Sự kiện hơn 10.000 người tập Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa trước cổng Văn phòng tiếp nhận khiếu nại tại Bắc Kinh ngày 25/4/1999 về sau được nhân sĩ trí thức xem là ‘Cuộc khiếu nại quy mô lớn nhất, lý tính nhất và hòa bình nhất trong lịch sử Trung Quốc‘. Dù 20 năm đã trôi qua, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công, nhưng Pháp Luân Công đã được phổ biến đến hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

dieu hanh
Người tập Pháp Luân Công tại Nhật Bản tổ chức hoạt động kỷ niệm 20 năm Trung Quốc bức hại môn tập này (Ảnh: Epoch Times)

Bắc Kinh đàn áp 20 năm

Tháng 4/1999, khởi phát từ sự việc một tờ tạp chí của Học viện Giáo dục Thiên Tân đã xuất bản bài viết của ông Hà Tộ Hưu (He Zuoxiu) với mục đích chính là bôi nhọ Pháp Luân Công. Do bài viết có nhiều yếu tố không đúng với sự thật và chủ đích thóa mạ môn khí công tu Phật này, nên những người tập Pháp Luân Công đã đến tòa soạn để yêu cầu cải chính. Biên tập của tạp chí sau khi nghe trải nghiệm của những người tập Pháp Luân Công đã đồng ý và dự định đăng bài đính chính lại nội dung trước đó.

Tuy nhiên, sự việc bất ngờ đảo chiều vào ngày 23/4, tòa soạn không tiếp nhận lý lẽ của những người tập Pháp Luân Công, còn chính quyền Thiên Tân thì điều động cảnh sát vũ trang đến đánh đập và bắt giữ 45 người khiếu nại. Họ cho biết mệnh lệnh được truyền xuống từ Bắc Kinh và chỉ có cách tìm đến chính quyền trung ương ở Bắc Kinh để giải quyết.

Đó là lý do dẫn đến cuộc thỉnh nguyện ôn hòa tự phát trước cổng Văn phòng tiếp nhận khiếu nại gần Trung Nam Hải vào ngày 24 và 25/4 của những người tập Pháp Luân Công, với hy vọng chính quyền cho họ một môi trường tập luyện tự do và hợp pháp.

Từ hình ảnh ghi lại cũng cho thấy rằng, những người khiếu nại này không có khẩu hiệu, biểu ngữ hay hành vi quá khích nào. Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc bấy giờ là ông Chu Dung Cơ cũng đã sắp xếp quan chức Cục giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với một số người được chọn làm đại diện.

Tối ngày 25/4, những người tập Pháp Luân Công bị bắt tại Thiên Tân đã được thả, và đoàn người khiếu nại tại Bắc Kinh cũng nhanh chóng giải tán. Một ghi nhận đáng lưu ý là khi họ rời đi, trên mặt đất hoàn toàn sạch sẽ, không có mảnh giấy vụn nào để lại. Hãng tin Reuters từng cho rằng đây là cuộc thỉnh nguyện hòa bình quy mô lớn hiếm hoi ở Trung Quốc sau 10 năm xảy ra sự kiện đẫm máu “Lục Tứ” tại Bắc Kinh.

p4711071a115525751
Những người tập Pháp Luân Công thỉnh nguyên bên ngoài Trung Nam Hải năm 1999.

Sự kiện này cũng lần đầu tiên thu hút sự chú ý của truyền thông phương Tây về Pháp Luân Công. Tuy nhiên, trong khi bên ngoài muốn tìm hiểu sự thật về môn tập luyện này thì bên trong, một “đám mây đen” đã bao trùm Trung Nam Hải.

Theo số liệu của Hiệp hội Luật nhân quyền Mỹ, từ ngày 25/4 – 19/7/1999, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã dùng 2 thư tín trong nội bộ đảng và 3 văn kiện mệnh lệnh nội bộ để yêu cầu tổ chức các cấp trong đảng Cộng sản Trung Quốc phục tùng quyết định cá nhân của mình, bắt đầu đàn áp toàn diện Pháp Luân Công.

Sau đó, ông Giang Trạch Dân thông qua Ủy ban Chính trị Pháp luật để kiểm soát hệ thống công an, tòa án, viện kiểm sát, quốc an, cảnh sát vũ trang, điều động tài nguyên ngoại giao, giáo dục, tư pháp, quốc vụ viện, quân đội, y tế để chấp hành các mệnh lệnh bức hại cụ thể.

Vì sao bức hại Pháp Luân Công?

Tạp chí Tân Kỷ Nguyên tiết lộ, là người thống trị tối cao với quyền hành “tam vị nhất thể” (lãnh đạo đảng, chính phủ, và quân đội), tuy nhiên ông Giang Trạch Dân lại không có tài năng cũng như sự từng trải về chính trị, mà do tích cực ủng hộ đàn áp sinh viên trong sự kiện “Lục Tứ” năm 1989 nên được cất nhắc nắm quyền. Trong sự việc của Pháp Luân Công, khi thấy ông Chu Dung Cơ có được danh tiếng trên trường quốc tế nhờ xử lý thỏa đáng sự kiện thỉnh nguyện ngày 25/4, và thấy rất nhiều người dân trong nước tỏ lòng kính mến đối với nhà sáng lập Pháp Luân Công, nên trong lòng ông Giang cảm thấy bất an và sinh ra đố kỵ.

Xem thêm: Giang Trạch Dân bước vào Trung Nam Hải nhờ dẫm lên máu của sinh viên?

Giang Trạch Dân; Tăng Khánh Hồng
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân và tâm phúc Tăng Khánh Hồng (Ảnh: Getty Images)

Một nhân viên của Cơ quan Tình báo Quân khu Thành Đô từng tiết lộ, tháng 4/1999, khi ông Giang Trạch Dân quyết định đàn áp Pháp Luân Công, 6 trong số 7 Thường ủy Bộ Chính trị đã không đồng ý. Tuy nhiên, ông Giang vẫn bày kế cho tâm phúc của mình tạo tình báo giả, nói dối rằng Pháp Luân Công “muốn lật đổ đảng”. Và với lý do này, ông Giang buộc Ban Thường ủy Bộ Chính trị phải gật đầu đồng ý đàn áp Pháp Luân Công.

Khi đó, đương nhiệm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật La Cán là người đứng đầu cơ quan chuyên trách nằm ngoài pháp luật mang tên “Phòng 610”. Cụ thể, La Cán sẽ thực thi bất kỳ mệnh lệnh đàn áp nào mà ông Giang Trạch Dân đưa ra.

Theo trang Minghui.org kiểm tra và đối chiếu, đến ngày 23/4/2019, khoảng 4.296 người tập Pháp Luân Công bị bức hại chết oan uổng và ít nhất hàng trăm ngàn người vẫn bị giam giữ phi pháp trong các trại lao động cải tạo ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù chính quyền Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công không ngừng nghỉ 20 năm qua, nhưng môn tập luyện này vẫn được phổ biến đến ít nhất 31 nước và khu vực ở châu Á, 21 nước châu Mỹ, 47 nước châu Âu, 3 nước châu Đại Dương và 12 nước châu Phi.

Về phần ông Giang Trạch Dân, từ tháng 5/2015 đến nay, đã có 209.908 người tập Pháp Luân Công và người nhà của họ kiện Giang tội bức hại Pháp Luân Công lên Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc.

dieu hanh tai new york
Ngày 20/4, hàng ngàn người tập Pháp Luân Công tổ chức diễu hành và mít tinh kỷ niệm 20 năm Trung Quốc đàn áp môn tập này tại Flushing thành phố New York (Ảnh: Vision Times)

Cùng với đó, các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới, như châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Ukraine, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, cũng liên tiếp hưởng ứng, tạo thành một làn sóng trên toàn cầu ủng hộ người dân Trung Quốc Đại lục khởi kiện ông Giang Trạch Dân.

Pháp Luân Công là gì?

Pháp Luân Công hay còn gọi gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được ông Lý Hồng Chí truyền ra lần đầu tiên vào năm 1992 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Pháp Luân Công dạy người ta dùng giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn để đối đãi với mọi người, đồng thời tu tâm dưỡng tính cùng với 5 bài động tác tập luyện, có thể giúp cho người tập đạt được hiệu quả loại bỏ bệnh tật, thân tâm thăng hoa.

Do hiệu quả trị bệnh của Pháp Luân Công rất rõ ràng, và việc tập luyện là hoàn toàn miễn phí, môn tập này đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Đến tháng 7/1999, trên toàn Trung Quốc có khoảng 70 -100 triệu người tập luyện.

Pháp Luân Công không có tổ chức đoàn thể, không có người phụ trách và cấp bậc, cũng không có nơi thờ cúng đặc biệt. Trước khi ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, trong các cơ quan nhà nước Trung Quốc như quân đội, an ninh, truyền thông nhà nước, và ủy ban kiểm tra kỷ luật trong đảng, v.v, cũng rất hoan nghênh môn tập này.

Huệ Anh

Xem thêm: