Tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona vẫn lây lan không ngừng, mới đây, chính quyền thành phố Vũ Hán đã thông báo tạm thời dừng các hoạt động giao thông công cộng, đóng cửa sân bay, ga tàu, đồng thời yêu cầu người dân thành phố không rời đi mà không có lý do chính đáng.

Embed from Getty Images

Người dân đeo khẩu trang khi chờ đợi tại Ga tàu ở Hán Khẩu hôm 22/1 vừa qua (Ảnh: Getty Images)

Cụ thể, các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm trong thành phố hay tàu chạy đường liên tỉnh, cũng như các chuyến bay sẽ tạm dừng hoạt động phục vụ hành khách từ 10 giờ sáng ngày 23/1 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Đại diện chính quyền thành phố Vũ Hán khẳng định đây là biện pháp nhằm “ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus corona và bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người dân”.

Thêm nữa, giải đấu quyền anh Olympic châu Á và châu Đại Dương dự kiến ​​sẽ được tổ chức tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 2 tới cũng sẽ bị hủy bỏ nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho các tuyển thủ và những người khác.

Tờ SCMP đưa tin, tối ngày 22/1, chính quyền Trung Quốc thông báo số ca tử vong do nhiễm viêm phổi Vũ Hán đã lên đến 17, toàn bộ đều ở tỉnh Hồ Bắc. Số lượng ca nhiễm bệnh được xác nhận cũng lên tới 541 trường hợp. Điều đáng lo ngại là diễn biến dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan không ngừng do chủng virus này có thể lây trực tiếp qua người, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Các quan chức Trung Quốc ước tính có khoảng 3 tỷ lượt di chuyển trên khắp đất nước trong trào lưu “xuân vận” kéo dài 40 ngày tại Trung Quốc, kể từ ngày 10/1 đến 18/2. Trong đó có khoảng 2,43 tỷ chuyến đi qua đường bộ, 440 triệu chuyến đi qua đường sắt, 79 triệu chuyến đi qua đường hàng không và 45 triệu chuyến đi qua đường tàu.

Trước tình hình đó, ngày 22/1, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của châu Âu (ECDC) đã phát ra thông báo tới toàn bộ các sân bay ở châu Âu cần triển khai tăng cường các biện pháp kiểm tra những chuyến bay từ Vũ Hán, Trung Quốc. Nước Anh cũng đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế tới Vũ Hán, Trung Quốc.

Hiện rất nhiều quốc gia đều đã chính thức tuyên bố các trường hợp nhiễm bệnh, như tại Thái Lan, Nhật Bản, Macao, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và mới đây nhất là Mỹ.

Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đang bắt đầu nghiên cứu phát triển vắc-xin viêm phổi bùng phát tại Vũ Hán. Kênh CNN dẫn lời của ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia cho biết, có khả năng vài tháng sau sẽ triển khai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, sau một năm mới có thể có được vắc-xin.

Chủng virus gây bệnh viêm phổi Vũ Hán cùng họ với virus SARS, đã giết chết gần 800 người trong khoảng năm 2002-2003. Điều này đã làm dấy lên một mối quan ngại sâu sắc. 

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cân nhắc về việc liệu có đưa ra tuyên bố đại dịch toàn cầu trước dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra trong và ngoài Trung Quốc hay không. Một ủy ban khẩn cấp gồm 21 thành viên và cố vấn do WHO lập ra sẽ tái lập tại Geneva, Thụy Sỹ, vào ngày 23/1 để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO khẳng định: “Quyết định cuối cùng về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là một điều cực kỳ nghiêm túc và sẽ được đưa ra sau khi chúng tôi đánh giá tất cả các bằng chứng. Đây là một tình huống khá phức tạp. Nhóm của WHO tại Trung Quốc đang phối hợp với các chuyên gia và giới chức của nước này để thảo luận về vụ việc.”

Hiện các thành viên của ủy ban đang chờ thông tin bổ sung từ Trung Quốc về các trường hợp được xác nhận và muốn biết thêm chi tiết về lệnh cấm du lịch của các quan chức ở Vũ Hán, để có thể đưa ra quyết định.

Minh Ngọc

Xem thêm: