Thời gian gần đây, nhiều trạm BOT trên cả nước bị người dân phản đối vì những vấn đề bất cập như giá phí quá cao, đặt sai vị trí, khoảng cách giữa các trạm đặt chưa hợp lý,… Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng chỉ ra nhiều sai phạm tại các trạm BOT này, mà theo TTCP Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính.

tram bot ql5
Trạm BOT quốc lộ 5 (đoạn qua Hưng Yên) trước đó cũng bị người dân dùng tiền lẻ trả phí. (Ảnh: Phạm Toàn)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 535 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.

Theo thông báo, trong thời gian qua các hình thức đầu tư BOT và BT có nhiều bất cập. Do đó, Bộ KH&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Nghị quyết số 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị liên quan của Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91 ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 59 ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Quyết định số 41 ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định bán cổ phần theo lô.

Bộ GTVT cũng được giao nghiên cứu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, gắn với đề án tái cấu trúc ngành, hướng tới phát triển hài hòa các phương thức vận tải; chủ trì xây dựng, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP trong tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa); định hướng lập các trạm thu phí.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các quy trình quyết toán hợp đồng đối với các nhà đầu tư; thực hiện quyết toán các công trình theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát thời gian thu phí hợp lý các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Theo kết luận của TTCP công bố ngày 18/8, 7 dự án (5 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án kết hợp cả BOT và BT) bị thanh tra, TTCP phát hiện các chủ đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền trên 316 tỷ đồng.

70 dự án khác được đầu tư theo hình thức BOT và BT do Bộ GTVT đã thực hiện đều không lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu.

Hầu hết các dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác

Mặt khác, phương án, doanh thu tài chính xác định thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài. Bộ GTVT khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành 1 dự án rồi đặt 2 trạm thu phí tại 2 nơi không hợp lý.

Theo đó, TTCP kết luận Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung, toàn diện đối với những nội dung theo quy định thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó là việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.

Văn Duy

Xem thêm: