Một thư ngỏ do 10 giáo sư ở Vũ Hán ký tên đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc cần thực thi các điều khoản về tự do ngôn luận đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa, theo Business Insider.

edit 007wylzbly1gbnlry686ij31400u0jy2
Dòng chữ “Tống biệt Lý Văn Lượng”, Bắc Kinh (Ảnh: weibo)

Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, bác sĩ Lý Văn Lượng đã cảnh báo với những người bạn học cũ của mình về một căn bệnh giống SARS thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat. Sau đó, bác sĩ Lý đã bị cảnh sát Vũ Hán khiển trách và yêu cầu ký văn bản thừa nhận rằng mình đã lan truyền những tin đồn sai lệch trên mạng Trung Quốc.

Diễn tiến của dịch bệnh về sau đã chứng minh cảnh báo của bác sĩ Lý là đúng. Dịch bệnh do virus corona mới gây ra đã giết chết ít nhất hơn 800 người tại Trung Quốc, với hàng chục nghìn ca nhiễm bệnh được xác nhận. Không may, trong một lần điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ cũng đã bị nhiễm virus, và qua đời vào tối ngày 6/2.

Cái chết của bác sĩ Lý đã khuấy động một làn sóng phản ứng dữ dội hiếm thấy trên mạng xã hội Trung Quốc, hàng triệu cư dân mạng chia sẻ hashtag “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận”. Sau khi hashtag này bị xoá, hashtag mới lại được tạo ra với mức độ gay gắt hơn: “Chúng tôi yêu cầu tự do ngôn luận.”

“Yêu cầu tự do ngôn luận. Vũ Hán ngày hôm nay có thể chính là ngày mai của chúng ta. Chúng ta có quyền lợi được biết sự thật! Chúng ta cũng có quyền lợi được nói ra sự thật!” – một bình luận trên Weibo viết.

Trước cái chết của bác sĩ Lý, 10 giáo sư tại Vũ Hán đã viết thư ngỏ, yêu cầu chính phủ thực thi quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng với việc xin lỗi và bồi thường cho 8 người tố giác trước đó bị chính quyền địa phương buộc tội, theo Business Insider.

Twitter của giáo sư người Pháp Sebastian Veg, người dạy môn lịch sử tri thức thế kỷ 20 tại Trung Quốc, cho thấy trích đoạn của bức thư ngỏ, trong đó trích dẫn Điều 35 và 51 trong Hiến pháp Trung Quốc.

Điều 35 Hiến pháp quy định công dân Trung Quốc “được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, hành nghề và tự do biểu tình”, trong khi Điều 51 Hiến pháp nói rằng việc thực thi quyền công dân Trung Quốc “không được xâm phạm lợi ích của nhà nước, xã hội, và tập thể, hoặc các quyền tự do hợp pháp và các quyền của những công dân khác.”

“Trong ba mươi năm, người Trung Quốc đã phải từ bỏ tự do của mình để đổi lấy sự an toàn, và giờ đây họ rơi vào tình trạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và kém an toàn hơn bao giờ hết….Một thảm họa nhân đạo đang đến với chúng ta, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng cô lập toàn cầu chưa từng thấy,” thư ngỏ có đoạn viết.

Thư ngỏ cũng yêu cầu chính phủ Trung Quốc công nhận bác sĩ Lý là liệt sĩ. 

> ‘Không có tự do để nói lên sự thật – Không có tự do để chết đi’

Một bức thư khác được ký bởi 9 học giả tại các trường Đại học ở Trung Quốc cũng yêu cầu lấy ngày 6/2 làm “Ngày tự do ngôn luận quốc gia” để vinh danh bác sĩ Lý.

Giáo sư Trương Thiên Phàn tại đại học Bắc Kinh, một trong những người đề xuất yêu cầu trên, nói rằng: “Chúng ta không nên để cái chết của bác sĩ Lý trở thành uổng phí. Bi kịch của anh không nên làm chúng ta sợ hãi, ngược lại chúng ta hãy dũng cảm lên tiếng, bởi nếu chúng ta im lặng như ve sầu mùa đông thì cái chết sẽ đến càng nhanh”.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: