Tập 8 của Chương trình Life Matters – series phim tài liệu y học do Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải kết hợp với Đài Truyền hình Thượng Hải sản xuất – tiết lộ của chủ nhiệm ICU khoa nhi Chu Hiểu Đông về việc các bác sĩ khoa nhi đang dần dần biến mất. Điều này đã nhanh chóng trở thành đề tài nóng trên các mạng diễn đàn của Trung Quốc.

Có thể nói rằng đây là một sự thật kinh hoàng đang diễn ra và khiến người dân Trung Quốc rơi vào tình cảnh bế tắc không lối thoát. Bác sĩ Chu Hiểu Đông nói: “Khoa chúng tôi thành lập đến nay là được 4 năm, 4 năm có 4 bác sĩ từ chức. Muốn tuyển dụng vài bác sĩ trẻ quả thật rất khó khăn. Khoa của người khác chỉ có 2 suất, có 6 người tới ứng tuyển; khoa của chúng tôi có 8 suất, chỉ có 1 người tới ứng tuyển.”

bac si bo nghe
Trong thời gian 8 tiếng đều phải khám cho 60-80 bệnh nhân, thậm chí nhiều hơn” (Hình ảnh: Life Matters)

Mới đây nhất, bác sĩ Trương, một bác sĩ nhi có năng lực xuất chúng, được các đồng nghiệp và bệnh nhân khen ngợi cũng đã rời đi. Đáng tiếc, anh không có học vị tiến sĩ, công việc bận rộn càng khiến anh không có thời gian làm luận văn, sự nghiệp cứ giậm chân tại chỗ, cuối cùng anh lựa chọn từ chức. Kỳ thực, việc từ chức cũng là anh bị ép buộc phải rời đi. Trường hợp của bác sĩ Trương cũng chỉ là một điểm nhỏ trong bức tranh toàn cảnh đang hết sức phổ biến ở khoa nhi.

100 nghìn bác sĩ khoa nhi đang biến mất

Năm 2017, Trung Quốc thiếu hơn 200 nghìn bác sĩ khoa nhi, bác sĩ khoa nhi chỉ có tổng cộng 100 nghìn người, nhưng trẻ em trong độ tuổi 0-14 của Trung Quốc lại có tới khoảng 260 triệu bé. 100 nghìn bác sĩ khoa nhi phải phục vụ 260 triệu trẻ em, một bác sĩ phải phục vụ 2.600 bé.

Trung bình mỗi ngày, một bác sĩ phải khám cho 60-80 bệnh nhi, thậm chí còn nhiều hơn. Khoa nhi vào ban đêm còn đông người hơn cả ga tàu mùa xuân vậy. Có người oán trách rằng bác sĩ chỉ khám cho mỗi bệnh nhi có 3-5 phút. Nhưng ngay cả với tốc độ như vậy thì vẫn còn một số lượng lớn bệnh nhi phải đợi hơn 4 tiếng chỉ để xếp hàng.

Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ khoa nhi bị thiếu hụt không những không được bổ sung thêm mà còn không ngừng tăng lên. Trong thời gian 3 năm, từ năm 2014 đến năm 2016, bác sĩ khoa nhi đã giảm 14.310 người. Các sinh viên ngành y cũng thường ưu tiên chọn khoa mắt, khoa ngoại, khoa nội, khoa sản thay vì khoa nhi.

Trong 15 năm qua, bác sĩ khoa nhi của Trung Quốc chỉ tăng thêm 5.000 người. Hàng năm có 800.000 sinh viên Y khoa tốt nghiệp, chỉ có 22.000 người trở thành bác sĩ, chỉ có hơn 300 người trở thành bác sĩ khoa nhi. Số lượng bác sĩ mới giảm nhanh, khoa thậm chí còn không tuyển dụng đủ người; chưa kể đến việc bác sĩ khoa nhi dần rời bỏ nghề.

Ba thực tế đáng buồn về sự biến mất của bác sĩ khoa nhi

Thứ nhất: Bác sĩ chữa bệnh cứu người nhưng họ có thể mất mạng bất cứ lúc nào

Năm 2016, tại Bệnh viện Lai Cương (Sơn Đông), bác sĩ khoa nhi Lý Bảo Hoa bị người nhà bệnh nhi chém trọng thương, không qua khỏi, trên người có 27 vết dao, phần đầu có tới 12 vết. Điều khiến người ta xót xa nhất chính là trước khi bị chém, anh vừa mới kết thúc ca làm đêm kéo dài 16 tiếng, bận rộn cả một đêm không ngủ. Bác sĩ Vương Tuấn ở Thiệu Đông (Hồ Nam), chỉ vì không dừng cuộc phẫu thuật để cắt bỏ mô hoại tử cho bệnh nhi mới tới, đã bị người nhà bệnh nhân vây lại đánh đến mất mạng.

Không chỉ sự an toàn của bản thân, đôi khi ngay cả những người ruột thịt của chính họ cũng khó bảo đảm. Tại Ích Dương (Hồ Nam), đứa con mới 10 tuổi của một nhân viên y tế đã bị người nhà của bệnh nhân bám theo, bị đâm 13 nhát dao khi đang trên đường đi học. Tất cả, chỉ vì họ là bác sĩ, chỉ vì họ làm cái nghề này, bị đánh bị mắng đã là chuyện thường ngày. Con cái kêu đau, bố mẹ liền động tay động chân với bác sĩ; chọc ven một lần không lấy được máu, vung tay tát luôn vào mặt y tá…

Ngoài việc bị bạo hành, nguy cơ trầm cảm cũng đe dọa bác sĩ nhi. Quách Khánh Nguyên (43 tuổi) là một bác sĩ ngoại khoa có danh tiếng, nhưng cuộc đời của anh đã mãi mãi dừng lại vào ngày 23/1/2018. Tối hôm xảy ra vụ việc, anh đã khám cho tổng cộng 40 bệnh nhân. Bác sĩ Triệu Biến Hương (43 tuổi) đã ngã xuống tại phòng bệnh 505. Một giây trước đó, chị còn mỉm cười hỏi con gái của bệnh nhân: “Mẹ cháu thấy sao rồi?” Vì nhân lực không đủ, nếu không làm thêm ca thêm giờ, họ hoàn toàn không thể đối phó với số lượng bệnh nhân khổng lồ. Điều họ có thể làm chính là lấy sức khỏe của mình để đổi lấy sức khỏe của bệnh nhân. 

Thứ hai: Mức lương của bác sĩ nhi tỷ lệ nghịch với công sức bỏ ra

Theo khảo sát, có 76% bác sĩ khoa nhi nhận lương dưới 5.000 tệ (khoảng 17 triệu VNĐ), trong đó có tới một nửa là lương chưa tới 3.000 tệ (khoảng 10 triệu VNĐ). Mức lương này thuộc dạng thấp so với mức GDP bình quân đầu người 8.583 USD (19,5 triệu VND) của Trung Quốc vào năm 2017.

bac si khoa nhi bo nghe 2
“Thật ra mỗi tháng chỉ nhận được hơn 1.000 tệ. Ở trên viết con số 4.000 đều là giả. Lương thực tế là 1.527 tệ.” (khoảng 5,3 triệu VNĐ) – Lương của bác sĩ chính trong phim tài liệu.

Bác sĩ đang gánh vác áp lực khó mà tưởng tượng nổi, hàng ngày đều bị vắt kiệt sức lực, tiền lương có được lại chẳng đủ nuôi sống chính bản thân. Bác sĩ Chu Nguyệt Nữu (40 tuổi), năm 2005 học xong tiến sĩ, cuối tháng 12/2018 mới được thăng chức lên làm phó chủ nhiệm. Vào thời điểm này, rất nhiều đồng nghiệp cùng tuổi với chị đã là chủ nhiệm hay thậm chí là hướng dẫn nghiên cứu sinh từ lâu rồi. Không phải do năng lực kém, mà bởi vì chị bận rộn khám và chữa bệnh, ngày ngày ở trong phòng bệnh, không có thời gian làm nghiên cứu khoa học và viết luận văn, không được thăng hạng chức danh. Không được thăng hạng chức danh thì đãi ngộ không thể tăng thêm. 

Thứ ba: Phần lớn bác sĩ khoa nhi đều phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày

Là bác sĩ duy nhất có năng lực phụ trách ICU, Chu Nguyệt Nữu ngày hàng phải chăm sóc hơn chục bệnh nhân. Những bệnh nhân này đều là trẻ nhỏ, nhưng đều bị bệnh nặng. Có khối u trong bụng, có khối u trong tuỷ, có khối u trong não,… sự sống mong manh. Vì những đứa trẻ này, chị bận tới mức không có thời gian uống nước, ăn cơm, đi vệ sinh, thậm chí không có thời gian bận tâm đến con gái của mình. Chân con gái chị bị thương, không thể đi học, điều chị có thể làm cũng chỉ là thu xếp cho con ở phòng trực ban. Thời gian thi cuối kỳ của con gái, chị gặp phải một bệnh nhân viêm cơ tim cấp mới 10 tuổi, phải ở bệnh viện theo dõi 116 tiếng, suốt 4 ngày rưỡi. Nhớ tới đứa con gái ở nhà không ai quan tâm, người phụ nữ trước nay mạnh mẽ cũng không khỏi bật khóc nức nở. Một bên là cuộc chiến sinh-tử trong phòng bệnh, một bên là tuổi thơ một đi không trở lại của con gái, chọn bên nào, chọn ra sao? Chị không có cơ hội lựa chọn, vì ngay cả thời gian về nhà cũng không có. Điều chị có thể làm chính là gọi điện thoại cho cô giúp việc trong nhà, nhờ cô làm thêm nhiều món ngon cho con gái. Điều chị có thể làm cho con gái cũng chỉ có thể tới vậy thôi. Đó không phải là câu chuyện thường ngày của riêng bác sĩ Chu, mà là chuyện của mọi bác sĩ khoa nhi.

bac si khoa nhi bo nghe 3
“Rất ít khi được tan làm về nhà trước 7-8 giờ. Con gái tôi quấn lấy bố và bà ngoại nhất. Có đôi lúc thấy hổ thẹn với con mình, bởi vì ít thời gian bầu bạn với nó.” “Tôi lau nước mắt đã.”

Hàng ngày đều phải làm việc trên 16 tiếng, họ hy sinh sức khoẻ, hy sinh thời gian nghỉ ngơi, thậm chí còn không thể tham dự vào quá trình trưởng thành của con mình. Sau khi trả một cái giá lớn như vậy, thứ họ nhận được chính là mức lương thấp đến đáng thương, người thân không thấu hiểu, bệnh nhân quấy rầy, đánh mắng hay thậm chí là chém giết, ngay cả con họ cũng không tha. Hình ảnh chân thực dưới ống kính về bác sĩ khoa nhi vừa quen thuộc cũng vừa lạ lẫm. Ngoài lương thấp, áp lực công việc lớn, khó thăng chức, đột tử, gây rối, bạo hành nhân viên y tế,… họ cũng đang phải chịu nhiều áp lực đến từ cuộc sống. Sau lớp áo blouse trắng, họ cũng là người bình thường có gia đình riêng. Vừa bận rộn cứu người, vừa phải nghĩ cách giữ lấy mạng sống, đó chính là thế giới chân thật nhất của họ. Cho nên không khó để hiểu tại sao có tới 34% bác sĩ khoa nhi trong vòng 2 năm đã có kế hoạch xin thôi việc. Ở bệnh viện tuyến cơ sở thì tỷ lệ này đã lên tới 41%.

Khi những bác sĩ này cũng rời đi, điều đang đợi chúng ta là gì?

Phía sau việc bác sĩ khoa nhi bỏ nghề, 90 triệu gia đình không còn lối thoát

Ngay từ năm 2016, thông tin thiếu hụt bác sĩ khoa nhi liên tiếp được đăng tải. Bệnh viện phải huỷ cấp cứu và khám bệnh vào ban đêm. Tháng 1/2018, dịch cúm hoành hành khắp toàn cầu khiến các bệnh viện ở Trung Quốc chật ních bệnh nhân. Các bác sĩ vất vả tới mức đổ bệnh. Khoa nhi của các bệnh viện tại Thượng Hải, trung bình phải xếp hàng 4 tiếng; trong một bệnh viện tại Thâm Quyến, bác sĩ nhi khoa một ngày phải khám cho 300 bệnh nhi, gấp 3 lần lượng công việc của phòng khám bình thường, không ít bác sĩ phải cố chống đỡ dù đang đổ bệnh; một bệnh viện cấp 3 tại Thiên Tân đã phải dừng khám bệnh vì tất cả bác sĩ khoa nhi đều đổ bệnh…

Cũng chính vào lúc này, một số người mới bàng hoàng nhận ra con mình đang ở trong hoàn cảnh nguy hiểm. Phía sau việc bác sĩ khoa nhi bỏ nghề sẽ là 90 triệu gia đình không còn lối thoát. Mới đây nhật báo Quảng Châu có đưa tin tại Bệnh viện I trực thuộc Đại học Trung Sơn, trong số 21 bác sĩ khoa nhi, có 4 người đã được bệnh viện tư mời sang với mức lương cao, lương tháng 3 vạn tệ (khoảng 100 triệu VNĐ), còn không cần làm ca đêm. Một bên là lương cao, thời gian tự do, được người khác tôn trọng; một bên là thu nhập không cao, tăng ca quá nhiều, động một chút là bị đánh bị mắng. Không khó để tưởng tượng, trong tương lai không xa, việc bác sĩ khoa nhi từ bệnh viện công đầu quân cho bệnh viện tư sẽ có tốc độ ngày càng cao.

Đến khi ấy, sẽ chỉ xuất hiện một tình trạng: Với những phụ huynh sẵn sàng và có thể chi trả nhiều tiền hơn, con cái của họ sẽ được tiếp nhận điều trị tốt hơn tại những bệnh viện tư. Mà những người còn lại, khi con mình đổ bệnh, họ chỉ có thể chầu chực ở cửa phòng cấp cứu lúc nửa đêm, bấm đốt tay tính xem còn bao lâu nữa thì bác sĩ mới làm việc, bao lâu nữa thì bệnh viện mới mở cửa.

Hành hung nhân viên y tế – thất thoát bác sĩ – quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở nên gay gắt, chốt đóng của vòng tuần hoàn ác tính này đã được tạo nên mà mỗi người chúng ra đều ở trong đó. Có thể dự đoán y tế dành cho trẻ em ở Trung Quốc đã vào mùa đông giá buốt mà không dễ gì tìm được tấm áo cho bản thân mình.

Hoa Biện Chí (Theo cj.sina.com.cn)

(*) Đăng theo bản dịch của Apry618. TTVN biên tập.

Xem thêm: