Dưới thể chế độc đảng chuyên chính của Đảng Cộng sản trung Quốc (ĐCSTQ), Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) được gọi là “máy giơ tay”. Thông thường, các đại biểu  đều sẽ bỏ phiếu đồng ý, rất ít người bỏ phiếu phản đối hoặc bỏ phiếu trống, nhưng không phải là không có.

Tập Cận Bình
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã được bỏ phiếu thông qua, giới quan sát cho rằng đây là bước trải thảm để ông Tập Cận Bình tại vị hơn 2 nhiệm kỳ (Ảnh: Getty Images)

Chiều ngày 11/3, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua đề án sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong tổng số phiếu bầu, có 2958 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ. Như vậy, quy định “Nhiệm kỳ liên tiếp của Chủ tịch nước không được quá 2 khóa” sẽ chính thức được xóa bỏ khỏi Hiến pháp.

Ngày 9/3, Đài Phát thanh Đức (Deutsche Welle) dẫn lời của học giả chính trị Cao Kính Văn công tác tại Đại học Baptist Hồng Kông cho biết, đại biểu Nhân đại từng bỏ phiếu phản đối ông Tập Cận Bình. Khi ông Tập Cận Bình trúng cử chức Chủ tịch nước vào năm 2013, có 2952 phiếu đồng ý, 1 phiếu phản đối, 3 phiếu trống. Tỉ lệ ủng hộ là 99,86%.

Tờ Liên Hợp Tảo báo của Singapore cũng đưa ra nhận định, lần kiến nghị sửa đổi Hiến pháp này hiển nhiên gây bất ngờ cho rất nhiều người, dự thảo sửa đổi cũng sẽ không bị trở ngại mà còn được thông qua với số phiếu cao. Tuy nhiên, cuối cùng có bao nhiêu đại biểu phản đối hoặc bỏ phiếu trắng, sẽ giúp cho dư luận thấy được thái độ của các đại biểu đối với sửa đổi Hiến pháp là như thế nào.

Rốt cuộc là ai đã bỏ phiếu trống này, đặc biệt là phiếu phản đối, hiện tại không thể nào tra ra được.

Ông Mao Trạch Đông cũng từng có phiếu phản đối của Ủy viên Chính hiệp. Tháng 9/1949, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân ĐCSTQ đã bầu chọn Chủ tịch chính phủ Trung ương, 576 đại biểu bỏ phiếu, ông Mao Trạch Đông được 575 phiếu đồng ý. Mọi người đều cho rằng Mao Trạch Đông khiêm nhường, do đó mới bớt đi 1 phiếu, nhưng Mao Trạch Đông cũng tự bỏ phiếu đồng ý cho chính mình.

Chức Chủ tịch nước Trung Quốc do Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân đại đề cử, Hội nghị Nhân đại toàn quốc sẽ bỏ phiếu bầu chọn.

Theo quy định, Nhân đại toàn quốc sẽ có quyền bầu chọn và bãi miễn chức Chủ tịch nước. Tuy nhiên, phương thức tuyển cử đầu tiên phải do Đoàn chủ tịch Nhân đại đề cử, sau đó toàn thể hội nghị mới được bỏ phiếu đồng ý. Do bầu chọn dựa vào số phiếu, nếu ứng cử viên chỉ có một, thì phiếu bầu chọn cũng chỉ có thể chia ra là đồng ý hay không đồng ý.

Từ năm 1954 đến nay, tại Trung Quốc, ứng cử viên cho chức chủ tịch nước do Đoàn chủ tịch Nhân đại đề cử đều trúng cử với số phiếu cao. Không ít người trúng cử với 100% số phiếu bầu. Điều này khiến cho việc bầu chọn không hề có chút nào hồi hộp kịch tính. Bên cạnh đó, trước khi tuyển cử, Bộ Ngoại giao sẽ công bố trước việc sắp xếp các hoạt động ngoại giao cho chủ tịch nước.

Ví như tháng 3/2008, trước khi bầu chọn chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Khiết Trì đã công bố hành trình thăm Nhật Bản vào tháng 5 của “Chủ tịch nước” Hồ Cẩm Đào. Còn năm 2013, trước khi Đại hội Nhân đại khóa 12 tiến hành bầu chọn, Bộ Ngoại giao cũng đã công bố hành trình thăm nước ngoài của “Chủ tịch nước” Tập Cận Bình, mặc dù khi đó ông Tập Cận Bình đã đảm nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã nắm thực quyền, nhưng thực tế khi đó, chức Chủ tịch nước Trung Quốc vẫn do ông Hồ Cẩm Đào đảm nhậm.

Vậy chức Chủ tịch nước rốt cuộc là gì?

Chủ tịch nước Trung Quốc vốn chỉ là nguyên thủ quốc gia không có thực quyền mang tính lễ nghi và tượng trưng, tuy nhiên, chỉ cần Chủ tịch nước đồng thời đảm nhiệm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương thì sẽ trở thành người lãnh đạo tối cao.

Mới đầu, khi ĐCSTQ mới thành lập chính quyền, chức Chủ tịch nước chưa được thiết lập, chỉ thiết lập chức Chủ tịch Chính phủ nhân dân Trung ương. Năm 1954, Hiến pháp Trung Quốc thiết lập chức Chủ tịch nước. Tháng 9/1954 đến tháng 4/1959, ông Mao Trạch Đông đảm nhậm chức Chủ tịch nước, còn ông Chu Đức đảm nhậm chức Phó Chủ tịch nước. Sau khi hết nhiệm kỳ, Mao Trạch Đông tiếp tục đảm nhậm chức Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ.

Tháng 4/1959 đến tháng 10/1968, ông Lưu Thiếu Kỳ đảm nhậm chức Chủ tịch nước. Trong thời gian diễn ra Cách mạng Văn hóa, ông Lưu Thiếu Kỳ bị khai trừ tất cả các chức vụ, đồng thời bị giam giữ đến lúc bị bệnh chết.

Năm 1968 đến 1975, Chủ tịch nước trong trạng thái ghế trống thời gian dài, do Phó Chủ tịch nước (Tống Khánh Linh và Đổng Tất Vũ) cùng quyền Chủ tịch (Đổng Tất Vũ) thay mặt Chủ tịch nước.

Năm 1970, ông Mao Trạch Đông và Lâm Bưu xuất hiện sự chia rẽ trong vấn đề có nên thiết lập chức Chủ tịch nước hay không. Năm 1975, Hiến pháp Trung Quốc chính thức hủy bỏ cơ cấu Chủ tịch nước, sửa đổi lại là do Thường ủy Nhân đại toàn quốc chấp hành chức trách nguyên thủ quốc gia.

Năm 1982, Hiến pháp khôi phục lại chế độ Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 5 năm, có thể nhậm chức thêm 1 nhiệm kỳ liên tiếp.

Tháng 6/1983, ông Lý Tiên Niệm trúng cử Chủ tịch nước.

Tháng 4/1988 đến tháng 3/1993, ông Dương Thượng Côn nhậm chức Chủ tịch nước.

Tháng 3/1993, Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước, được gọi là “Tam vị nhất thể”.

Tháng 3/2003 đến tháng 3/2013, ông Hồ Cẩm Đào nhậm chức Chủ tịch nước.

Tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình tiếp nhậm chức Chủ tịch nước từ ông Hồ Cẩm Đào

Tuyết Mai

Xem thêm: