tế, có chuyên gia kinh tế cho rằng một trong những biện pháp kích cầu bằng cách đầu tư gia tăng mạnh mẽ cho quân sự, tăng cường các hạm đội tàu chiến, xây dựng các căn cứ quân sự, thành phố, sân bay… trên biển Đông là đầu tư sai lầm mất đi nguồn lực cho sản suất.

Bên cạnh đó, công luận chưa thấy Bắc Kinh đưa ra được tiền đề kinh tế gì mới nhằm thực hiện được bảo đảm việc làm và bảo đảm sinh kế cơ bản. Các tiền đề này phải là con số cụ thể vốn đầu tư cho sản xuất, con số cắt giảm thuế, con số giảm lãi suất, con số các gói đầu tư tài chính…chứ không phải là các biện pháp hành chính, mệnh lệnh như trên mà có thể tăng việc làm được.

Trên các kênh thông tin, cũng có chuyên gia nói con số người thất nghiệp có thể là 290 triệu, chứ không phải 200 triệu, vì thường các con số do Bắc Kinh công bố là đã được “tô hồng”. Có thể là vậy, bởi vì ai cũng hiểu rằng trong 200 triệu người mất việc làm này là chưa bao gồm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị quản thúc, cũng chưa bao gồm hàng mấy chục triệu người ở Trung Quốc Đại Lục tập luyện Pháp Luân Công đang bị Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn đàn áp, không cho các doanh nghiệp nhận vào làm việc… Hai nhóm người yếu thế này cùng với gia đình họ cũng đang rơi vào hoàn cảnh cuộc sống muôn vàn khó khăn về vật chất và tinh thần.

Vậy thì con số thật sự đang thất nghiệp tại Trung Quốc hiện nay là bao nhiêu, thật khó mà biết được chính xác. Một đất nước đã từng tự hào là có lực lượng lao động hùng hậu nhất thế giới giờ đây lại đang sắp bị ‘nổ tung’ vì ‘quả bom’ thất nghiệp này. Hậu quả của nó khó có thể lường hết được, nó đang dần hiện rõ và đang thực sự trở thành “vấn đề lớn nhất” ảnh hưởng không chỉ đến “sinh kế” của người dân, mà còn ảnh hưởng đến “quốc kế”, thậm chí có thể đe dọa sự tồn vong của cả một thể chế!

Tiểu Minh

Tham khảo:

  • “26 triệu người bị lãng quên trong 6 bảo đảm của Bắc Kinh” của Vision Times tiếng Trung
  • “200 triệu người thất nghiệp bị đe dọa sinh kế cơ bản” của Epoch Times

Xem thêm: